Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghệ thuật phê bình

09:08, 05/08/2012

Đã lâu không gặp, chị TámTía có vẻ phì nhiêu hơn, vẻ mặt cũng nghiêm sự hơn: “Tui có việc này muốn hỏi, nhờ anh Ba giúp”.

Đã lâu không gặp, chị TámTía có vẻ phì nhiêu hơn, vẻ mặt cũng nghiêm sự hơn: “Tui có việc này muốn hỏi, nhờ anh Ba giúp”.

- “Có chuyện vì nghiêm sự vậy?”.

Nghe giọng tui nhấn nhá cái chữ chị hay dùng, biết tui chọc ghẹo, chị bều môi phụng phịu như trẻ con: “Trời ơi, người ta cần mới nhờ đến, đừng có chảnh à nghen!”. Chị lấy trong túi áo bà ba miếng giấy gấp tư, mở ra đưa cho tui coi. Tui liếc thấy dòng chữ bự “PHIẾU GÓP Ý KIẾN PHÊ BÌNH, TỰ PHÊ BÌNH”, liền ra vẻ chảnh thiệt: “Biết rồi, nhờ góp ý cho chi bộ phê bình, tự phê bình chứ gì?”. Tám Tía buông tiếng “dạ” dễ ghét: “Chi bộ gởi giấy góp ý cho Hội Phụ nữ. Hội Phụ nữ giao cho tui, Tui chỉ biết nhờ anh. Giờ, góp ý sao đây hả anh Ba?”.

- “Thì cũng tùy ở thái độ của Chi bộ và Bí thư Chi bộ bên ấp chị nữa. Xem người ta có thực lòng muốn được góp ý phê bình không. Nếu như chỉ làm cho lấy lệ, thì kết quả “vũ như cẩn” thôi. Đâu phải đến nay mới nói đến việc phê bình, tự phê bình. Năm nào các tổ chức, cơ quan cũng có phê bình, tự phê bình. Nhưng, hiếm khi khuyết điểm, thiếu sót được phát hiện từ tự phê bình của chi bộ. Thường là, chi bộ kiểm điểm các đồng chí đã bị lộ. Các đồng chí đồng cảnh ngộ, các đồng chí chưa bị lộ cùng các đồng chí còn giả bộ... góp ý qua loa để có cái biên bản mà báo cáo”. Lần này, theo hướng dẫn của cấp trên, không thể phê bình, tự phê bình kiểu ấy nữa”.

- “Thì vậy tui mới hỏi anh. Tui cũng có nghe cán bộ tuyên huấn nói trên tivi: Có ông thủ trưởng nọ, cuối năm, sau khi đọc bản kiểm điểm toàn những lời có cánh, đề nghị cán bộ trong cơ quan góp ý. Ông gợi ý trước “Tôi tự thấy mình có ưu điểm, cũng có khuyết điểm là “thù vặt, nhớ dai, ra tay thiếu kiềm chế”. Ông nói vậy, chả ma nào dám cất tiếng”. Tui rót cho Tám Tía ly nước: “Chị nhắp ngụm nước cho nó thông cổ. Gặp những trường hợp như vậy, phải nhớ câu của ông bà mình “nói lời khôn ngoan với kẻ ngu ngốc, chỉ tổ hại thân”. Nhưng nếu miệng ngặm tăm, cũng kỳ. Phải biết vận dụng nghệ thuật phê bình để phát biểu”.

- “Góp ý phê bình cũng có nghệ thuật hả?”.

- “Có chớ. Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Như một anh chàng khôn ngoan nọ phá vỡ im lặng trong cuộc họp phê bình: Em xin thẳng thắn góp ý phê bình thủ trưởng. Ưu điểm là cơ bản, xin không nhắc lại. Về khuyết điểm, thủ trưởng có một khuyết điểm trầm trọng, kéo dài... Anh ta ngừng một tí, nhìn mặt thủ trưởng đỏ ké trước một rừng gương mặt đồng nghiệp tái ngắt, rồi mới tiếp lời: Thủ trưởng tập trung hết thời gian lo cho công vụ, ít lo cho việc chăm sóc bản thân. Mà bản thân của thủ trưởng hiện là tài sản của quốc gia, vốn quý của cơ quan. Đề nghị thủ trưởng sớm có giải pháp khắc phục... Vậy là, thủ trưởng tiếp thu cảm động. Vậy là, sau  đó, người phê bình luôn được ưu ái. Chị thấy phê bình kiểu ấy có hay không?”.

Tám Tía vẫy tay, như thể tát yêu vào gió: “Anh này đồ quỷ. Tui hỏi thiệt mà anh cứ giỡn hoài. Ý tui muốn hỏi anh chuyện này. Thằng cháu tui bị mất bình điện xe tải, trình báo cán bộ xã. Cán bộ xã tìm được, mời lên nhận. Thằng cháu tui tặng một triệu, đồng chí cán bộ không nhận. Đồng chí cán bộ đó được biểu dương về hành vi không nhận quà biếu, hối lộ; vậy có nên gợi ý kiểm điểm, phê bình không?”.

- “Chị này, vậy cũng hỏi. Đó là điển hình tốt, bông hoa đẹp, biểu dương là đúng, sao lại gợi ý kiểm điểm, phê bình?”.

Tám Tía muốn nổi khùng: “Đẹp cái nỗi gì. Không nhận một triệu, mà đòi hai triệu. Thằng cháu tui nói: Bình điện trị giá 4 triệu, đã cũ rồi, không có hai triệu để giao, liền bị lập biên bản, báo cáo. Giờ nó đang lục tung giấy tờ, phải tìm hóa đơn mua bình điện hai năm trước để chứng minh mới được nhận lại. Vậy, là nên phê bình hay nên khen?”.

Ý chà chà! Việc này hóc búa đây. Hành vi theo báo cáo thì đáng biểu dương. Nhưng tâm địa thì không thể chấp nhận được. Gợi ý phê bình sao đây ta?

Tám Tía thấy tui trầm ngâm, khó nghĩ, liền giáng thêm một đòn gai móc: “Thì anh vận dụng cái nghệ thuật phê bình gì đó của anh giúp tui đi chớ. Bộ bí rồi hả anh Ba”.

Tui đành giả lơ xách bình trà đi châm nước để tránh cái nhìn chờ đợi của Tám Tía. Cái chị Tám Tía chết tiệt này, đôi lúc làm cho người ta khó xử. Để mai hỏi Tư Bốn mới được.

Ong Mật

 

 

 

 

Tin xem nhiều