Báo Đồng Nai điện tử
En

“Chú Sáu Dân”: Dấu ấn văn hóa ở Đồng Nai

11:11, 21/11/2012

Hội thảo khoa học “Đồng chí Võ Văn Kiệt với cách mạng Việt Nam” tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh ngày 17-11 vừa qua cho thấy: Đồng chí Võ Văn Kiệt “tinh thần như tại” vẫn đang sống thiêng liêng, thân thiết trong lòng tin yêu của mọi người...". 

Thấm thoát, Chú Sáu Dân “về với Bác Hồ” đã hơn 4 năm. Năm nay, nếu còn ở đời, Chú Sáu tròn 90 tuổi. Hội thảo khoa học “Đồng chí Võ Văn Kiệt với cách mạng Việt Nam” tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh ngày 17-11 vừa qua cho thấy: Đồng chí Võ Văn Kiệt “tinh thần như tại” vẫn đang sống thiêng liêng, thân thiết trong lòng tin yêu của mọi người. 90 bản tham luận với hơn 800 trang A4 đã làm rõ thân thế, cuộc đời, nhân cách, trí tuệ, tâm hồn, giá trị, công lao của đồng chí Võ Văn Kiệt đối với Đảng, với đất nước và nhân dân.

Đồng chí Võ Văn Kiệt (thứ 3 từ trái sang) góp ý phương án xây dựng Trung tâm Sinh thái - văn hóa - lịch sử Chiến khu Đ.
Đồng chí Võ Văn Kiệt (thứ 3 từ trái sang) góp ý phương án xây dựng Trung tâm Sinh thái - văn hóa - lịch sử Chiến khu Đ.

“Dấu ấn Võ Văn Kiệt” nở hoa khắp nơi, ở các bước ngoặt lịch sử của dân tộc, trong kháng chiến chống ngoại xâm và trong xây dựng - bảo vệ Tổ quốc, ở các công trình trọng điểm, ở trong cuộc sống, ở quan hệ ân tình đối với đồng chí, người thân… Và ở Đồng Nai, “Dấu ấn Chú Sáu Dân - Võ Văn Kiệt” in đậm trong lòng người Đồng Nai gắn với giá trị văn hóa lịch sử ở địa phương.

Người Biên Hòa - Đồng Nai biết đến đồng chí Võ Văn Kiệt qua những sự kiện lịch sử quan trọng. Năm 1961, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam (do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư) với nhân sự gồm 8 đồng chí, trong đó đồng chí Võ Văn Kiệt (Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng) làm ủy viên, căn cứ đầu tiên ở đồi Bằng Lăng (nay thuộc xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu). Thời gian làm việc ở đây không lâu (1961- 1962), hoạt động trong bí mật nên đồng chí Võ Văn Kiệt được biết đến với tên gọi Sáu Dân với sự kính trọng thông thường đối với cán bộ cao cấp của Đảng. Những năm 1976-1982, thanh niên Đồng Nai ngưỡng vọng đồng chí Võ Văn Kiệt - Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh như là biểu tượng của tinh thần trẻ trung, xung kích của tuổi trẻ. Thời gian đồng chí đảm đương nhiệm vụ ở trung ương (1982-1997), tỉnh Đồng Nai được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát vừa có chiều sâu thực tế, vừa mang tầm nhìn lâu dài. Các công trình trọng điểm ở Đồng Nai, như: các khu công nghiệp, thủy điện Trị An, Văn miếu Trấn Biên… đều có sự kết tinh tình cảm và trí tuệ của ông. Lãnh đạo và công nhân cao su, những Bà mẹ Việt Nam anh hùng và gia đình chính sách được thăm viếng đều nhớ như in Chú Sáu Dân thân thương.

Ấn tượng sâu sắc nhất có lẽ là hình ảnh của “Chú Sáu Dân” gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị sinh thái, văn hóa, lịch sử vùng Chiến khu Đ. Chiến khu Đ là niềm tự hào của miền Đông gian lao, anh dũng; là địa danh vẻ vang của đất nước. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, do áp lực của đói nghèo, rừng Chiến khu Đ chưa kịp hồi sinh sau thương tích vì bom đạn và chất độc hóa học, lại bị thương tích vì lửa khai hoang, miệt hữu ngạn dần vắng bóng cây. Trong tình trạng ấy, tỉnh Đồng Nai hạ quyết tâm giữ nguyên vẹn hệ sinh thái rừng - hồ liền mạch hơn 100 ngàn hécta, từ Hiếu Liêm, Mã Đà đến thượng nguồn Cát Tiên. Khi nghe báo cáo về việc này, đồng chí Võ Văn Kiệt hỏi vui: “Có thiệt không vậy? Rừng trên giấy hay rừng trên đất?”. Để thực chứng, Chú Sáu Dân kéo đồng chí Võ Văn Một - Chủ tịch UBND tỉnh lên trực thăng bay dọc sông Đồng Nai về phía thượng nguồn để thị sát, rồi sẵn trớn bay vèo lên Tây Nguyên để đối chứng. Kết quả chuyến bay là nụ cười vui và lời dặn dò mang tầm chiến lược: Phải bảo tồn và phát triển tài sản vô giá này như là giữ lá phổi của mình, không phải riêng của Đồng Nai mà của quốc gia, trước hết là của hơn 10 triệu dân ở lưu vực sông Đồng Nai.

Tưởng nói vậy rồi thôi. Năm 2001, Chú Sáu Dân về thăm, làm việc tại Đồng Nai, nhắc lại quan điểm bảo vệ, phát triển rừng, yêu cầu tìm lại địa điểm, trùng tu di tích Trung ương Cục miền Nam. Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 3 năm 2003, Chú Sáu Dân thân hành về lại Chiến khu Đ, thẩm định vị trí căn cứ Trung ương Cục miền Nam năm xưa. Lần này, nhân chứng lịch sử hội ngộ. Đồi Bằng Lăng được xác nhận. Niềm vui khôn tả! Dáng ông già 81 tuổi phăm phăm lội rừng, lên đồi, cánh trẻ mỏi gối chào thua. Hôm ấy, Chú Sáu rất vui, chỉ dẫn, dặn dò nhiều điều. Bên hồ Trị An lộng gió, Chú Sáu vui cùng mọi người, cốt cách bình dân, dạy cách ăn cá lóc nướng trui rặt Nam bộ.

Theo tâm huyết của Chú Sáu, công trình trùng tu di tích Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1961-1962 được thực hiện khẩn trương. Ngày khánh thành đúng dịp kỷ niệm 43 năm cuộc họp đầu tiên (10-10-1961 đến 2004), Chú Sáu tham dự cùng nhiều nhân chứng lịch sử và cán bộ cao cấp của Đảng, Chính phủ. Lời phát biểu rưng rưng nỗi niềm tri ân đồng bào, đồng chí, nồng nhiệt truyền lửa cho thế hệ sau. Khi trồng cây lưu niệm, Chú Sáu hỏi: “Cây trồng sẽ bao nhiêu tuổi?”. Một cán bộ lâm nghiệp giúp việc trồng cây trả lời: “Trăm tuổi”. Chú hóm hỉnh ước hẹn: “Khi cây được nửa số tuổi đời, sẽ về kiểm tra”. Chú đã không về nữa, nhưng luôn sống cùng, Chú Sáu ơi!

Đồng chí Võ Văn Kiệt trong một chuyến khảo sát, chỉ đạo tôn tạo di tích Trung ương Cục miền Nam tại chiến khu Đ. Ảnh: Phan Dẫu
Đồng chí Võ Văn Kiệt trong một chuyến khảo sát, chỉ đạo tôn tạo di tích Trung ương Cục miền Nam tại chiến khu Đ. Ảnh: Phan Dẫu

Tiếp nối công trình di tích Trung ương Cục miền Nam, dự án xây dựng Trung tâm văn hóa lịch sử Chiến khu Đ tại Bà Hào được chuẩn bị. Nhiều ý tưởng được phát ngôn, nhiều phác thảo được trình bày. Cần ý kiến của Chú Sáu, chờ đến sốt ruột, tưởng là Chú bận việc khác. Không ngờ, đó là việc hệ trọng của Chú. Chú Sáu nghe đủ, xem xét kỹ, thận trọng kiểm tra tư liệu, tham khảo nhiều nơi, tích góp kinh nghiệm rồi mới hẹn trả lời.

Với tầm nhìn chiến lược, với tính cách nổi bật là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, “ làm nhiều hơn nói nhiều”, luôn tìm tòi, trăn trở, đồng chí Võ Văn Kiệt là một trong những “ tổng công trình sư” của nhiều dự án lớn, quan trọng trong thời kỳ đổi mới đất nước. Các công trình điện năng lớn, như: Trị An, Thác Mơ, Hàm Thuận- Đa Mi, Phú Mỹ, Cà Mau, đường dây tải điện 500 kV Bắc - Nam…; các công trình giao thông, như: đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, đường cao tốc Láng - Hòa Lạc; đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Thuận…; các dự án, công trình lớn, như: chương trình khai thác và phát triển kinh tế - xã hội Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, chương trình thoát lũ ra biển Tây, Nhà máy lọc dầu Dung Quất… và sự phát triển của các ngành, như: dầu khí, viễn thông, hàng không, các tổng công ty lớn của Nhà nước, những cơ sở hạ tầng quan trọng của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước... đều mang đậm “dấu ấn” khai mở, trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đốc thúc của đồng chí Võ Văn Kiệt.

(Ý kiến tham luận của GSTS. Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh tại hội thảo khoa học “Đồng chí Võ Văn Kiệt với cách mạng Việt Nam” tổ chức ngày 17-11 tại TP. Hồ Chí Minh)

Ngày 18-3-2006, Chú Sáu Dân lại về, cẩn trọng thị sát thực địa và sa bàn. Dưới bóng cây xanh sóng sánh mái đầu bạc, ý tưởng, tầm nhìn và sáng kiến của Chú Sáu một lần nữa tỏa sáng, trở thành chủ đề, mục tiêu, giải pháp cho người thực hiện. Chú nói như kể chuyện, trang trọng trong vui vẻ. Chú phản biện, bác bỏ phương án xây dựng mang tính “nghĩa trang tượng đài”, không đồng tình với việc lạm dụng bê tông, cốt thép hoặc giải pháp kiến trúc Tây hóa, càng không thích phô trương hình thức, lãng phí, tốn kém hoặc giáo dục chính trị thô cứng. Chú yêu cầu thể hiện chủ đề rõ nét “gian lao, anh dũng” kiểu của miền Đông, đặt tên cho Trung tâm SINH THÁI - VĂN HÓA - LỊCH SỬ Chiến khu Đ để rõ chức năng bảo tồn, phát huy giá trị đặc thù của rừng Chiến khu Đ có hồn văn hóa lịch sử. Chú mong muốn công trình xây dựng bền vững, hiện đại, mang bản sắc độc đáo của địa phương, phục vụ số đông công chúng, quảng bá hình ảnh Chiến khu Đ, nối kết với hệ thống các công trình văn hóa lịch sử cả nước.

Ý tưởng của Chú Sáu trở thành nền móng định hướng cho dự án. Khó thiết kế nhưng đầy hứng thú. Rồi cũng xong. Mô hình “tháp dầu” được chọn. Tiếc thay, ngày khởi công Trung tâm do Chú đặt tên (30-8-2008), Chú Sáu đã đột ngột ra đi trước đó hơn hai tháng. Sau lễ khởi công, đồng chí Sáu Mùi - chủ đầu tư cùng một số cán bộ thực hiện công trình đến viếng mộ, báo cáo với Chú Sáu. Lòng thành cảm thấy rằng, Chú Sáu hài lòng qua hương khói vấn vương.

Về thăm già làng Năm Nổi ở làng dân tộc Chơ ro xã Phú Lý, bác Năm Nổi đem ra chai rượu quí để dành, run run chỉ lá thư viết tay của Chú Sáu Dân gởi “Ông Năm củ chụp” được lồng khung treo trang trọng trên tường, quặn lòng nhớ đến hình ảnh Chú Sáu Dân lội rừng, thăm lại đồi củ chụp, tự tay đào thử, ăn củ chụp ngon lành, kể chuyện tri ân đồng bào nuôi cán bộ bằng củ chụp ngày xưa. Thấy vậy, biết vậy, mới hiểu dấu ấn của đồng chí Võ Văn Kiệt sâu đậm trong lòng người Đồng Nai như thế nào?

Cái gì còn lại sau khi những thứ khác mất đi, ấy là văn hóa. Dấu ấn của Chú Sáu Dân đúng là như vậy!

Tịnh Hà

 

 

Tin xem nhiều