Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiểu hơn về ý chí con người Việt Nam

12:12, 15/12/2012

Tối 12-12, tại Trường đại học Nguyễn Huệ đã diễn ra chương trình giao lưu truyền thống “Âm vang Điện Biên Phủ trên không” nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không.

Tối 12-12, tại Trường đại học Nguyễn Huệ đã diễn ra chương trình giao lưu truyền thống “Âm vang Điện Biên Phủ trên không” nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không.

Các nhân chứng tham gia chương trình giao lưu. Ảnh: M. Đức

Tham dự đêm giao lưu có Trung tướng không quân, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động Phạm Tuân; Trung tướng Lê Nam Phong và Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thành Trung,  cùng cán bộ, học viên Trường Đại học Nguyễn Huệ và một số đơn vị bạn.

Sức mạnh tổng hợp

Nhớ về 12 ngày đêm trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, mỗi nhân chứng lịch sử có mặt trong buổi giao lưu đều bồi hồi, xúc động.

Thiếu úy Trần Quốc Huy, B trưởng C5, D8, Trường đại học Nguyễn Huệ cho biết: “Được nghe các nhân chứng sống kể về trận đánh lịch sử, chúng tôi hiểu thêm sự hy sinh, cống hiến của thế hệ cha anh để có được cuộc sống bình yên ngày hôm nay. Chính vì vậy, chúng em sẽ phải có trách nhiệm ghi nhớ và gìn giữ những gì thế hệ cha anh đã tạo dựng nên”.

Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Đại đội trưởng đánh địch trên đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ 1954, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Nguyễn Huệ  bồi hồi nhớ lại: “Để có được chiến thắng B.52 trên bầu trời Hà Nội, Bác Hồ và Đảng ta đã chuẩn bị tinh thần, lực lượng từ rất sớm. Ngay trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta khống chế thành công sân bay Mường Thanh, cắt được “dạ dày” của Pháp để làm chủ tình hình và trận đánh vào cứ điểm cuối cùng của địch tại lòng chảo Điện Biên Phủ đã chôn vùi ý chí xâm lược của thực dân Pháp tại Đông Dương. Đây được coi là kinh nghiệm đầu tiên của Việt Nam khống chế sân bay và đánh máy bay địch. Cũng từ đây, ta chủ động chuẩn bị phát triển lực lượng phòng không ba thứ quân tạo thành lưới lửa rộng khắp, hiệu quả trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ nói chung và chiến dịch 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không nói riêng”.

Trung tướng Phạm Tuân kể: “Ngay đêm 18-12-1972, khi B.52 xâm phạm vùng trời Thủ đô, mở đầu chiến dịch tập kích đường không của không quân Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh, thành phố lớn trên hậu phương miền Bắc, từ sân bay Nội Bài, tôi được lệnh xuất kích trong điều kiện đường băng bị địch đánh phá hỏng nặng. Sau khi cất cánh, tôi điều khiển máy bay hướng về phía Ba Vì. Từ mặt đất, tên lửa và đạn các loại của ta bắn lên dày đặc. Tôi phát hiện ra rất nhiều máy bay F.4 của địch. Sau vài phút, những chiếc F.4 lại bắn một quả tên lửa nhiễu để “làm mù” ra-đa của ta. Chấp hành nghiêm kỷ luật chiến trường là “chỉ dùng tên lửa bắn B.52, nếu không bắn được B.52, mang tên lửa về”, tôi quyết tâm “giữ” tên lửa và tìm diệt B.52. Tiếp cận được B.52, tôi bật ra-đa, toàn bộ màn hình trắng xóa vì nhiễu; tiếp tục bật tăng lực để tăng tốc độ, nhằm thu hẹp cự ly thì ngay lập tức chiếc MiG-21của ta bị F.4 phát hiện và “quây lại”, buộc tôi phải cơ động thoát ly và quay về sân bay Nội Bài hạ cánh. Vì hạ cánh xuống đường băng lỗ chỗ hố bom, nên ngay sau khi tiếp đất với tốc độ 260km/giờ, chiếc MiG-21 của tôi đã rúc xuống hố bom, máy bay lật ngửa bụng, xoay 180 độ...

Ngay sau khi hạ cánh, Phạm Tuân được biết bộ đội tên lửa đã bắn rơi tại chỗ chiếc B.52 đầu tiên trên bầu trời Thủ đô. Chiến công của đồng đội khiến ông vô cùng mừng rỡ và nung nấu quyết tâm “phải diệt bằng được B52”…

Chỉ bắn B.52

 “Chúng tôi rất lo lắng, không phải lo sợ hy sinh mà vì đã qua 8 đêm rồi, phi công của ta vẫn không diệt được B.52, trong khi đó tất cả đang mong mỏi, chờ đợi không quân tiêu diệt B.52”, Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ. Đêm 27-12-1972, ông tiếp tục được lệnh cất cánh cơ động từ sân bay Nội Bài lên sân bay Yên Bái, thực hiện chiến thuật đánh bí mật bất ngờ từ vòng ngoài. 21 giờ, từ sân bay Yên Bái, ông được lệnh xuất kích. Sau khi cất cánh, xuyên mây, ông đã thấy F.4 của địch. Lệnh từ sở chỉ huy “Tránh F.4 của địch”, “361” biệt hiệu của phi công Phạm Tuân tăng tốc độ sớm, vượt tránh vài tốp F.4.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phm Tuân cho rằng, chiến thắng của Việt Nam trên bầu trời Hà Nội tháng 12-1972 là sức mạnh tổng hợp của ý chí kiên cường, nghị lực sắt đá, trí thông minh sáng tạo và bản lĩnh, lòng quả cảm cao độ của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Bản lĩnh này, ý trí này đã đập tan sự ngạo mạn và ngông cuồng của đế quốc Mỹ cho cái gọi là “Đi du lịch trên bầu trời Hà Nội”. “Trong Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972, các phi công của ta đã tiêu diệt 2 máy bay B.52 của Mỹ. Để có được kết quả đó, không quân nhân dân Việt Nam đã có bước chuẩn bị từ khá sớm, điều quan trọng không kém là ta đã điều chỉnh cách đánh kịp thời sau mỗi lần xuất kích” - Anh hùng Phạm Tuân nói.

Khi ở cự ly cách B.52 khoảng 200km, ông được thông báo có B.52 cách 200km. Các cự ly 150km, 100km lần lượt được sở chỉ huy thông báo. Đến cự ly 60km, sở chỉ huy ra lệnh cho ông bật tăng lực, lấy độ cao. Sau khi kéo cao, đến cự ly 40km, Phạm Tuân đã phát hiện được B.52. “Ngay sau khi phát hiện B.52, tôi báo cáo sở chỉ huy: “Phát hiện tốp B.52, 2 chiếc”! Nhưng thực tế lúc đó có 3 chiếc B.52 trong đội hình địch, vì chiếc thứ 3 không bật đèn”, phi công Phạm Tuân nhớ lại.

Tại thời điểm đó, các sở chỉ huy đều dẫn dắt rất tốt Phạm Tuân, bởi máy bay ta hoạt động ở vòng ngoài nên hạn chế được nhiễu của đối phương. Đến cự ly 10km, chiếc MiG-21 ép vào phía sau chiếc B.52. Các sở chỉ huy đều nhắc: “Chú ý bật công tắc tên lửa! Bắn 2 quả!”. Ngay sau đó, Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không - không quân  yêu cầu các sở chỉ huy khác không liên lạc, để Sở chỉ huy Quân chủng dẫn dắt.

Khi đến cự ly 3km, phi công Phạm Tuân  được lệnh: “361 bắn, thoát ly ngay bên trái”. Khẩu lệnh thứ hai tiếp tục được phát lên: “361 bắn, thoát ly ngay bên trái”. “Nghe tốt! Tôi bắn”, ông trả lời và lập tức bắn 2 quả tên lửa. Lúc đó, MiG-21 đang giữ tốc độ 1.500km/giờ và tốc độ B.52 khoảng 900km/giờ. Khi bắn xong, ông cơ động thoát ly. Quan sát, ông thấy một quầng lửa lớn ngay phía dưới máy bay mình và nhanh chóng điều khiển máy bay về hạ cánh an toàn tại sân bay Yên Bái...

Từ chiến thắng của trận Điện Biên Phủ trên không, Đại tá, anh hùng Nguyễn Thành Trung, người phi công quả cảm sống trong lòng địch, cất cánh từ sân bay Biên Hòa để ném bom xuống Dinh Độc Lập sáng ngày 8-4-1975 cũng đã chia sẻ những hồi ức về những ngày tháng không thể nào quên. Đó là một giai đoạn của những anh hùng đã viết nên lịch sử dân tộc.

Nguyễn Minh Đức

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều