Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng đề cập nhiều giải pháp, nhưng trong đó có giải pháp quan trọng là phát huy dân chủ trong Đảng và ngoài xã hội, tăng cường giám sát, đối thoại với nhân dân, tức là dựa vào dân để xây dựng Đảng.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng đề cập nhiều giải pháp, nhưng trong đó có giải pháp quan trọng là phát huy dân chủ trong Đảng và ngoài xã hội, tăng cường giám sát, đối thoại với nhân dân, tức là dựa vào dân để xây dựng Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Có phát huy dân chủ cao độ mới động viên tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên”. Người nhấn mạnh: “Thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”, cho nên tinh thần của Nghị quyết hội nghị Trung ương 4 lần này là thực sự phát huy dân chủ trong Đảng, phát huy trí tuệ của tập thể; khắc phục sự độc đoán, áp đặt một chiều. Điều đó đòi hỏi trong sinh hoạt Đảng phải hết sức cởi mở, mạnh dạn góp ý xây dựng, tránh tình trạng cứ vuốt ve “dĩ hòa vi quý” hay đả kích, chỉ trích lẫn nhau.
Các đồng chí Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh và Bùi Ngọc Thanh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy ký kết Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2011-2015. |
Song song đó, các tổ chức Đảng có trách nhiệm xây dựng mối quan hệ giữa cấp ủy với chính quyền, với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Các cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cần tăng cường đối thoại với quần chúng nhân dân; thực hiện giao ban định kỳ giữa cấp ủy với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các cơ quan liên quan nắm bắt tình hình nhân dân; thường xuyên lắng nghe ý kiến của Mặt trận và các đoàn thể phản ánh với Đảng về những vấn đề mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm; chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc trong nhân dân. Tất nhiên dân chủ phải đảm bảo các nguyên tắc, quy định của Đảng và pháp luật.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, để nâng cao hơn nữa chất lượng, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, nhất là chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, thiết nghĩ một trong những giải pháp cơ bản để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết hội nghị Trung ương 4 là nhanh chóng cụ thể hóa việc tăng cường giám sát của nhân dân.
Nhân dân giám sát đối với hoạt động của bộ máy Nhà nước nói chung và với cán bộ, đảng viên nói riêng. Điều này đã được đề cập trong các văn kiện của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao để nhân dân thực hiện việc giám sát một cách có hiệu quả nhất. Phải chăng đó là nâng cao hơn nữa nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng của hoạt động giám sát; cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về trình tự, thủ tục và đặc biệt là có quy định chặt chẽ về việc xem xét, đánh giá, sử dụng kết quả sau giám sát của nhân dân. Mặt khác, cần sớm xây dựng cơ chế phản biện, giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Có như vậy, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, quần chúng nhân dân mới có điều kiện tích cực tham gia ý kiến vào các nghị quyết của Đảng, các dự thảo luật, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kịp thời phản ánh và đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm minh những cán bộ tham ô, kém năng lực, coi thường nhân dân...
Thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về phát huy dân chủ trong Đảng và ngoài xã hội, tăng cường đối thoại, đẩy mạnh hoạt động giám sát của nhân dân, thông qua đó giúp cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp nắm chắc hơn tình hình cán bộ, đảng viên về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, quan hệ với dân; phòng ngừa và ngăn chặn những hành vi tiêu cực, quan liêu, thiếu trách nhiệm với dân; làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên, xây dựng Đảng ta ngày càng vững mạnh...
Viên Hồng Tiến