Trong chốn đọa đày của địch, những cựu tù chính trị đã chia nhau từng cọng rau, ngọn cỏ, nhường nhau từng viên thuốc, manh áo rách, che cho nhau trước đòn roi tàn bạo....
Trong chốn đọa đày của địch, những cựu tù chính trị đã chia nhau từng cọng rau, ngọn cỏ, nhường nhau từng viên thuốc, manh áo rách, che cho nhau trước đòn roi tàn bạo. Được trui rèn trong thử thách, tinh thần và ý chí đó đã theo những người tù chính trị đến tận hôm nay, trở thành niềm tự hào không bao giờ phai.
Trở về với cuộc sống đời thường, những người tù chính trị năm xưa vẫn không ngừng giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng. Một trong những hoạt động truyền thống được tổ chức định kỳ là họp mặt kỷ niệm ngày nổi dậy phá khám Tân Hiệp 2-12 hàng năm.
* Giữ gìn và phát huy truyền thống
Ngoài ra, các dịp lễ kỷ niệm khác, như tưởng niệm 18 nữ tù chính trị hy sinh tại Nhà lao Tân Hiệp (3-6-1974), ngày ký kết Hiệp định Paris (7-1-1973), họp mặt cựu tù chính trị Côn Đảo, Phú Quốc… đều được tổ chức thường xuyên với hơn 3.600 lượt hội viên tham gia. Không chỉ cùng nhau ôn lại kỷ niệm, Ban liên lạc các cấp còn phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu với trên 15 ngàn lượt đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên, giáo viên… góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, gieo cấy ngọn lửa yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất trong thế hệ trẻ.
Các cựu tù chính trị họp mặt dịp kỷ niệm cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp. Ảnh: T. Thúy |
Bên cạnh đó, Ban liên lạc các cấp cũng tổ chức nhiều hoạt động về nguồn cho hội viên, như trở về thăm lại chiến trường xưa nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc, viếng lăng Bác Hồ, tham quan thủ đô Hà Nội, di tích Pác Bó, Chiến khu Đ. Dịp tháng 6-2012 vừa qua, có 40 hội viên trong tỉnh lần đầu tiên đã được Ban Liên lạc tù chính trị tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức trở về thăm lại di tích nhà tù Côn Đảo. Bồi hồi đứng trước các trại đã từng bị giam cầm, chú Nguyễn Văn Lùng (huyện Nhơn Trạch) cho biết chuyến đi này rất có ý nghĩa đối với chú và mọi người trong đoàn vì được trở về chiến trường xưa trong tâm thế của người tự do, khẳng định lý tưởng của những người cộng sản đã chiến thắng sự tàn bạo, phi nghĩa của kẻ thù. Nhiệm kỳ qua, đã có hơn 600 hội viên được tham gia các hoạt động về nguồn với kinh phí trên 1,7 tỷ đồng.
* Chăm lo tinh thần và vật chất
Bà Trần Thị Hòa, Trưởng ban Liên lạc tù chính trị tỉnh cho biết, phần lớn các hội viên cựu tù chính trị hiện nay sức khỏe đều bị suy giảm bởi những trận tra tấn trong tù. Số người khỏe hơn trở về cuộc sống đời thường cũng khó đảm đương công việc liên tục, thường nghỉ mất sức, nghỉ sớm nên phần lớn đời sống hội viên gặp nhiều chật vật, khó khăn. Vì thế, một trong những hoạt động chính của hội là tương trợ, giúp đỡ đời sống vật chất, tinh thần của đồng đội. 5 năm qua, Ban liên lạc tù chính trị các cấp đã vận động xây dựng 40 căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho các hội viên gặp khó khăn về nhà ở, sửa chữa 44 căn nhà bị hư hỏng, dột nát khác với tổng kinh phí gần 1,2 tỷ đồng.
Hội viên cựu tù chính trị tỉnh hiện có 1.128 người, trong đó 25,6% là đảng viên. Hội viên có tuổi đời cao nhất là 102 tuổi, người trẻ nhất nay cũng đã 58 tuổi. 5 năm qua, đã có 191 cựu tù chính trị qua đời. Có khoảng 44% cựu tù chính trị là nữ. Theo thống kê của Ban Liên lạc tù chính trị tỉnh, khoảng 13% hội viên có mức sống còn khó khăn, nằm trong diện hộ cận nghèo, 40-45% hội viên khác có mức sống trung bình. |
Một trong những điểm nổi bật của những cựu tù chính trị, đó là tinh thần tương thân tương ái, quan tâm chăm sóc, hỗ trợ nhau lúc khó khăn, đau yếu - một truyền thống đã được hình thành và củng cố từ những ngày trong lao tù. Hội viên nào đau ốm, gặp chuyện không may, lập tức các hội viên đến giúp đỡ, chia sẻ từng khoản tiền ít ỏi, động viên nhau vượt qua khó khăn. Chú Nguyễn Văn Trắng (xã An Hòa, TP. Biên Hòa) kể, mỗi lần trở bệnh, các hội viên ở Long Thành thường đến thăm, hỗ trợ và động viên: “Ở trong tù khổ hơn nhiều mà mình còn chia nhau từng viên thuốc, nhường nhau từng cọng rau được mà, huống chi bây giờ”. Trong nhiệm kỳ qua, toàn tỉnh đã có 384 lượt hội viên đau ốm được thăm hỏi, chăm sóc, ngoài khoản hỗ trợ từ quỹ các cấp hội, còn có sự đóng góp không ít từ các hội viên với tinh thần “lá lành đùm lá rách”.
Ban liên lạc địa phương nào cũng xây dựng được nguồn quỹ từ 20-100 triệu đồng để chăm lo cho hội viên. Quỹ “học bổng Lưu Chí Hiếu” - một trong những ngôi sao sáng trong nhà tù Côn Đảo cũng đã hỗ trợ cho 126 con, cháu hội viên vượt khó vươn lên học giỏi với tổng kinh phí khoảng 80 triệu đồng. Không chỉ quan tâm đến đời sống hội viên, hội còn tham gia các hoạt động từ thiện - xã hội với tổng số tiền trên 254 triệu đồng. Đặc biệt, nhiều hội viên đã tự nguyện thế chấp tài sản, vay mượn người thân hoặc bằng nguồn tự có trong gia đình để giúp hội viên nghèo vay vốn phát triển kinh tế gia đình với tổng số tiền là 485 triệu đồng. “Có gì đâu, chỉ là “tù” giúp “tù” thôi. Tình cảm của những người cựu tù chính trị là vậy đó” - bà Trần Thị Hòa lý giải nghe đơn giản, nhưng thắm đượm nghĩa tình.
Thanh Thúy