Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 1: Đánh địch ở mặt trận vùng ven

09:04, 20/04/2012

Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, bao lần khu căn cứ cách mạng nằm ven TX.Long Khánh ở phía Bắc bị giặc đánh chiếm là bao lần quân, dân ta vùng lên giải phóng. Bình Lộc, Suối Chồn, Bảo Vinh là nơi quân ta bẻ gãy nhiều trận càn của giặc, chôn vùi nhiều tên ác ôn có nợ máu với nhân dân.

Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, bao lần khu căn cứ cách mạng nằm ven TX.Long Khánh ở phía Bắc bị giặc đánh chiếm là bao lần quân, dân ta vùng lên giải phóng. Bình Lộc, Suối Chồn, Bảo Vinh là nơi quân ta bẻ gãy nhiều trận càn của giặc, chôn vùi nhiều tên ác ôn có nợ máu với nhân dân. Mảnh đất này cũng đã sinh ra những tập thể, cá nhân anh hùng, như: Đội du kích Bình Lộc, đội du kích Bảo Vinh, anh hùng Lê A, anh hùng Nguyễn Thành Danh, cùng biết bao đồng bào, đồng chí đã kiên cường bám trụ chiến đấu để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc…

Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Tuy nhiên, với bản chất ngoan cố, Mỹ - ngụy đã cố tình vi phạm hiệp định Paris, tập trung các lực lượng chủ lực kết hợp với lính bảo an, dân vệ liên tục mở các đợt tấn công, càn quét, lấn chiếm đồng loạt các vùng làm chủ của ta.

* Đánh địch chiếm lấn, bảo vệ vùng căn cứ

Vào thời điểm ấy, bên cạnh số quân hiện hữu, quân địch tăng cường cho Long Khánh thêm 1 tiểu đoàn biệt động quân (cọp đen), 1 tiểu đoàn lính bảo an ở Bình Dương lên để khôi phục đoạn đường sắt Dầu Giây - Gia Ray và thực hiện nhiệm vụ đánh phá vùng giải phóng. Ngay khi vừa đặt chân đến Long Khánh, bọn cọp đen đã pháo kích dữ dội vào các khu vực Bình Lộc, Bảo Vinh và cho máy bay lên thẳng quần thảo, bắn rốc két để giết hại đồng bào. Chỉ tính trong chiều 28-1-1973, hơn một nửa số nóc nhà dân ở ấp Bảo Vinh A đã bị giặc đốt, bắn cháy.

Du kích Long Khánh chế vũ khí tự tạo để đánh địch.
Du kích Long Khánh chế vũ khí tự tạo để đánh địch.

Giữa năm 1973, địch liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét, lấn chiếm vùng giải phóng, đưa bọn sĩ quan ác ôn lên nắm các chức vụ chủ chốt ở xã, ấp. Ở các ấp, chúng ra sức củng cố bọn phòng vệ dân sự, tăng thêm mật vụ chuyên trà trộn vào trong dân để kiểm soát chặt chẽ sự đi lại của đồng bào, bắt và thủ tiêu cán bộ, chiến sĩ cách mạng.

Với quyết tâm không để địch lấn chiếm vùng giải phóng, đồng bào và chiến sĩ của ta ở các ấp Bình Lộc, Bảo Vinh, Suối Chồn... quyết tâm đánh địch bảo vệ vùng căn cứ, mặc dù bọn địch đông hơn gấp nhiều lần, được trang bị vũ khí tối tân. Từ tháng 1 đến 6-1973, du kích Bình Lộc đã chiến đấu đánh địch 15 trận, diệt và làm bị thương 81 tên, đánh thiệt hại nặng 1 đại đội bảo an và một trung đội cảnh sát. Trong khi đó, tại Bảo Vinh, Thị ủy Long Khánh đã chỉ đạo tập trung lực lượng tại chỗ để đánh địch và chọn ấp Bảo Vinh A làm điểm tập trung lực lượng biệt động, trinh sát vũ trang, có sự hỗ trợ của Huyện đội Xuân Lộc đánh địch lấn chiếm và chống âm mưu khôi phục lại tuyến đường sắt Long Khánh - Gia Ray.[links(right)]

Sau mấy tháng dồn sức cho việc khôi phục lại tuyến đường sắt nhưng không thành công, lại còn bị quân du kích tiêu diệt trên 100 quân, bắn cháy 2 đầu máy xe lửa, nên địch phải từ bỏ ý định này.

Việc ngăn chặn được một đầu mối giao thông quan trọng của địch ở trong vùng, đã góp phần tạo ra khí thế đánh địch rất mạnh mẽ trong quân dân Bình Lộc, Bảo Vinh, Suối Chồn. Lực lượng tự vệ, du kích, biệt động thị xã liên tục gây cho địch nhiều tổn thất, khiếp sợ; bọn tề ấp, xã và cảnh sát không dám đi lẻ tẻ, mà thường xuyên co cụm tại các bót, đồn. Vùng tự do Bình Lộc, Bảo Vinh, Suối Chồn ngày càng được củng cố và được nhân dân tin tưởng, tích cực góp công sức vào sự nghiệp kháng chiến.

* Dọn sạch chiến trường để  đón đại quân

Tháng 10-1974, để chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô 1974-1975, Huyện ủy Xuân Lộc, Thị ủy Long Khánh đã quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ, các cơ sở nòng cốt cách mạng và quần chúng nhân dân quán triệt chỉ thị của Trung ương Cục về phá vỡ âm mưu bình định, lấn chiếm của địch, chủ động giải phóng xã, ấp bằng 3 mũi giáp công. Thị ủy Long Khánh cũng đã ra nghị quyết chỉ đạo lực lượng vũ trang địa phương và quần chúng nhân dân tiến hành cùng lúc 3 mũi giáp công, nổi dậy đánh bại hoàn toàn âm mưu lấn chiếm của địch ở các ấp Bảo Vinh A, Bảo Vinh B, Suối Chồn và Bình Lộc; làm bàn đạp tiến công thị xã, thành lập chính quyền cách mạng tại những ấp giải phóng.

Tháng 2-1975, sau khi kết thúc thắng lợi đợt 1 chiến dịch mùa khô 1974-1975, Khu ủy miền Đông khẳng định: “Thị xã Long Khánh là một trong những nơi ta dứt điểm cuối cùng, nơi Đảng bộ miền Đông hoàn thành nhiệm vụ chính trị dân tộc, dân chủ nhân dân của mình”, và ra nghị quyết nhấn mạnh: “Khu ta có khả năng phát động quần chúng khởi nghĩa với tinh thần ấp giải phóng ấp, xã giải phóng xã, huyện giải phóng quận lỵ…”.

Quán triệt tinh thần nghị quyết của Khu ủy “mở mặt trận phía Bắc thị xã”, Thị ủy Long Khánh chủ trương giải phóng 4 ấp phía Bắc thị xã. Đồng chí Lê Nam Thắng, Bí thư Thị ủy, cùng đồng chí chính trị viên Thị đội, trực tiếp chỉ huy mặt trận này. Theo kế hoạch, ta trực tiếp tiến công địch ở Bảo Vinh B rồi đến Bình Lộc, phá từng mắt xích, tiến tới dứt điểm toàn bộ. Lúc này, ở Bình Lộc địch có 1 đại đội bảo an và 1 trung đội dân vệ. Các đồn khác địch có từ 1-3 trung đội, kể cả bảo an, dân vệ. Trong quá trình tiến công, vừa đánh địch bằng lực lượng vũ trang địa phương, cán bộ binh vận thị xã vận động các gia đình binh lính ngụy, kêu gọi con em họ buông súng, trở về với nhân dân.

Trong khi đó, lực lượng thanh niên vác những thân cây chuối, ngụy trang thành pháo lớn và cho máy cày nổ thật to như tiếng xe tăng để hù dọa địch. Nơi nào địch ngoan cố chống cự thì sử dụng bệ phóng 105 (vũ khí tự tạo bằng quả đạn pháo 105 ly của đội công binh xưởng thị xã) uy hiếp và tấn công. Trước áp lực tiến công dồn dập của quân, dân Long Khánh, lần lượt các ấp Bình Lộc, Bảo Vinh A, Bảo Vinh B, Suối Chồn hoàn toàn giải phóng. Cửa ngõ phía Bắc Long Khánh đã được mở toang, tạo địa bàn đứng chân cho các binh đoàn chủ lực của ta tiến công giải phóng Long Khánh.

Để chuẩn bị cho chiến dịch Xuân Lộc, ở tuyến sau, các chiến sĩ kinh tài và cán bộ phong trào ở Xuân Lộc đã ngày đêm vận động đồng bào ủng hộ lương thực, thực phẩm, thuốc men cho cách mạng. Các tầng lớp nhân dân đã tích cực đóng góp lúa, gạo phục vụ chiến dịch, đồng thời huy động cao nhất phương tiện chuyên chở, như: máy cày, xe bò, sức người..., để vận chuyển lương thực, thuốc men về các kho hậu cần, bất chấp sự ngăn chặn, khủng bố của kẻ thù. Riêng tại vùng ven thị xã Long Khánh, đến đầu năm 1975, Thị ủy và nhân dân đã chuẩn bị sẵn 7,5 ngàn tấn gạo, 17 ngàn ống thuốc cầm máu, 43 ngàn lọ thuốc kháng sinh, 4 tấn bột ngọt và hàng chục triệu đồng phục vụ chiến dịch cho đến ngày toàn thắng...

Đức Việt

 

 

 

 

Tin xem nhiều