Tiếp tục ngày thảo luận thứ 2 tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) năm 2012, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2013, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) dành sự quan tâm nhiều đến vấn đề, trong đó có cải cách tiền lương...
Tiếp tục ngày thảo luận thứ 2 tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) năm 2012, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2013, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) dành sự quan tâm nhiều đến vấn đề giải quyết nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), cải cách tiền lương...
Đa số các đại biểu ghi nhận thành tích phát triển KT-XH trong bối cảnh đặc biệt khó khăn của nền kinh tế; đồng thời cũng thẳng thắn trao đổi về những tồn tại yếu kém của trong quản lý, điều hành và đề xuất nhiều giải pháp cho những tháng còn lại cuối năm 2012 và năm 2013.
* Khơi thông dòng vốn cho DN
Đề cập đến những thách thức và những yếu kém của nền kinh tế hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng:
Công nhân trong giờ làm việc. Ảnh: N.TUYẾT |
doanh nghiệp (DN) đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn; hàng tồn kho lớn, trong khi hàng nhập lậu vẫn xuất hiện tràn lan; nợ xấu ngân hàng vẫn là bài toán chưa có lời giải; DN khó tiếp cận nguồn vốn vay; thị trường bất động sản (BĐS) chưa phục hồi, tái cơ cấu kinh tế mới chỉ bắt đầu…Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần nhanh chóng có những giải pháp điều hành, khắc phục, tháo gỡ những điểm ách tắc của nền kinh tế, khôi phục ổn định và phát triển sản xuất.
Chia sẻ với những quan ngại của các ĐBQH đối với những khó khăn của DN, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, hệ thống ngân hàng phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện nhiệm vụ gia nợ, giãn nợ cho các tổ chức tín dụng. Từ tháng 4 đến nay, đã có 36.000 tỷ đồng nợ xấu được gia nợ, giãn nợ. Hiện, Ngân hàng cũng đang phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều buổi giao lưu với DN, ngân hàng thương mại để tìm hiểu những khó khăn cụ thể của từng DN, ngân hàng cụ thể, để có biện pháp tháo gỡ.
Thông tin thêm về công tác quản lý thị trường vàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, hiện nay, tình trạng vàng hóa nền kinh tế đã bị đẩy lên rất cao, tạo ra sự bất ổn kinh tế vĩ mô. Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN cương quyết thực thi nhiều biện pháp mạnh chống đô la hóa và vàng hóa nền kinh tế. Theo Thống đốc, hiện không còn tình trạng người dân đổ xô đi mua vàng. Mặc dù giá vàng biến động lớn nhưng tỷ giá vẫn hoàn toàn ổn định. Đến nay, tính thanh khoản của các ngân hàng đã được cải thiện; giảm được lãi suất, bước đầu ngành ngân hàng đã có dấu hiệu tăng trưởng nhưng vẫn thấp hơn so với mục tiêu.
* Đẩy nhanh giải quyết hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản
Đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu về việc cần tập trung giải quyết tồn kho, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, cần đánh giá cụ thể, phân loại chi tiết hàng tồn kho để có phướng án giải quyết, bởi đây cũng chính là biểu hiện nợ xấu của ngân hàng. Thống đốc Bình khẳng định, đến cuối năm nay, đối với những ngân hàng không trích lập dự phòng rủi ro, NHNN sẽ không chấp thuận cho chia cổ tức. NHNN sẽ thanh tra, giám sát chặt chẽ để đảm bảo lấy lợi nhuận của ngân hàng phục vụ cho giải quyết nợ xấu.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN |
Nhấn mạnh giải quyết hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) đang là một yêu cầu cấp bách để khơi thông thị trường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định quyết tâm trong việc phối hợp cùng với NHNN mở rộng tín dụng cho nhà đầu tư, người đầu tư BĐS, nhất là lĩnh vực nhà ở xã hội.
Đề xuất những giải pháp nhằm “phá băng” thị trường quan trọng này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, thị trường BĐS tuy đóng băng, rất ít giao dịch, nhưng một bộ phận lớn người dân, nhất là người thu nhập thấp vẫn thiếu nhà ở. Hiện có khoảng 230 ngàn tỷ đồng dư nợ tín dụng liên quan đến BĐS (trong đó 6% là nợ xấu). Thực trạng này dẫn đến nhiều ngành sản xuất đình trệ, nhất là vật liệu xây dựng, thép, từ đó cũng ảnh hưởng đến an toàn ngành ngân hàng, Bộ trưởng khẳng định.
Nêu quan điểm cần quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS thông qua việc cơ cấu lại thị trường này, đảm bảo cân đối cung cầu, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết thêm, vốn cho các dự án BĐS hiện nay chủ yếu là vay Ngân hàng và vốn góp của người mua nhà. Điều này dẫn đến hàng không bán được, nợ xấu sẽ tăng. Bộ xây dựng sẽ chịu trách nhiệm trong việc tăng cường kiểm soát, thống nhất lại quy hoạch. Bộ sẽ đề nghị các địa phương, nhất là hai thành phố lớn tập trung rà soát các dự án BĐS không đáp ứng quy hoạch, kiên quyết cho dừng hoặc yêu cầu các chủ đầu tư phải cơ cấu lại dự án; tạo điều kiện cho các dự án nhà ở xã hội theo Chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề xuất giải pháp xử lý hàng tồn kho trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đề nghị cần định hướng các chủ đầu tư xây chủ yếu sử dụng vật liệu trong nước để kích cầu, giải phóng hàng tồn.
* Cân nhắc phương án tăng lương từ 1-7-2013
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận |
Giải đáp thắc mắc của nhiều đại biểu liên quan đến vấn đề cải cách tiền lương, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vương Đình Huệ cho biết, để có thể tăng lương theo lộ trình (thời điểm 1-5-2013), dự kiến cần phải 60.000-65.000 tỷ đồng. Điều này là vượt quá khả năng cân đối ngân sách trong năm 2013 do thu ngân sách 2012 đạt thấp và có thể không đạt dự toán, mức thu năm 2013 cũng rất khó khăn. Trước tình hình đó, Chính phủ dự kiến báo cáo Quốc hội chỉ thực hiện tăng lương tối thiểu cho cán bộ nghỉ hưu, người có công và trợ cấp khó khăn cho cán bộ công chức có hệ số tiền lương thấp. Tuy nhiên, qua thảo luận của các đại biểu Quốc hội và để đáp ứng nhu cầu của người hưởng lương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, dự kiến trình Quốc hội quyết định phương án tăng lương ngay sau khi xem xét, quyết định dự toán ngân sách 2013 với phương án tăng mức tiền lương tối thiểu chung cho cán bộ công chức, viên chức, cán bộ nghỉ hưu, người có công ở mức 100.000 đồng/tháng bắt đầu từ 1-7-2013.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng cho biết thêm: Để thực hiện mục tiêu tăng lương, đảm bảo cân đối mục tiêu tăng trưởng năm 2013 là 5,5% GDP, sẽ phải giảm mức đầu tư công đảm bảo cao hơn mức bội thu ngân sách; đồng thời, phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2013, tiết kiệm thu ngân sách 10%, giảm bớt thu ngân sách… Đây là phương án tích cực và khả thi nhất, Chính phủ cố gắng kiềm chế lạm phát ở mức 7-8% năm - Bộ trưởng nói.
Theo TTXVN