Là địa phương tập trung đông đồng bào có đạo, để thực hiện hiệu quả việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, huyện Trảng Bom đã phối hợp chặt chẽ với các giáo xứ trong công tác tuyên truyền, vận động.
Là địa phương tập trung đông đồng bào có đạo, để thực hiện hiệu quả việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, huyện Trảng Bom đã phối hợp chặt chẽ với các giáo xứ trong công tác tuyên truyền, vận động.
* Tin vào dự Thảo sửa đổi
Ông Nguyễn Tư Lộc, ấp Ngũ Phúc (xã Hố Nai 3) cho biết, sau buổi họp ấp triển khai về dự thảo, ông cũng như người dân trong ấp chưa hiểu lắm về các điều, khoản cần góp ý. Thế nhưng khi được phát tài liệu, ông chịu khó đọc và nghiên cứu để có thể góp ý vào bản dự thảo sửa đổi này một cách chính xác nhất.
Người dân ấp Ngũ Phúc (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) thảo luận đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. |
“Kín kẽ, tiến bộ và hợp lý” là điều mà ông Tư Lộc nhận thấy ở Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo ông, Hiến pháp lần này đã phát huy tối đa quyền con người.
Còn với bà Nguyễn Thị Lê, ấp Tân Bắc (xã Bình Minh) thì tán thành ngay sau khi đọc tài liệu dự thảo. Bà Lê bộc bạch: “Qua nghiên cứu tài liệu và được cán bộ xã tuyên truyền, tôi thấy cái gì hợp lý, đúng đắn thì tôi ủng hộ. Trong đó, điều mà tôi tâm đắc nhất ở Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là việc quy định rõ hơn quyền con người và quyền công dân”.
* Tuyên truyền sâu rộng
Để việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hiệu quả, Trảng Bom đã tiến hành tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác này, trong đó đặc biệt chú trọng đến lực lượng ở xã, ấp. Bên cạnh đó, huyện luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đến các tầng lớp nhân dân thông qua nhiều hình thức, như cấp phát tài liệu, lồng ghép vào các buổi tuyên truyền pháp luật, các chuyến xe thông tin lưu động, sinh hoạt ban ấp, tổ nhân dân, qua hệ thống truyền thanh các xã, thị trấn. Đài truyền thanh huyện cũng đã xây dựng 862 chương trình phát trên hệ thống loa truyền thanh của huyện, xã, ấp, khu phố… Ngoài ra, huyện còn tổ chức tiếp âm từ Đài Tiếng nói Việt Nam để nhân dân biết thêm về việc lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Qua xem xét đánh giá chất lượng, huyện Trảng Bom đã tổng hợp 263 ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung về các quy định cụ thể của dự thảo báo cáo với Ban chỉ đạo lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của tỉnh. |
Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy Trảng Bom, cho hay ngay từ khi bắt đầu tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, huyện đã chỉ đạo Ban tuyên giáo các xã, thị trấn phối hợp với ban hành giáo, chức sắc, linh mục của các giáo xứ trên địa bàn tuyên truyền sâu rộng đến giáo dân vào các buổi lễ. Nhờ đó, việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo được triển khai sâu rộng. Do vậy, việc cấp phát và thu phiếu lấy ý kiến diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, tạo điều kiện để công tác thống kê, tổng hợp diễn ra đúng tiến độ. Qua 6 tháng lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, huyện Trảng Bom đã phát ra 183 ngàn phiếu. Trong đó, có gần 162 ngàn ý kiến tán thành với lý do khẳng định Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã chặt chẽ, phù hợp với tình hình phát triển đất nước.
Nga Sơn