Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo điểm nhấn cho Đoàn

09:10, 08/10/2012

Chị Lê Thị Ngọc Loan, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn cho biết, công tác Đoàn - Hội khối các trường đại học, cao đẳng những năm qua đã góp phần lan tỏa các phong trào của Đoàn đến tận các xã vùng sâu, vùng xa.

Chị Lê Thị Ngọc Loan, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn cho biết, công tác Đoàn - Hội khối các trường đại học, cao đẳng những năm qua đã góp phần lan tỏa các phong trào của Đoàn đến tận các xã vùng sâu, vùng xa.

Điểm nhấn của công tác Đoàn - Hội khối các trường đại học, cao đẳng là tạo được phong trào thường xuyên. Đây cũng là lợi thế vì đoàn viên thanh niên (ĐVTN) khối này không chỉ có sức trẻ, tri thức mà còn có lòng nhiệt huyết cùng mong muốn cống hiến.

* Khởi sắc từ những phong trào

Anh Trần Lê Tài, Bí thư Đoàn trường đại học Đồng Nai cho biết, những năm qua, Đoàn trường đã xây dựng nhiều mô hình cụ thể, đó là những sân chơi bổ ích được tổ chức định kỳ hàng năm, như: hiến máu tình nguyện, thi sinh viên thanh lịch, giải bóng đá sinh viên, người dẫn chương trình, câu lạc bộ kỹ năng…

Sinh viên Trường đại học Đồng Nai tham gia chiến dịch thanh niên tình nguyện tại huyện Vĩnh Cửu.  Ảnh: C. Nghĩa
Sinh viên Trường đại học Đồng Nai tham gia chiến dịch thanh niên tình nguyện tại huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: C. Nghĩa

Trong khi đó, anh Lê Sơn Quang, Bí thư Đoàn - Hội Sinh viên Trường đại học Lạc Hồng cho biết, Đoàn trường hiện có gần 10 ngàn đoàn viên ở 11 Đoàn cơ sở thuộc các khoa, phòng, trung tâm. Việc tổ chức sân chơi cho ĐVTN đã tập trung mạnh vào việc rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, sẵn sàng tiếp cận với thực tế công việc chuyên môn được đào tạo. Sân chơi của các Đoàn khoa cũng có những đặc trưng riêng biệt, như: Đoàn khoa Tài chính ngân hàng có các cuộc thi chứng khoán ảo; khoa Đông phương học có các câu lạc bộ: tiếng Hàn, tiếng Trung và tiếng Nhật; khoa Cơ khí có câu lạc bộ tự động hóa, sân chơi robocon...

Phong trào Đoàn - Hội của khối trường học còn được góp thêm sức mạnh bởi nhiều trường đại học, cao đẳng của các bộ, ngành Trung ương đóng chân trên địa bàn, như: Trường đại học lâm nghiệp (cơ sở 2 tại huyện Trảng Bom), Trường đại học công nghiệp TP.Hồ Chí Minh (cơ sở tại TP.Biên Hòa). Anh Cao Phi Long, Bí thư Đoàn trường đại học lâm nghiệp cho biết, cơ sở 2 của trường tại Đồng Nai thường xuyên có  1 ngàn sinh viên, trong đó 88% là đoàn viên. Trong đó, ĐVTN Chi đoàn giáo viên chính là nòng cốt để thúc đẩy phong trào Đoàn đi lên. Anh Long cũng cho biết, phong trào của Đoàn trường những năm qua đã hướng ĐVTN vào việc học tập và làm theo lời Bác, thanh niên sống đẹp, xây dựng chi đoàn vững mạnh, đoàn viên xuất sắc, đoàn viên phấn đấu là đảng viên… “Chỉ tính riêng trong năm 2011, 12 chi đoàn đã giới thiệu cho Đảng kết nạp được 13 đảng viên là những đoàn viên ưu tú trong học tập và nghiên cứu khoa học”- anh Long nói.

* Hướng về cơ sở

Theo thống kê của Tỉnh đoàn, từ năm 2007 đến nay, Đoàn khối trường học trong tỉnh đã có gần 3 ngàn lượt ĐVTN về với nông thôn qua chiến dịch thanh niên tình nguyện Mùa hè xanh do Tỉnh đoàn tổ chức. ĐVTN đã góp phần mang kiến thức về các xã vùng sâu, vùng xa, trong đó có việc trang bị máy tính cho Đoàn cơ sở. Đặc biệt từ năm 2009, khi Hội Sinh viên Đồng Nai được thành lập, hoạt động của Đoàn khối trường học ngày càng đi vào nền nếp hơn với nhiều hoạt động được tổ chức.

Chị Lê Thị Ngọc Loan, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn cho biết: Thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng Đoàn - Hội khối trường học: Phối hợp với ban giám hiệu các trường đại học, cao đẳng nâng cao chất lượng nguồn cán bộ Đoàn, hướng ĐVTN đẩy mạnh tham gia nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn; tiếp tục củng cố hoạt động các đội sinh viên tình nguyện, phong trào hiến máu nhân đạo, làm phong phú hơn các sân chơi cho ĐVTN tại cơ sở, tạo sức hút để ngày càng có nhiều sinh viên mong muốn được tham gia vào hoạt động của Đoàn.

Đoàn viên Lê Văn Tụy (Khoa Điện công nghiệp, Trường cao đẳng nghề Đồng Nai) bày tỏ mong muốn, thời gian tới hoạt động Đoàn khối trường học, ngoài việc tạo sân chơi cho ĐVTN thì cũng cần hướng về cơ sở nhiều hơn nữa. Khi hướng về cơ sở, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, ĐVTN sẽ phát huy được nhiều lợi thế của sức trẻ. Hướng về cơ sở còn là cơ hội để ĐVTN có dịp giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn - Hội, làm cho hoạt động Đoàn - Hội ở cơ sở phong phú và đa dạng hơn. Những kiến thức của ĐVTN khối trường học cũng có thể triển khai ở khu vực dân cư để trở thành những công trình thanh niên giúp ích cho xã hội.

Công Nghĩa

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích