Tôi có một may mắn, là sau này nhiều lần được tiếp xúc với Đại tướng - người mà chúng tôi thường thân thương gọi là Bác Giáp, vào những dịp Bác về thăm
Nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, lòng tôi trào dâng nhiều xúc cảm.
Tôi thuộc thế hệ hậu sinh, thời điểm Đại tướng Võ Nguyên Giáp dệt nên những chiến công oanh liệt, mà đỉnh điểm là trận Điện Biên Phủ lẫy lừng thế giới năm 1954, tôi vẫn chưa ra đời. Sau này, đọc sách viết về Đại tướng, và sách do chính Đại tướng viết (Từ nhân dân mà ra, Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử, Những năm tháng không thể nào quên, Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng…), hình ảnh Đại tướng đã trở thành một huyền thoại trong lòng tôi.
* Chuyện nhỏ, ý nghĩa lớn
Tôi có một may mắn, là sau này nhiều lần được tiếp xúc với Đại tướng - người mà chúng tôi thường thân thương gọi là Bác Giáp, vào những dịp Bác về thăm Đồng Nai. Trong những lần tiếp xúc đó, có những giai thoại gắn với Bác Giáp, những câu chuyện nhỏ nhưng để lại ý nghĩa và bài học lớn, luôn khiến tôi phải kính phục và suy ngẫm.
Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn và Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp làm việc tại sân bay Biên Hòa (tháng 5-1975). |
Có một lần, Bác Giáp vào thăm Đồng Nai. Lúc đó, tôi đang giữ cương vị Phó chủ tịch UBND tỉnh. Buổi sáng, tôi hỏi ý kiến cô Đặng Bích Hà, phu nhân của Bác Giáp về chuyện ăn sáng của Bác. Cô bảo: “Bác ăn uống rất đơn giản. Buổi sáng, Bác thường ăn 2 quả trứng vịt lộn”. Quả tình, thực đơn này làm tôi lúng túng, vì ở Biên Hòa có quán hột vịt lộn Thu Hà nổi tiếng ngon nhưng chỉ bán vào buổi chiều tối, giờ nếu mua vào buổi sáng sợ gặp trứng để qua đêm, liệu có an toàn vệ sinh thực phẩm? Nhưng rồi việc cũng được giải quyết. Bác Giáp bảo: “Cũng là ăn trứng vịt lộn nhưng mỗi miền có cách ăn khác nhau. Người miền Bắc thường ăn vào buổi sáng, đập trứng ra bỏ vào bát. Người miền Trung thì ăn buổi trưa với gừng và rau răm, còn người miền Nam lại ăn vào buổi chiều tối. Đó chính là dấu hiệu của văn hóa Việt Nam, có sự đa dạng trong thống nhất trên cái nền chung của Việt Nam”. Đây là nhận xét ngắn gọn nhưng mang tính khái quát rất cao về văn hóa Việt Nam của bậc thiên tài quân sự, khiến tôi nhớ mãi.
Lần đầu tiên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Đồng Nai là vào ngày 5-5-1975. Lúc đó, miền Nam mới vừa giải phóng, đất nước được hoàn toàn thống nhất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng với các đồng chí: Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Chính phủ đã vào Đồng Nai làm việc với Ủy ban Quân quản TP. Biên Hòa, xem xét sân bay quân sự Biên Hòa và đến thăm Khu kỹ nghệ Biên Hòa (nay là Khu công nghiệp Biên Hòa 1). |
Một lần khác, Bác Giáp đến thăm Bảo tàng Đồng Nai. Thuyết minh viên trình bày cho Bác có lẽ bị áp lực về thời gian nên vừa bắt đầu đã “bật” ngay một thôi một hồi về lịch sử ra đời của Đảng. Bác mới bảo: “Thế này nhé, lịch sử Việt Nam thì mọi người đều biết rồi. Giờ, cháu có thể giới thiệu cho Bác biết về lịch sử của Đồng Nai như thế nào trong dòng mạch của lịch sử dân tộc không?”. Nhờ gợi ý của Bác, thuyết minh viên nhẹ nhõm trình bày những nội dung về lịch sử địa phương. Đó là tư duy của người vừa nguyên là thầy giảng dạy lịch sử, vừa là một trong những người làm nên lịch sử cách mạng Việt Nam.
* Tư duy Võ Nguyên Giáp
Cũng với tư duy này, khi Bác Giáp đến thăm Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, thầy trò của trường vui mừng tiếp đón vị Đại tướng huyền thoại và xúm xít vây quanh Bác. Bác hỏi rất nhiều, như: dòng sông lớn nhất, ngọn núi cao nhất, các địa danh lịch sử trong tỉnh... các học sinh của trường đều trả lời chính xác. Bác rất vui, khen học sinh của trường thông minh, ham hiểu biết khiến thầy trò rất tự hào. Qua trao đổi, mới biết nhà trường lúc ấy chỉ có các lớp chuyên Văn, Toán, Lý, Hóa... Hiệu trưởng nhà trường, nhà giáo ưu tú Trần Anh Dũng (nay là nhà giáo nhân dân) cho biết sắp tới sẽ đề xuất mở thêm lớp chuyên Sử. Bác Giáp bảo: “Lịch sử không phải chỉ cần là bộ môn chuyên trên sách vở, mà phải là vấn đề thường xuyên, thường trực trong tâm trí của mỗi một học sinh và các thầy cô giáo”.
Đồng chí Huỳnh Văn Tới (giữa) hướng dẫn Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm phòng thí nghiệm Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh năm 2000. |
Một câu chuyện ấn tượng khác, là khoảng năm 2003, Bác Giáp vào Đồng Nai cho yên tĩnh, để có thời gian chuẩn bị cho cuộc hội thảo kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, rất hạn chế các cuộc giao tiếp thông thường. Hôm đó, có một bộ phận viết lịch sử của Quân đội gặp Bác để xin ý kiến về việc viết tổng kết lịch sử chiến tranh nhân dân. Sau khi nghe đoàn báo cáo, Bác Giáp lúc đó dù đang mệt, nhưng cũng gượng bảo lấy cho một tờ giấy trắng, rồi viết lên đó mấy chữ: Lịch sử chiến tranh nhân dân Việt Nam. Xong, Bác bảo: “Các chú nói, Bác đã nghe, đã biết rồi. Nhưng bây giờ các chú cần suy nghĩ theo hướng này: Những điều các chú đã viết, phần lớn là tổng kết được các lực lượng vũ trang tham gia vào chiến tranh nhân dân. Điều Bác muốn, là làm sao hình bóng của nhân dân phải được tô đậm, phải làm chủ đạo. Các chú chỉ mới làm cho người khác thấy được chữ trên nền của tờ giấy trắng, mà chưa làm cho mọi người thấy được tờ giấy trắng - ở đây, chính là nhân dân. Cho đến giờ phút này, những trang sử chính thống tuy đã khắc phục khuyết điểm, đã thấy được vai trò, hình bóng của nhân dân, nhưng chưa làm rõ được yếu tố đây là cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh của Việt Nam từ trước cho đến khi có Đảng lãnh đạo”.
Lâu nay, nói về tư duy của Võ Nguyên Giáp, người ta thường nói nhiều đến tư duy của nhà quân sự, lịch sử, quốc phòng, chưa thấy được tư duy về kinh tế của Bác. Lần đó, Bác Giáp đi thăm Công ty Fujitsu (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) - lúc đó được xem là doanh nghiệp rất hiện đại, làm ăn thành công, tiêu biểu cho việc thu hút vốn đầu tư của nước ngoài. Cuộc đón tiếp rất trang trọng, nhưng vui vẻ ấm tình. Ban giám đốc công ty cũng như các vị lãnh đạo tỉnh rất tự hào về nền công nghiệp với công nghệ hiện đại, luôn miệng giới thiệu. Bác Giáp chỉ tay về phía những công nhân của nhà máy vẫn đang làm việc, nhẹ nhàng nói: “Vấn đề phát triển hiện nay, các chú nói nhiều đến công nghiệp và công nghệ hiện đại. Nhưng công nghiệp và công nghệ có hiện đại mấy cũng không bằng nhân tố là đội ngũ công nhân, những người đang làm việc ở kia. Phải vươn đến đào tạo ra những công nhân hiện đại, có kỷ luật, lao động có năng suất cao”. Chỉ với một câu nói ngắn gọn như vậy, chúng tôi được đổi mới tư duy: nói đến công nghiệp, là phải nói đến “tam công”: công nghiệp - công nghệ - công nhân, trong đó yếu tố công nhân là chủ đạo. Từ đó trở đi, tôi luôn suy nghĩ nhiều về vấn đề này.
Những câu chuyện rất nhỏ, rất ngắn về Bác Giáp đều trở thành những bài học lớn, để lại ấn tượng không thể nào quên. Chính nó đã góp phần đổi mới tư duy cho những lãnh đạo địa phương như tôi. Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ vĩ đại ở lĩnh vực quân sự, quốc phòng, mà còn là người mở hướng về tư duy phát triển kinh tế. Cho đến giờ phút này Bác đã mất rồi, nhưng những bài học Bác để lại cho chúng tôi vẫn còn sâu sắc hơn bao giờ hết.
Huỳnh Văn Tới
Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy