Đại tướng Võ Nguyên Giáp về cõi vĩnh hằng, cả thế giới nghiêng mình tiếc thương vị anh hùng dân tộc của một nước nhỏ bé như Việt Nam. Kể cả những người từng là “đối thủ” trên chiến trường của Đại tướng cũng bày tỏ lòng kính phục, trân trọng nhắc lại những ký ức tốt đẹp về “vị tướng của hòa bình”.
Những ngày này, một điều kỳ diệu đang xảy ra…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp về cõi vĩnh hằng, cả thế giới nghiêng mình tiếc thương vị anh hùng dân tộc của một nước nhỏ bé như Việt Nam. Kể cả những người từng là “đối thủ” trên chiến trường của Đại tướng cũng bày tỏ lòng kính phục, trân trọng nhắc lại những ký ức tốt đẹp về “vị tướng của hòa bình”.
Trong nước, các tầng lớp nhân dân từ Bắc chí Nam, từ những cụ già xấp xỉ bách tuế đồng thời với Đại tướng cho đến thế hệ trẻ nghẹn ngào, đau đớn như mất đi người ruột thịt. Dòng người xếp dài dằng dặc suốt mấy dãy phố, kiên nhẫn chờ nhiều tiếng đồng hồ chỉ đợi đến lượt mình được vào viếng Đại tướng lần cuối, trong đó có cả những người chưa bao giờ được một lần gặp Người. Văn hóa xếp hàng những tưởng đã bị “đẩy lùi” bởi giai đoạn bao cấp, người Việt Nam nói chung rất ngại việc xếp hàng để mua gì đó, từ thực phẩm cho đến vui chơi giải trí, nhưng ở đây, người dân đã tự xếp hàng một cách rất văn hóa, thậm chí có những người bị tàn tật vẫn không muốn được ưu tiên, cốt để bày tỏ lòng thành; người dân xung quanh thì tự nguyện tiếp tế lương thực cho người xếp hàng chờ viếng. Tại các tỉnh, thành phố, huyện, thị, nơi đâu cũng lập bàn thờ để người dân được thỏa lòng ngưỡng vọng với Đại tướng.
“Cái gì còn lại khi tất cả những cái khác bị quên đi, cái đó là văn hóa” (E.Heriôt). Đại tướng chính là giá trị văn hóa không chỉ cho gia đình, dòng tộc, quê hương bản quán, mà cho cả Việt Nam. Giống như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã trở thành biểu tượng để Việt Nam tự hào với thế giới, minh chứng rằng văn hóa của dân tộc đã được kết tinh, lan tỏa và trao truyền, kết nối. Đời người là hữu hạn, ngắn ngủi, chỉ là một khoảnh khắc trong dòng chảy bất tận của lịch sử, nhưng những giá trị để lại thì mãi mãi.
Vì sao Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành vị đại tướng của nhân dân, có sức sống trong lòng dân mãnh liệt đến như thế? Những người dân đến viếng Đại tướng đều nhận thấy một điều: nhà riêng của một vĩ nhân như Đại tướng lại rất bình dị, đơn giản, cuộc sống của Đại tướng cũng đạm bạc như bao người dân khác. Rõ ràng, giá trị làm nên tầm vóc vĩ đại của một con người không nằm ở vật chất như tiền bạc, cổ phiếu, địa ốc; không nằm ở địa vị, quyền uy vì nhiều năm nay Đại tướng đã không còn nắm giữ các chức vụ. Giá trị văn hóa của Đại tướng nằm ở tài năng, đức độ, ở trách nhiệm với đất nước, dân tộc, ở sự gần gũi với quần chúng nhân dân.
Tấm gương sáng hơn vạn lời nói. Từ tấm gương của Đại tướng, mỗi người tự rút bài học cho mình phải sống sao cho dân tin yêu, nhất là đối với các quan chức lãnh đạo. Nhưng điều không chỉ là cách sống của mỗi cá nhân, mà còn là chuyện lớn lao của cả dân tộc. Bác Hồ lúc còn sinh thời thường căn dặn: Phải biết rút kinh nghiệm từ lịch sử dân tộc, cán bộ sống trong lòng dân, được dân tin yêu, kính trọng thì đất nước phồn thịnh, nếu không, sẽ là hiểm họa, là cơ hội cho giặc ngoại xâm. Cán bộ tốt, được lòng dân là hồng phúc của đất nước, hạnh phúc của nhân dân...
Huỳnh Văn Tới
(Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)