Là một trong những cán bộ lãnh đạo đầu tiên của Trung ương Cục miền Nam, với nhiệm vụ Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1961-1964), đồng chí Võ Chí Công đã có những chỉ đạo quan trọng mang tính định hướng chiến lược về con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của cách mạng miền Nam; cùng chia bùi sẻ ngọt với đồng chí, đồng đội trong những ngày đầu thành lập Trung ương Cục đầy khó khăn, gian khổ.
Là một trong những cán bộ lãnh đạo đầu tiên của Trung ương Cục miền Nam, với nhiệm vụ Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1961-1964), đồng chí Võ Chí Công đã có những chỉ đạo quan trọng mang tính định hướng chiến lược về con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của cách mạng miền Nam; cùng chia bùi sẻ ngọt với đồng chí, đồng đội trong những ngày đầu thành lập Trung ương Cục đầy khó khăn, gian khổ.
Thực hiện Nghị quyết của Trung ương sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đầu năm 1961, Bộ Chính trị đã ra quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam để chỉ đạo toàn bộ công tác của Đảng ở miền Nam (bao gồm Trị Thiên, Liên khu 5, Khu 6 và Nam bộ). Ngoài đồng chí Nguyễn Văn Linh được giao trọng trách là Bí thư Trung ương Cục, đồng chí Võ Chí Công lúc đó đang là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Khu ủy Khu 5 đã được điều động vào miền Nam, nhận nhiệm vụ Phó bí thư Trung ương Cục.
* Định hướng phong trào cách mạng miền Nam
Ngày 19-5-1961, đồng chí từ Liên khu 5 lên đường vào Nam. Thời ấy giao thông khó khăn, địch đánh phá ác liệt nên chỉ một đoạn đường không xa mà phải đi dọc theo dãy Trường Sơn qua Nam Tây Nguyên rồi mới xuôi xuống Chiến khu Đ, tính ra mất đúng 3 tháng trời, đến ngày 19-8 mới đặt chân đến Mã Đà, nơi đặt căn cứ của Trung ương Cục. Ngay ngày hôm sau, đồng chí Năm Công - tên mà cán bộ, chiến sĩ ở Trung ương Cục thường gọi, đã có cuộc hội ý với đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng một số đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Cục để thông báo sơ bộ về tình hình các chiến trường, tập trung chuẩn bị cho Hội nghị thành lập Trung ương Cục.
Các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Cục miền Nam năm 1961. Từ trái sang: Võ Chí Công, Nguyễn Văn Linh, Trần Nam Trung, Phan Văn Đáng. Ảnh: BẢO TÀNG ĐỒNG NAI |
Đúng ngày 10-10-1961, Hội nghị lần thứ nhất của Trung ương Cục miền Nam đã khai mạc tại Chiến khu Đ (nay thuộc xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu), đánh dấu một bước ngoặt mới của phong trào cách mạng miền Nam chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ. Hội nghị đã nghiên cứu, phân tích, thảo luận rất kỹ về tình hình mọi mặt của cách mạng miền Nam, nêu rõ phương hướng tiến lên và con đường phát triển là sử dụng bạo lực cách mạng đánh đổ ảnh hưởng thống trị của đế quốc Mỹ cùng chính quyền tay sai, hoàn thành sứ mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ đó, hội nghị đề ra 10 nhiệm vụ cụ thể trong giai đoạn mới, trong đó có những định hướng quan trọng, như: đẩy mạnh đấu tranh vũ trang phối hợp với đấu tranh chính trị để phá tan kế hoạch Staley - Taylor của địch; tăng cường công tác binh vận, tiếp tục xây dựng và mở rộng căn cứ địa; xây dựng, củng cố chính quyền ở vùng giải phóng và mở rộng cơ sở cách mạng ở thành thị; đẩy mạnh công tác kinh tế, tài chính…
* Củng cố, phát triển Trung ương Cục miền Nam
Xác định khâu cơ bản, cấp bách nhất cần tập trung chỉ đạo là tăng cường tổ chức và xây dựng cơ sở Đảng, đồng chí Năm Công đã cùng với lãnh đạo Trung ương Cục đã điều chỉnh lại địa giới các khu, chuyển các liên tỉnh ủy thành khu ủy, đề ra cuộc vận động xây dựng chi bộ, đảng viên 4 tốt. Ở các vùng địch chiếm đóng, Trung ương Cục chủ trương thành lập 2 chi bộ: chi bộ mật hoạt động trong dân và chi bộ hoạt động bất hợp pháp.
Đồng chí Võ Chí Công - Nguyên Chủ tịch nước (bìa trái) về thăm và làm việc với Đảng bộ Đồng Nai và tham quan KCN Biên Hòa II. |
Để nhanh chóng xây dựng lực lượng vũ trang đủ mạnh, đồng chí Năm Công cùng với Ban Thường vụ Trung ương Cục chỉ đạo các lực lượng vũ trang đã hình thành trong phong trào Đồng Khởi tích cực củng cố, phát triển 3 thứ quân. Đến cuối năm 1961, phần lớn các khu đã hoàn thành nhiệm vụ, riêng Trung ương Cục đã xây dựng được Trung đoàn chủ lực miền với 2 tiểu đoàn và một bộ phận trợ chiến cần thiết. Hệ thống hậu cần ở miền và các khu cũng được hình thành, đường giao thông vận chuyển đường bộ và đường biển từ Bắc vào Nam cũng được xây dựng thông suốt để tiếp nhận chi viện từ Trung ương vào. Những công tác trên đã góp phần quan trọng làm tăng thêm sức mạnh của cách mạng miền Nam, đưa phong trào phát triển ở tầm cao mới, giành nhiều thắng lợi to lớn, rất có ý nghĩa.
Đầu năm 1964, Bộ Chính trị quyết định đưa Liên khu 5 và Trị Thiên trực thuộc sự chỉ đạo của Trung ương cho phù hợp tình hình mới, đồng thời điều đồng chí Năm Công trở về làm Bí thư Liên khu ủy. “Tôi rời Nam bộ, Chiến khu Đ, chiến khu Dương Minh Châu trở về Liên khu 5, lòng đầy lưu luyến và vô cùng biết ơn đồng bào, đồng chí, cán bộ và chiến sĩ đã đùm bọc, giúp đỡ tôi hoàn thành nhiệm vụ, học tập và tích lũy được những kinh nghiệm quý báu cho bước đường công tác tiếp theo”, đồng chí Năm Công đã lưu luyến thuật lại tình cảm của mình đối với quãng thời gian gắn bó với Trung ương Cục miền Nam trong hồi ký “Võ Chí Công - Trên những chặng đường cách mạng” như thế.
Bài học lớn từ kiểm điểm, tự phê bình Đầu năm 1962, địch tiến hành quyết liệt chương trình gom dân lập ấp chiến lược khiến phong trào cách mạng miền Nam gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, đồng chí Năm Công và Ban Thường vụ Trung ương Cục quyết định tiến hành Hội nghị Trung ương Cục (mở rộng) lần thứ II vào tháng 6-1962 nhằm đưa ra chủ trương, sách lược phá tan âm mưu chia cắt người dân ra khỏi phong trào cách mạng. Tại hội nghị, các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục đã nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình về những nhược điểm trong công tác chỉ đạo phong trào cách mạng, như: chưa chỉ đạo kịp thời, công tác đẩy mạnh đấu tranh quân sự song song với đấu tranh chính trị còn yếu, phong trào đô thị chưa được mạnh mẽ, chưa quán triệt đường lối vũ trang nhân dân khiến nhiều địa phương vẫn còn xem nhẹ phong trào du kích, lệch về lực lượng tập trung, nhiều nơi chưa tích cực trong công tác chống càn bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân… Từ sự kiểm điểm này, hội nghị đã đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm nhằm phá tan âm mưu mới của địch, trong đó kiên quyết đánh bại kế hoạch gom dân lập ấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng nhất. Hội nghị cũng vạch rõ: Từ khi Mỹ tăng cường vũ trang xâm lược miền Nam, một số địa phương cho rằng khả năng đấu tranh chính trị của quần chúng đã hết hiệu quả nên phải dùng vũ trang để đánh địch là chủ yếu như hồi kháng chiến chống Pháp. Ngược lại, một số khác lại không tích cực đấu tranh vũ trang vì sợ mất thế hợp pháp của quần chúng. Để khắc phục lệch lạc trên, Trung ương Cục nhấn mạnh, việc vận dụng phương châm đấu tranh chính trị, vũ trang phải hết sức linh hoạt, phù hợp với đặc thù và đối tượng địch ở từng vùng. Sau hội nghị, Trung ương Cục đã cử các đồng chí ủy viên cùng cán bộ trực tiếp xuống các địa phương để giúp cấp ủy triển khai, chỉ đạo các nghị quyết, đồng thời nghiên cứu chiến trường tại chỗ để có thể kịp thời phản ánh tình hình về Trung ương Cục. Tính đến hết năm 1962, trên toàn miền ta đã phá rã trên 9 ngàn ấp chiến lược, giải phóng hoàn toàn 4.500 ấp với 7,5 triệu dân, tiêu hao nhiều sinh lực địch, từng bước giành lại thế chủ động. Giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ Theo lời kể của Trung tướng Nguyễn Đôn, nguyên Bí thư kiêm Tư lệnh Khu 5, sau khi bàn bạc với đồng chí Lê Duẩn và thống nhất ý kiến cách mạng miền Nam cần lập mặt trận sớm và rộng rãi để tập hợp các tầng lớp nhân dân chống Mỹ cứu nước, trong đó phải có những người trí thức có tiếng tăm, tiêu biểu và vững vàng, đồng chí Võ Chí Công đã đề xuất kế hoạch giải thoát cho luật sư Nguyễn Hữu Thọ (lúc đó đang bị địch an trí ở Phú Yên), đưa ra vùng giải phóng để lãnh đạo mặt trận. Năm 1961, khi trên đường từ Khu 5 vào Trung ương Cục miền Nam, đồng chí Năm Công đã ghé lại Phú Yên gặp Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên lúc đó là đồng chí Sáu Suyền để bàn kế hoạch. Để thực hiện kế hoạch này, một đội đặc nhiệm đã được thành lập, gồm: lực lượng địa phương phối hợp với lực lượng đặc công, bộ binh và quân báo của Quân khu 5. Sau 2 lần thất bại, đến ngày 30-10-1961, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã được đưa ra chân núi Chóp Chài, sau đó được một đơn vị đặc công hộ tống lên đường về Trung ương Cục. Ngày 16-2-1962, Đại hội Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đã bầu luật sư Nguyễn Hữu Thọ là Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận giải phóng miền Nam, đồng chí Võ Chí Công giữ nhiệm vụ Phó chủ tịch. |
Thanh Thúy