Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vùng đất Bình Lộc (TX.Long Khánh) đã bao lần bị đạn bom của giặc cày xới, tàn phá nặng nề. Vậy mà, bao lần bị giặc chiếm là mấy lần quân - dân Bình Lộc không tiếc máu xương, đoàn kết một lòng, ra sức chiến đấu để giành lấy độc lập, tự do…
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vùng đất Bình Lộc (TX.Long Khánh) đã bao lần bị đạn bom của giặc cày xới, tàn phá nặng nề. Vậy mà, bao lần bị giặc chiếm là mấy lần quân - dân Bình Lộc không tiếc máu xương, đoàn kết một lòng, ra sức chiến đấu để giành lấy độc lập, tự do…
* Đánh đuổi giặc Tây
Ông Thái Đình Hướng, Bí thư Đảng ủy xã Bình Lộc, đồng thời là cựu du kích xã cho biết, những năm tháng chiến tranh, không một xóm ấp, con đường, cánh rừng, khe suối nào ở Bình Lộc không có dấu vết bom, đạn của kẻ thù bắn phá. Trước họng súng của địch, nhân dân Bình Lộc không hề nao núng, vẫn một lòng theo Đảng. Lớp này ngã xuống, lớp khác lại đứng lên.
Du kích Bình Lộc trong chiến tranh. |
Thời chống Pháp, xã Bình Lộc còn có tên gọi là Bình Lộc ấp, vì lẽ nơi đây có cơ sở cao su Bình Lộc, một trong những đồn điền cao su được thành lập sớm nhất ở miền Đông Nam bộ. Đa số công nhân cao su ở Bình Lộc có nguồn gốc từ miền Bắc và miền Trung, bị thực dân Pháp mộ vào làm phu với đồng lương rẻ mạt, nhưng thường xuyên bị chủ Tây bóc lột, đày đọa tàn nhẫn, cuộc sống khổ cực trăm bề.
Cách mạng Tháng 8 thành công, ngày 2-9-1945, Ủy ban hành chính Bình Lộc ra đời. Dưới sự lãnh đạo của chính quyền Việt Minh, công nhân đồn điền cao su Bình Lộc vừa tham gia bảo vệ chính quyền cách mạng, vừa diệt bọn ác ôn, tước vũ khí địch giao cho cách mạng.
Ngày 26-11-1946, thực dân Pháp quay lại chiếm Xuân Lộc, chúng đưa một lực lượng lớn quân đội về đóng nhiều nơi trong huyện, kể cả Bình Lộc. Chúng tổ chức lùng sục, bắt bớ các chiến sĩ cách mạng và ra sức bắn giết đồng bào rất dã man.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Biên Hòa, phong trào đấu tranh cách mạng của quân - dân Bình Lộc lại tiếp tục bùng lên. Cán bộ được đồng bào che chở, tiếp tế lương thực, thuốc men. Ủy ban hành chính kháng chiến xã Bình Lộc được xây dựng lại. Mặt trận Việt Minh xã đã kiên trì bám trụ hoạt động và đã tập hợp được gần 400 người, phần lớn là thanh niên và công nhân cao su đứng vào hàng ngũ chiến đấu.
Tháng 7-1947, được sự chỉ đạo của Ủy ban kháng chiến, cơ sở mật trong đồn điền cao su Bình Lộc đã tổ chức vận động công nhân trong và ngoài đồn điền kết hợp nổi dậy đốt xe, đốt kho mủ, lấy nhiều máy móc và văn phòng phẩm, gây cho địch nhiều thiệt hại, hoang mang. Sau sự kiện này, 1.500 công nhân cao su ở Bình Lộc thoát ly ra vùng căn cứ cách mạng tham gia kháng chiến.
Giặc Pháp và bọn chủ đồn điền sau thất bại đó càng thêm điên cuồng. Chúng mở nhiều cuộc ruồng bố, càn quét phá hoại nhân dân để cắt đường tiếp tế lương thực cho cách mạng. Các trận càn kéo dài hàng tuần, với cả trung đoàn lính lê dương lùng sục, nhổ sạch, phá sạch, đốt sạch, giết sạch…, nhưng phong trào kháng chiến của quân - dân Bình Lộc vẫn đứng vững.
* ĐốI đầu quân xâm lược Mỹ
Nếu cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, quân - dân Bình Lộc chịu nhiều mất mát, thì trong 21 năm kiên cường đánh Mỹ, sự hy sinh, mất mát ấy được nhân lên gấp nhiều lần.
Ở Bình Lộc, không chỉ có bộ đội, du kích đánh địch, mà ngay cả những bà má, những phụ nữ, thiếu niên cũng tham gia đánh địch bằng nhiều hình thức phong phú, lập được nhiều chiến công to lớn, làm cho kẻ thù phải khiếp sợ.
Đi hết cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, quân - dân Bình Lộc đã tham gia đánh 618 trận lớn, nhỏ, tiêu diệt 1.596 tên địch (trong đó có 42 lính Mỹ), bắt sống 79 tên, diệt 20 tên tề ấp, chỉ điểm, ác ôn; bắn rơi 1 máy bay, phá hư nhiều xe quân sự và bom đạn, thu 412 súng các loại. |
Thương binh Lý Văn Thành, đội viên du kích Bình Lộc năm xưa cho biết, nhân dân trong xã đã dám hy sinh cả tính mạng của mình để bảo vệ cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Trong chiến tranh, đã xuất hiện nhiều tấm gương nhân dân dũng cảm, mưu trí vượt qua mắt địch để tiếp tế lương thực, thuốc men cho cách mạng, để cho bộ đội ăn no đánh giặc. Vừa kết hợp đấu tranh binh vận với đấu tranh vũ trang, quân - dân Bình Lộc đã vận động 293 binh lính ngụy rã ngũ về với cách mạng, vô hiệu hóa 3 đồn giặc, làm rã ngũ 4 trung đội dân vệ, 8 tên tề ấp, cảm hóa được 1 trung đội dân vệ tham gia cách mạng.
Ngoài thành tích binh vận, đã có 1.225 thanh niên Bình Lộc thoát ly tham gia kháng chiến; nhân dân trong xã đóng góp 1.600 ngày công để đào hầm, hào giao thông, phá ấp chiến lược, 2.200 ngày công làm nhiệm vụ hỏa tuyến trong các chiến dịch, vận chuyển vũ khí, tải thương và đóng góp hàng trăm tấn lương thực cho cách mạng.
Trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, đặc biệt là sau khi ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973, địch vẫn ngoan cố vi phạm hiệp định, cố tình xua quân nống, lấn ra vùng giải phóng. Quân - dân Bình Lộc đã chiến đấu diệt hàng trăm tên địch, giữ vững vùng giải phóng. Đêm 29-3-1975, du kích Bình Lộc phối hợp với biệt động, trinh sát vũ trang Long Khánh tấn công địch giải phóng hàng loạt ấp thuộc 2 xã: Bình Lộc, Bảo Vinh; đập tan tuyến phòng thủ cuối cùng của địch ven thị xã, mở đường cho cuộc tổng tiến công, nổi dậy giải phóng TX.Long Khánh từ ngày 9 đến 21-4-1975 toàn thắng.
Đức Việt