Ông Võ Đại Hàm, 70 tuổi, người có hơn 30 năm trông coi Nhà lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp (tại thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) không giấu niềm xúc động trào dâng khi nghe tin Đại tướng qua đời.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp mặt thân mật các đại biểu Quốc hội dự Kỳ họp thứ ba (Quốc hội khóa IV) tại Hội trường Ba Đình (Hà Nội), ngày 20/2/1973. Ảnh: TTXVN |
Ông Võ Đại Hàm, 70 tuổi, người có hơn 30 năm trông coi Nhà lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp (tại thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) không giấu niềm xúc động trào dâng khi nghe tin Đại tướng qua đời.
Với ông, đây là nỗi buồn đau, xáo động tâm can. Nỗi buồn đau như cơn gió mạnh trong chốc lát lan nhanh khắp các làng quê ở huyện Lệ Thủy dù rằng tất cả đều biết lẽ đời sinh, lão, bệnh, tử là quy luật của tạo hóa, nhưng con tim không khỏi nhói đau...
Ngay từ sáng 5/10, đông đảo người dân ở huyện Lệ Thủy-quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về dâng nén tâm nhang lên bàn thờ nơi Nhà lưu niệm của Đại tướng. Đến đâu cũng thấy người dân nghẹn lòng nói với nhau thông tin Đại tướng qua đời dù rằng chẳng ai muốn đó là sự thật. Và những câu chuyện về Đại tướng như ùa về, khiến người dân thêm nghẹn lòng, tuôn trào nước mắt.
Bà Trần Thị Liên, 65 tuổi, ở xã Lộc Thủy khi biết thông tin Đại tướng từ trần đã tất tưởi đạp xe đến Nhà lưu niệm dù rằng sức khỏe của bà rất yếu. Bà vừa khóc nức nở vừa nói: Bác ơi, làm sao gặp bác bây giờ. Bao năm qua, lần nào bác về quê cũng ghé thăm bà con làng xóm, khuyên nhủ ân cần. Bác đi chúng con luôn nhớ bác.
[links(right)]Ông Nguyễn Tư Pháp, nguyên Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy, người nhiều lần được gặp Đại tướng vừa gặp chúng tôi cũng đã khóc. Sáng nay, ông Pháp mới nghe tin Đại tướng qua đời nên ông đang thấp thỏm chờ con đến chở về Nhà lưu niệm của Đại tướng để gặp gỡ mọi người, chia sẻ buồn đau và thắp nén tâm nhang vĩnh biệt Đại tướng. Ông Pháp bảo, nếu như ông còn đi được, chắc ông đã chạy về đó lâu rồi. Ông nói vậy bởi ông vừa bị tai biến, việc đi lại rất khó khăn.
Ông Pháp kể, trong cuộc đời công tác, ông thấy mình quá may mắn vì được nhiều lần gặp gỡ và nghe Đại tướng góp ý trong việc lãnh đạo xây dựng phát triển quê hương.
Lần gặp nào, Đại tướng cũng ân cần hỏi han chuyện học hành của các cháu thiếu nhi, hỏi nông dân Lệ Thủy quê mình trồng cây thế nào, sản xuất ra sao và có tiến bộ không? Đại tướng quan tâm, ân cần chỉ bảo từng việc mà Đảng bộ huyện làm chưa tốt, nông dân làm chưa hay; Ủy ban nhân dân huyện còn chưa làm được như việc giải phóng hàng quán, vệ sinh môi trường trả lại nét đẹp tự nhiên cho sông Kiến Giang. Đại tướng là người nặng lòng với quê hương.
Cũng chính sự quan tâm nhắc nhở này mà mọi công việc của huyện được làm tốt hơn và những việc ấy người dân ở quê hương Lệ Thủy bảo rằng đó là dấu ấn của Đại tướng.
Đơn cử như chuyện giải phóng hàng quán bên sông Kiến Giang, bao năm huyện muốn làm mà làm chẳng được nhưng khi nghe tin Đại tướng có gửi thư động viên là người dân đã nghiêm túc thực hiện mà không có bất kỳ một đòi hỏi nào, cũng nhờ vậy chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng đầu năm 2003, 263 hàng quán của người dân dọc hai bên bờ sông đã được giải tỏa, vẻ thơ mộng và đẹp đẽ của dòng sông Kiến Giang cũng được trả lại như thuở ban đầu....
Khác với mọi người khi đến dâng hương, sẻ chia đau buồn tại Nhà lưu niệm, bà Võ Thị Lài, 76 tuổi, ở đội 3, xã Lộc Thủy còn cầm trên tay cả tấm bưu ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bà khóc không thành tiếng, tiếng nấc nghẹn lòng của người già vừa xót xa vừa tức tưởi khiến nhiều người có mặt bất chợt khóc theo.
Bà nói như hờn trách, sao sự ra đi của Đại tướng đường đột, chẳng lời báo trước. Bao năm qua, lần nào Đại tướng về quê, con trẻ thì được tặng quà, người lớn được hỏi han sức khỏe, được bày vẽ chuyện làm ăn sản xuất.
Cũng mới đây thôi, Đại tướng và gia đình còn gửi lời động viên bà con trong xã tích cực phòng chống con bão số 10 để giảm thấp nhất thiệt hại. Lời nhắn nhủ mới đến hôm qua, sao hôm nay bác vội ra đi - bà Lài nghẹn ngào. Với tấm lòng quý trọng của mình, bà bày tỏ ý nguyện sẽ lập bàn thờ Đại tướng tại nhà riêng để sớm hôm được hương khói tưởng nhớ người.
Không chỉ người dân Lệ Thủy mà nhiều bà con, cô bác ở các làng quê khác biết tin Đại tướng qua đời đã về Lệ Thủy - quê hương Đại tướng để chia sẻ niềm tiếc thương.
Anh Nguyễn Xuân Tân, Chánh văn phòng Tập đoàn Trường Thịnh dù đang công tác ở thành phố Đồng Hới - Quảng Bình, nhưng khi biết tin Đại tướng từ trần đã về ngay huyện Lệ Thủy, đến Nhà lưu niệm dâng hương.
Anh Tân tâm sự: "Với Đại tướng, thế hệ trẻ chúng tôi luôn kính yêu. Người là vị tướng thiên tài, là học trò xuất sắc của Bác Hồ. Đại tướng là người Việt Nam thuộc về toàn thế giới. Với tấm lòng của một người con, người cháu, tôi đến đây để được thắp nén tâm hương, bày tỏ tất cả sự thành kính, quý trọng của mình".
Trong tâm trạng buồn đau, ông Võ Đại Hàm kể: Ông nghe hung tin từ Hà Nội điện vào từ chiều hôm qua. Ông không muốn khóc để tập trung cho công việc lo hậu sự mà không làm được. Lại thêm nhiều người điện đến để hỏi thăm, càng làm cho ông rối bời tâm can.
Cả đêm qua, ông không tài nào chợp mắt được với bao kỷ niệm buồn vui. Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Hàm là cháu thúc bá. Năm 1987, thể theo yêu cầu của dòng họ, lúc đó ông Hàm đang công tác ở Hà Nội đã về quê hương để lo việc trông coi hương hỏa và nhà lưu niệm cho Đại tướng.
Trong những ngày qua, nhân dân huyện Lệ Thủy đang khẩn trương khắc phục hậu quả của cơn bão số 10. Đây là cơn bão được đánh giá khủng khiếp nhất trong 30 năm qua ở vùng đất này.
Tuy nhiên, đó là cơn bão tự nhiên rồi sẽ sớm được khắc phục. Nhưng việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi là cơn bão lòng, xáo động tinh thần người dân Lệ Thủy nói riêng và cả nước nói chung. Người dân nghẹn lòng trước sự ra đi mãi mãi của Đại tướng - người con của quê hương Lệ Thủy./.
(TTXVN)