Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 8-11, các đại biểu Quốc hội (ĐB) làm việc tại Hội trường, thông qua dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013; nghe Tờ trình và thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2013.
Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 8-11, các đại biểu Quốc hội (ĐB) làm việc tại Hội trường, thông qua dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013; nghe Tờ trình và thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2013.
* Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012
Với đa số tán thành, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013.
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013 |
Theo đó, mục tiêu tổng quát năm 2013 được xác định là “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội. Tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo”.
Các chỉ tiêu chủ yếu bao gồm: "Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5%; Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; Tỷ lệ nhập siêu khoảng 8%; Bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8% GDP; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 8%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP; Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 49%; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 16%; Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 22 giường; Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 84%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 75%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 40,7%."
Nghị quyết đã nêu ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó chú trọng tới sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong việc huy động, sử dụng các nguồn lực cho phát triển kinh tế, đồng thời bảo đảm kiềm chế lạm phát, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao chất lượng công tác dự báo, phân tích diễn biến thị trường trong nước và thế giới, có biện pháp điều hành phù hợp; bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, điều chỉnh giá một số mặt hàng Nhà nước quản lý theo lộ trình một cách linh hoạt với liều lượng hợp lý. Nhiệm vụ, giải pháp đã nêu lên việc khắc phục bất cập trong quản lý, ổn định thị trường vàng, bảo đảm giá vàng trong nước liên thông với giá vàng quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của người dân....; mở rộng thị trường đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu, hàng xa xỉ; tăng cường công tác quản lý thị trường chống hàng nhập lậu, hàng giả, có chính sách phát triển thị trường trong nước...
* Lựa chọn nội dung chuyên đề giám sát năm 2013
Thời gian còn lại của phiên làm việc buổi sáng, các ĐB đã nghe Tờ trình và thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2013.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2013 |
Tờ trình nêu rõ, năm 2012, hoạt động giám sát tiếp tục được đổi mới, có tiến bộ, hoàn thành chương trình đề ra, đảm bảo tiến độ, chất lượng; việc gắn kết giữa xem xét báo cáo, giám sát chuyên đề, giải quyết kiến nghị của cử tri và hoạt động chất vấn đã mang lại hiệu ứng tích cực, được đại biểu Quốc hội và cử tri đánh giá cao. Các chuyên đề được lựa chọn đều là những vấn đề bức xúc, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế; sau hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết làm cơ sở để theo dõi, giám sát việc thực hiện.
Dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2013, về nội dung chương trình, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội tập trung vào một số hoạt động chính là xem xét báo cáo của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật, hoạt động chất vấn và giám sát chuyên đề. Về số lượng chuyên đề giám sát, đề nghị: Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp; Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại phiên họp; Hội đồng dân tộc giám sát 2-3 chuyên đề, các Ủy ban giám sát 1-2 chuyên đề, báo cáo kết quả với Ủy ban thường vụ Quốc hội và gửi báo cáo đến đại biểu Quốc hội.
Về việc lựa chọn nội dung chuyên đề giám sát, trên cơ sở nghiên cứu ý kiến đề nghị của các cơ quan, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 3 nội dung sau đây để tiến hành giám sát tại 2 kỳ họp trong năm 2013: Chuyên đề 1: Việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012. Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, giai đoạn 2009-2012. Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, giai đoạn 2006 - 2012.
Tại phiên thảo luận, nhiều ĐB đề cập tới một thực tế qua giám sát cho thấy, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Đây chính là nguyên nhân làm luật chậm đi vào cuộc sống. Nhiều ý kiến cũng đánh giá việc lựa chọn chuyên đề giám sát rất quan trọng, quyết định tới hiệu quả, chất lượng của hoạt động giám sát. Các ý kiến đề nghị không nên lựa chọn những chuyên đề quá rộng, quá nhiều nội dung mà nên chọn những chuyên đề có 1 nội dung, từ đó có điều kiện giám sát chuyên sâu, tạo điều kiện cho cả cơ quan giám sát và cơ quan chịu sự giám sát. Bên cạnh đó, các Uỷ ban và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nên lựa chọn giám sát những vụ việc điển hình, phức tạp để thấy rõ được bất cập của quy định của pháp luật trong thực tế. Một số ý kiến đề nghị việc tổ chức các đoàn giám sát phải thực hiện thật nghiêm túc; cơ cấu thành phần của đoàn giám sát phải đầy đủ, hài hòa và các thành viên phải tham gia giám sát từ đầu tới cuối, trong đó cần tăng cường sự tham gia của các chuyên gia tư vấn vào thành phần đoàn giám sát. Một số ý kiến cũng đề nghị cần nghiên cứu cân đối, khoa học việc bố trí các đoàn giám sát về địa phương, tránh tình trạng có quá nhiều đoàn giám sát về cùng một địa bàn.
Thảo luận về việc lựa chọn chuyên đề giám sát trong năm, 2013, nhiều ý kiến cho rằng cần quan tâm cả lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực xã hội. Trên cơ sở này, các ĐB đề nghị Quốc hội chọn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế và bổ sung giám sát cả lĩnh vực về bảo hiểm xã hội. Theo ĐB trong lĩnh vực này, bên cạnh những mặt đã làm được còn tồn tại rất nhiều yếu kém, trong đó có nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội với số lượng lớn, xâm phạm tới quyền lợi của hàng vạn người lao động. Các ĐB đề nghị bổ sung giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội. Vì, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là trụ cột của an sinh xã hội nhưng qua thực hiện đã bộc lộ nhiều thiết sót, khuyết điểm.
Nhiều ý kiến khác đề xuất lựa chọn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, giai đoạn 2006 - 2012 xuất phát từ ý nghĩa, tầm quan trọng của rừng đối với con người. Trong đó có việc giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng biên giới…
Buổi chiều, theo Chương trình, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai và dự án Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi).
P.V (Tổng hợp)