Báo Đồng Nai điện tử
En

Anh lính vận tải gặp vị tướng huyền thoại

09:10, 10/10/2013

"…Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non. Gan không núng. Chí không mòn...”.

"…Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non. Gan không núng. Chí không mòn...”. Ông Vũ Bộ (81 tuổi, ngụ xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa) thường mượn lời thơ của Tố Hữu để kể cho con cháu nghe về những tháng ngày ông cùng đồng đội viết nên chiến thắng Điện Biên Phủ oai hùng. Trong những ngày này, khi gặp chúng tôi, ông đã kể lại những kỷ niệm liên quan đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

* Ký ức một thời

“Là chiến sĩ vận tải của Đại đoàn 316 tham gia trận Điện Biên Phủ năm 1954, tôi may mắn gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần đầu tiên ngay sau ngày chiến thắng 7-5-1954. Ngày đó, tôi chỉ đứng từ xa và thấy Đại tướng ở giữa những người lính mặt còn lấm lem khói bụi chiến trường. Mọi người hô vang tên Đại tướng không ngớt. Trong thâm tâm chúng tôi ngày ấy, được chiến đấu dưới sự chỉ huy của Đại tướng đã là vinh dự lắm rồi. Khi ấy, trông Đại tướng rất bình dị, ông nở nụ cười và bắt tay tất cả chiến sĩ xung quanh ông. Ông hỏi han về gia đình, người thân rồi động viên tinh thần mọi người. Ông như một người thầy đứng giữa những học trò nhỏ của mình chứ không giống một vị Tổng Tư lệnh tối cao.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cán bộ, nhân dân xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cán bộ, nhân dân xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa).

Sau ngày xuất ngũ, chuyển công tác rồi cùng gia đình vào Đồng Nai sinh sống, tôi ngỡ mình sẽ không bao giờ còn có dịp gặp lại vị chỉ huy năm xưa. Cho đến năm 2003, khi đã nghỉ hưu và sống tại xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) thì tôi được Hội Cựu chiến xã báo tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ đến thăm đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh và trò chuyện với người dân địa phương. Khi đó tôi tưởng mình nghe nhầm. Khi biết rõ đó là sự thật, tôi tự nhủ sắp được gặp lại bác Giáp rồi, phải nhanh lên, nhanh lên cho kịp, rồi vội vàng chạy đến đền thờ vì sợ trễ.

* Gặp lại sau 49 năm

Trong đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ ngồi cách tôi 2 người. Gần quá! Lần đầu tiên tôi được đứng gần người anh cả của các lực lượng vũ trang nhân dân đến như vậy. Tôi được dịp nhìn thật kỹ Đại tướng. Mái tóc bạc phơ, làn da hằn những vết thời gian nhưng không làm mất đi sự tinh anh vốn có của một nhà quân sự vĩ đại. Ông lắng nghe tiểu sử của Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh một cách chăm chú. Không gian im phăng phắc, chỉ vang lên tiếng thuyết minh của người giữ đền.

Giống như những ngày còn mịt mù bom đạn chiến tranh, bác Giáp lại hỏi thăm những cựu chiến binh chúng tôi về sức khỏe, gia đình, con cháu trong nhà.

Khi biết tôi từng chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đã siết chặt bàn tay tôi như những người đồng đội từng vào sinh ra tử với nhau. Với tôi, đó là giây phút có lẽ không bao giờ quên được.

Đại tướng hỏi tôi quê quán ở đâu, chiến đấu ở đơn vị nào, thương tích ra sao. Đôi mắt của vị tướng huyền thoại nhìn tôi đầy trìu mến. Khi đó tôi đã không cầm được nước mắt, vị tổng tư lệnh huyền thoại đang hỏi thăm anh lính vận tải vô danh ngày nào. Tôi lặng đi một lúc và trả lời các câu hỏi của Đại tướng. Tôi cố gắng nắm chặt tay của Đại tướng hơn nữa. Tôi muốn được cảm nhận đôi bàn tay của người đã vạch ra bao kế hoạch làm kẻ thù khiếp sợ, đôi bàn tay của một người Việt Nam đã ghi tên mình trong danh sách 10 vị tướng vĩ đại của thế giới. 

Không kèn trống linh đình, không nghi lễ trịnh trọng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến với người dân Cù lao Phố (xã Hiệp Hòa) một cách vô cùng gần gũi. Ông đã để lại trong lòng người dân nơi đây ấn tượng sâu sắc về một thiên tài quân sự vĩ đại mà hết mực giản dị. Giờ đây, khi bác Giáp đã đi xa, hình ảnh về vị Đại tướng nơi “lòng chảo” Điện Biên ngày nào vẫn luôn khắc ghi trong lòng những người cựu chiến binh như tôi”.

Đăng Tùng

(Ghi theo lời kể của ông Vũ Bộ, cựu chiến binh Đại đoàn 316)

 

 

 

Tin xem nhiều