Chủ nhật, tôi đến thăm một anh bạn khá thân. Chưa kịp ngồi xuống ghế, anh bạn công chức đã tỏ ra hào hứng:
Chủ nhật, tôi đến thăm một anh bạn khá thân. Chưa kịp ngồi xuống ghế, anh bạn công chức đã tỏ ra hào hứng:
- Ngành ông dạo này nổi tiếng quá đó nghe!
Không hiểu anh bạn muốn nói đến chuyện gì, tôi chỉ cười thay cho câu trả lời. Được dịp anh càng hào hứng:
- Đề thi văn về thói dối trá vừa được xã hội ủng hộ, Bộ GD-ĐT công bố kỳ thi tốt nghiệp nghiêm túc thì ngay lập tức có Đồi Ngô minh chứng liền. Tôi coi mấy cái clip đó mà giật mình.
Thì ra anh bạn nhắc đến chuyện clip quay gian lận thi cử nghiêm trọng diễn ra ở Trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang) đang làm “cháy” cả báo mạng lẫn báo giấy. Vừa nhấm nháp ly trà, tôi vừa cười, nói:
- Tai nạn thôi mà, nhưng sau vụ này có thể lại một cuộc đổi mới ra đời, ông ạ.
- Ủa, vậy mấy cuộc vận động hay phong trào như “hai không”, “đạo đức nhà giáo”... từ sau sự cố kỳ thi tốt nghiệp năm 2006 không thành công sao?
- Nói thiệt với ông nha, nhiều phong trào được đẩy vào nhà trường làm cho công việc của giáo viên đã nhiều càng thêm nhiều. Nói đúng ra là chủ yếu làm trên... giấy đã thấy mệt rồi.
- Tôi có nghe báo chí nói các cấp giáo dục “vẽ” việc cho giáo viên rất nhiều. Ý ông nói nó là một nguyên nhân nảy sinh ra những bất cập trong giáo dục hiện nay?
- Đúng vậy. Vì còn các chỉ tiêu thi đua cao ngất trời nên chất lượng học sinh thấp giáo viên phải tìm cách để có những con số 99, 9% hay 100% đẹp như mơ như trong tiêu chuẩn thi đua của các cấp quản lý giáo dục đưa ra đầu mỗi năm học mới mong có được danh hiệu thi đua này, danh hiệu thi đua nọ. Nếu cứ làm theo “hai không” thì không những chẳng được lao động tiên tiến hay chiến sĩ thi đua mà không khéo còn không được nâng lương, có khi còn bị cả kỷ luật!
- Nhưng tôi nghe nói các cấp quản lý giáo dục có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng học sinh lắm mà?
- Thì có chứ sao ông. Nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, ông ạ. Bệnh thành tích không giảm mà có chiều hướng tăng. Vẫn ngồi nhầm lớp. Vẫn thầy cô đánh học sinh. Vẫn báo cáo đầy ắp những con số ảo... Ông bảo, ở tiểu học coi thi các lớp thì quy định phải có giáo viên chủ nhiệm cùng giáo viên khác, cuối cấp thì có giám sát đấy nhưng coi và chấm là giáo viên trường. THCS thì đề thi của Phòng GD-ĐT ra cho lớp 9, chấm thi chéo giữa các trường nhưng coi thi lại là giáo viên của trường. Thử hỏi sao thực chất cho được. Vì vậy, giáo viên cấp trên năm nào cũng kêu ca giáo viên cấp dưới đẩy học sinh yếu lên.
- Vậy không có cách nào để có một chất lượng đúng thực chất sao?
- Có chứ. Thay đổi mục tiêu, hệ thống giáo dục, giảm tải công việc cho giáo viên, viết lại sách giáo khoa, lương nhà giáo phải đủ sống, không giao chỉ tiêu thi đua quá cao, bỏ thi tốt nghiệp THPT và...
- Ông có đảm bảo bấy nhiêu đó đủ để kỳ vọng nền giáo dục nước nhà hóa rồng chứ?
- Chưa được, vẫn là con số không nếu thiếu... trách nhiệm của người thầy!
Nhà giáo Đào