Chỉ một lần tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng những ấn tượng về “người anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam không bao giờ phai nhạt trong tâm trí những cán bộ, chiến sĩ Công an Đồng Nai làm nhiệm vụ bảo vệ Đại tướng trong dịp về thăm Chiến khu Đ gần 20 năm trước.
Chỉ một lần tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng những ấn tượng về “người anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam không bao giờ phai nhạt trong tâm trí những cán bộ, chiến sĩ Công an Đồng Nai làm nhiệm vụ bảo vệ Đại tướng trong dịp về thăm Chiến khu Đ gần 20 năm trước.
* Một lần gặp“người anh cả”
Năm 1996, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Chiến khu Đ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về huyện Vĩnh Cửu dự lễ kỷ niệm và có bài phát biểu quan trọng tại đây.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần về thăm Chiến khu Đ năm 1996. |
“Được Ban giám đốc Công an tỉnh giao nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự trong quá trình diễn ra buổi lễ, chúng tôi hết sức vui mừng và hồi hộp vì sắp được gặp vị tướng vĩ đại bấy lâu chỉ được biết qua sách báo, phim tài liệu. Trước khi lên đường làm nhiệm vụ, Giám đốc Công an tỉnh khi ấy (Đại tá Trần Công Khánh) đã trực tiếp chỉ đạo chúng tôi: “Các đồng chí cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảm bảo buổi lễ diễn ra suôn sẻ và quan trọng nhất là bảo vệ an toàn cho Đại tướng”. Không ai bảo ai, tất cả chúng tôi đều tự hứa với lòng sẽ làm hết sức để bảo vệ cho vị tướng huyền thoại của quân đội và nhân dân Việt Nam” - Trung tá Nguyễn Văn Minh, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát bảo vệ Công an tỉnh, nói.
Trong cái nắng oi ả buổi sáng tháng 5 của miền Đông Nam bộ, chúng tôi có mặt tại địa điểm làm lễ (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu). Người dân địa phương tập trung dự lễ rất đông, ai ai cũng kháo nhau “sắp được gặp mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngoài đời thật rồi”.
Ở tuổi ngoài 80, Đại tướng vẫn giữ được sự minh mẫn vốn có của một nhà quân sự lỗi lạc, ông chậm rãi bước xuống xe trong tiếng vỗ tay và reo hò không ngớt của hàng ngàn người dân đến dự lễ. Đại tướng hướng ánh mắt nhìn một lượt về phía đồng bào rồi nở nụ cười và đưa tay vẫy chào họ. Trước mắt chúng tôi, Đại tướng không có vẻ của một người đã làm nên trận Điện Biên Phủ lay động năm châu, rung chuyển địa cầu, mà giống như người ông, người chú vừa trở về nhà sau bao năm xa xứ.
* Bài học từ “người anh cả”
17 năm trôi qua, cảm giác được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày ấy vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi người chúng tôi. Lúc đó, khi Đại tướng phát biểu xong và bước xuống bục, chúng tôi nghĩ ông sẽ trở về hàng ghế đại biểu như thường lệ, nhưng Đại tướng đã đi thẳng xuống khu vực đồng bào và chiến sĩ phía dưới. Đại tướng ân cần hỏi thăm, bắt chặt những bàn tay của người dân, cựu chiến binh và các bậc lão thành cách mạng hướng về phía ông.
Là những chiến sĩ trực tiếp bảo vệ Đại tướng, chúng tôi hết sức lo lắng vì lúc bấy giờ ai cũng muốn đến gần Đại tướng để được diện kiến một “huyền thoại sống” mà có lẽ trong đời ít người có cơ hội. Nhưng những lo lắng của chúng tôi đã nhanh chóng tan đi khi mọi người hết sức trật tự trong tình cảm đầm ấm, gần gũi của Đại tướng như người thân đi xa trở về quê mẹ. |
Đại tướng hỏi thăm từng vị lão thành cách mạng là đồng bào dân tộc thiểu số sống, chiến đấu trên vùng đất Chiến khu Đ về sức khỏe, đời sống và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Đại tướng gặp mặt các chiến sĩ quân đội, công an và ân cần bắt tay từng chiến sĩ trẻ, dặn dò chúng tôi phải biết phát huy truyền thống cách mạng của “miền Đông gian lao mà anh dũng”, noi gương cha anh phấn đấu trở thành những chiến sĩ công an, quân đội trung với nước, hiếu với dân.
Chúng tôi còn nhớ rõ, khi ấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp có dặn dò cán bộ, chiến sĩ công an bảo vệ ông: “Thời chiến thì quân đội hy sinh xương máu để giành độc lập, tự do, hạnh phúc về cho nhân dân, đất nước. Còn thời bình thì tới phiên lực lượng công an các cậu sẽ hy sinh xương máu để giữ gìn nền độc lập, tự do, hạnh phúc ấy”. Hình ảnh gần gũi nhân dân của Đại tướng đã để lại trong chúng tôi một bài học sâu sắc “vì nước quên thân, vì dân quên mình” trong suốt quá trình công tác và chiến đấu.
Giờ đây, khi nghe tin vị Đại tướng tài ba, “người anh cả” của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã ra đi, chúng tôi không khỏi bùi ngùi xúc động. Dù chỉ tiếp xúc với Đại tướng một lần, nhưng với những người lính chúng tôi, đó là khoảnh khắc tự hào nhất khi được gặp gỡ người đã viết nên trang sử hào hùng của một thế kỷ chống ngoại xâm oanh liệt...
Đại tướng trong lòng người Đồng Nai Nghẹn ngào, bàng hoàng, đau buồn, hụt hẫng, mất mát, tiếc thương... là những cảm xúc của người dân Đồng Nai khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp về cõi vĩnh hằng. * Đại tá Nguyễn Trí Thức, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh: Gần gũi giữa đời thường Trong quá trình hoạt động cách mạng và sau khi đất nước thống nhất, tôi đã nhiều lần được tiếp xúc với Đại tướng. Qua giao tiếp tôi nhận thấy, từng cử chỉ, lời nói của Đại tướng luôn toát ra sự cương quyết, quả cảm. Sau năm 1968, tôi có dịp ra Hà Nội và may mắn gặp Đại tướng. Nghe nói chúng tôi ở miền Đông, Đại tướng liền hỏi chuyện, xoay quanh những trận đánh, những bài học kinh nghiệm, những mệnh lệnh của người chỉ huy. Mỗi lần về thăm, làm việc tại Đồng Nai, lần nào Đại tướng cũng chủ động đến tận nhà những cán bộ lão thành để thăm hỏi, động viên. Đêm 4-10, khi nghe tin Đại tướng qua đời, tôi không thể ngủ được vì hình ảnh Đại tướng cứ hiển hiện trong đầu. Hội Cựu chiến binh Việt Nam từ nay mất đi một vị chủ tịch danh dự mẫu mực. * Bí thư Thành đoàn Biên Hòa Võ Thị Huỳnh Mai: Thế hệ trẻ luôn khắc ghi hình ảnh của Đại tướng Đối với tôi và cũng như bao bạn trẻ khác, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là vị tướng tài ba được nhân dân cả nước và thế giới nể phục mà còn là một người ông đáng kính. Tuy chưa một lần gặp mặt nhưng tôi cảm thấy rất gần gũi khi được biết đến Đại tướng qua những trang sử, những quyển sách quý và trên các phương tiện truyền thông. Thế hệ trẻ hôm nay sẽ luôn khắc ghi hình ảnh Đại tướng, theo gương Đại tướng. * Bà Hoàng Thị Ty, 60 tuổi, ngụ đường 3-2, thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom): Đại tướng không còn bắt nhịp điệu hò khoan giã gạo Tôi người cùng thôn, cách nhà Đại tướng chỉ mấy hàng dâm bụt. Trước đây, khi tôi còn ở quê, mỗi lần Đại tướng về thăm quê thì hôm đó như là ngày hội của người dân thôn An Xá chúng tôi. Với dân làng, Đại tướng chưa bao giờ thể hiện mình là anh hùng của dân tộc, mà luôn giữ sự giản dị, mộc mạc, gần gũi với mọi người như một người thân. Rất nhiều lần, già, trẻ, gái, trai trong xã cùng nhau quây quần bên sân nhà Đại tướng để nghe ông kể chuyện đánh Pháp, chống Mỹ, nhắc nhở bà con giữ gìn, phát triển nghề dệt chiếu truyền thống rồi cùng hát những điệu hò khoan giã gạo. Đại tướng vừa bắt nhịp vừa cùng mọi người hát thật say mê. Nghe tin Đại tướng ra đi, tôi đã khóc thật nhiều. Từ nay, Người không còn bắt nhịp điệu hò khoan giã gạo nữa… Ngọc Liên - Kim Liễu - Văn Chính |
Đăng Tùng (ghi)
* Theo lời kể của các cán bộ Công an tỉnh làm nhiệm vụ bảo vệ Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi về thăm Chiến khu Đ năm 1996. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần về thăm Chiến khu Đ năm 1996.