Xuất thân từ những gia đình nông dân nghèo chân chất, trình độ học vấn chỉ mới biết cộng - trừ - nhân - chia, nhưng với tinh thần quyết chiến quyết thắng, mưu trí và dũng cảm, ngay từ khi ra đời Đội nữ pháo binh Xuân Lộc đã lập nhiều chiến công vang dội.
Xuất thân từ những gia đình nông dân nghèo chân chất, trình độ học vấn chỉ mới biết cộng - trừ - nhân - chia, nhưng với tinh thần quyết chiến quyết thắng, mưu trí và dũng cảm, ngay từ khi ra đời Đội nữ pháo binh Xuân Lộc đã lập nhiều chiến công vang dội.
Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, nữ đội trưởng đầu tiên của Đội nữ pháo binh Xuân Lộc vui cùng đàn cháu ngoại. |
Chị Đỗ Thị Thuận kể, làm lính pháo binh luôn phải mang vác pháo nặng nề, nên lúc mới thành lập đội lãnh đạo cũng chú ý chọn những chị em cao lớn, khỏe mạnh để có thể mang vác pháo, vì vậy trong đội đa số là “chân dài”. Nhưng mỗi khẩu pháo nặng 54kg, cộng thêm đạn cối khoảng 1,8-3,8kg/viên, nếu trận nào cần cả bốn khẩu 60 li và 82 li “lên tiếng” thì cả đội phải chia nhau vác trên 400kg vũ khí. Cộng thêm quân trang và lương thực, bình quân mỗi người phải mang trên mình 60kg khi hành quân. Lại thêm địa hình Xuân Lộc khá hiểm trở, mỗi lần di chuyển vất vả nên thử thách của Đội nữ pháo binh Xuân Lộc rất lớn.
* Những pháo thủ -nông dân chân đất
Với bốn khẩu pháo nặng nề, mỗi khi di chuyển các chị em trong đội có sáng kiến chia thành ba phần: nòng, chân, đế để dễ mang vác. Phần nòng nặng nhất nhưng lại gọn gàng nên người vác nòng thường tranh thủ vác thêm đạn, lương thực. Phần đế nhẹ nhất (khoảng 16kg), nhưng lại kềnh càng, vướng víu khó di chuyển nên được “ưu tiên”. Ngoài ra, do tình hình khó khăn chung của địa phương lúc đó, những lúc không phải tập luyện, chiến đấu, đội còn phải tăng gia trồng trọt để tự túc lương thực.[links(left)]
Nhưng tất cả vất vả, cực khổ về thể xác ấy không thấm gì so với nỗi khó khăn làm sao tính toán, đo đạc để bắn chuẩn xác, trúng mục tiêu, hoàn thành nhiệm vụ. Thành viên trong đội đa số là dân mới thoát ly, chưa quen chiến trường, thời điểm đó toàn đội chỉ có vài người, như: Nghiệp, Đồng, Thuận là được học đến đệ thất (tương đương lớp sáu bây giờ), nên khi học cách bắn pháo nghe đến những thuật ngữ tính toán cos, sin, góc alpha, beta... như vịt nghe sấm. “Biết mình dốt thì phải gắng sức. Người ta học một thì tụi tôi phải cố gắng học mười. Mấy thầy dạy cũng tận tình truyền dạy, kiên trì nhẫn nại với chúng tôi. Mấy thầy còn nghĩ ra phương pháp dạy phù hợp, là chỉ cho chúng tôi những cách tính toán “mẹo” theo kinh nghiệm. Sau này, trên đường hành quân, thỉnh thoảng gặp được Trung đoàn 22 pháo binh là quân chính quy, tụi tôi lại tranh thủ học hỏi thêm” - chị Thuận tủm tỉm cười nhớ lại. “Học mót”, nhưng Đội cối Xuân Lộc nổi tiếng bắn chính xác, đến nỗi trong nhiều trận đánh bọn địch cứ tưởng pháo của bộ đội chủ lực nên hoang mang tinh thần. Trong trận công đồn Bảo Chánh năm 1974, ngỡ là bộ đội chủ lực đã về phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương, bọn lính ngụy trong đồn lớp đầu hàng, lớp tháo chạy tán loạn chỉ sau 2 ngày vây đánh.
* Người đội trưởng dũng cảm
Nhắc đến Đội cối Xuân Lộc, không thể không nhắc đến anh Nguyễn Hoàng Nghiệp, người đội trưởng gắn bó với đội từ lúc mới thành lập. Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo có truyền thống cách mạng, cả ba anh em trong gia đình anh Nghiệp đều thoát ly tham gia cách mạng từ rất sớm. Ông Võ Minh Quang, nguyên Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc kể, anh Nghiệp vóc người cao lớn, trắng trẻo đẹp trai, khuôn mặt nhìn rất “Tây”. Năm 1968, khi đội thành lập, anh Nghiệp lúc đó mới 19 tuổi đã được điều về vì có trình độ học vấn, lại có sức khỏe, chịu khó, có thể đỡ đần cho các chị em trong đội. Chỉ qua khóa tập huấn 20 ngày, vậy mà anh Nghiệp tính toán vị trí, góc bắn chính xác không thua gì dân pháo binh chuyên nghiệp nên Đội cối Xuân Lộc nổi tiếng là bắn đâu trúng đó. Giữ nhiệm vụ đội trưởng từ năm 1971 đến cuối năm 1974, trong chiến đấu anh luôn thể hiện được tinh thần gan dạ, mưu trí.
7 năm chiến đấu, các chiến sĩ Đội cối Xuân Lộc không ít lần nghẹn ngào tiễn biệt đồng đội hi sinh vì Tổ quốc. Chị Thu hi sinh trên đường hành quân, anh Nghiệp hi sinh khi đang nghiên cứu trận địa, anh Chấn, anh A, anh Lỡi ra đi trong cuộc chiến trực diện với kẻ thù vào tháng 4-1975, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ sắp đến ngày thắng lợi… Nhưng mỗi trường hợp hi sinh của các chiến sĩ Đội cối Xuân Lộc đều là những bản hùng ca bất khuất của những người con Xuân Lộc. Như trường hợp của chị Gái, một chiến sĩ của đội. Lần đó, tình hình lương thực gặp nhiều khó khăn, chị Gái tình nguyện nhận nhiệm vụ vào xã Xuân Trường bắt liên lạc tìm tiếp tế. Trên đường đi, chị lọt vào ổ phục kích của địch và bị bắt. Bọn địch tra tấn chị rất dã man hòng khai thác tin tức của quân ta, nhưng chị Gái kiên cường chịu đựng để bảo vệ bí mật cho đơn vị. Chị đã bị địch đánh đến chết, hi sinh nhưng không hé nửa lời... |
Tháng 11-1971, trên đường từ căn cứ 12 (thuộc huyện Định Quán) hành quân về Túc Trưng, khi đi ngang qua khu rừng tre, đơn vị bị máy bay địch phát hiện và bắn vào đội hình làm chị Trần Thị Thu bị thương nặng. Đồng đội tìm cách cõng chị vượt làn đạn địch thoát ra ngoài, chị Thu kêu lớn: “Tôi không thể sống được đâu, hãy bỏ tôi lại đây. Anh em cứ đi đi, đừng vì tôi mà hi sinh cả đơn vị”. Tiếng kêu xé lòng của chị Thu làm cả đội rưng rưng nước mắt. Lúc này, anh Nghiệp đã bình tĩnh phân công các chị trong đơn vị tiếp tục cõng chị Thu ra ngoài, còn mình leo lên gò đất cao ngắm máy bay địch bắn. Chỉ trong loạt đạn đầu tiên, máy bay địch đã bị trúng đạn bốc cháy và rơi xuống bên kia núi, cả bốn tên lính Mỹ ngồi trên máy bay đều bị tiêu diệt.
Một trận đánh điển hình về sự linh hoạt, mưu trí của người đội trưởng Nguyễn Hoàng Nghiệp là trận tấn công bất ngờ vào Chi khu Định Quán. Trước đó, Đồn 116 của địch đã bị đơn vị trinh sát huyện tấn công, anh Nghiệp phán đoán bọn địch tại chi khu sẽ tập trung họp bàn cách giải quyết, nên đêm 30-3-1972 đơn vị hành quân về cây số 114 đào công sự, bày trận địa. Đến 6 giờ ngày 1-4, khi quan sát thấy địch có dấu hiệu đang tập trung đông để bàn bạc, đơn vị liền cho pháo khai hỏa. 8 quả đạn 82 li rớt chính xác vào Chi khu Định Quán làm 18 tên địch chết ngay tại chỗ, trong đó có một thiếu tá, một đại úy, thiệt hại hai kho đạn, hai dãy nhà quân sự, gây hoang mang trong hàng ngũ địch, vì chúng cứ tưởng bộ đội chủ lực của quân giải phóng đã về địa phương. Về phía ta, đơn vị không chỉ bảo toàn lực lượng, mà còn yểm trợ cho lực lượng trinh sát rút về hậu cứ an toàn.
Đầu tháng 12-1974, Đội cối Xuân Lộc nhận nhiệm vụ phối hợp bao vây bức hàng đồn Bảo Chánh. Đội trưởng Nghiệp cùng với hai chị Đỗ Thị Thuận và Phạm Thị Thu Đồng đi nghiên cứu trận địa. Trên đường đi, một trái pháo mồ côi bất ngờ rơi trúng, anh Nghiệp bị một miếng miểng pháo sạt ngay đầu, hi sinh tại chỗ. Chị Thuận được cử lên giữ nhiệm vụ đội trưởng, cả đội đã nuốt nước mắt thề tiêu diệt cho được đồn Bảo Chánh để trả thù cho người đội trưởng thân yêu. Đồn Bảo Chánh cuối cùng phải đầu hàng như lời hứa của cả đội. Năm đó, anh Nghiệp mới 25 tuổi, chưa có người yêu...
Thanh Thúy