…Việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.
…Việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Đây cũng là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo và tín ngưỡng… Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền với số phiếu cao nhất cũng thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước ta trên trường quốc tế.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vy Văn Vũ. |
Hôm nay, trong không khí hân hoan của cả nước, chúng ta tụ họp về đây để bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân tỉnh Đồng Nai trước sự kiện chính trị quan trọng này.
* Đảm bảo và phát triển quyền con người
Vào tháng 9-1945, ngay từ khi mới giành được độc lập dân tộc, chấm dứt 100 năm đô hộ của thực dân Pháp, trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố với quốc dân và thế giới rằng Việt Nam thành lập nền dân chủ, khẳng định những khát vọng của nhân dân Việt Nam, đồng thời khẳng định độc lập dân tộc, tự do của nhân dân là điều kiện để đảm bảo và phát triển quyền con người, không chỉ riêng ở Việt Nam. Từ những giá trị nhân văn hết sức to lớn trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cộng hòa Pháp, Hồ Chủ Tịch - người khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa còn suy rộng ra một chân lý lớn của thời đại. Đó là: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946 cũng đã hiến định quyền cơ bản con người trong 7 điều, từ Điều 10 đến Điều 16 (trước khi có bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Liên hiệp quốc ngày 10-12-1948).
Từ đó đến nay, dù phải trải qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc đầy hy sinh, mất mát, nhưng Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và đề cao quyền con người, lấy con người làm mục tiêu của sự phát triển kinh tế - xã hội và của cả sự nghiệp cách mạng.
Trước khi trở thành thành viên của Liên hiệp quốc (20-9-1977), Việt Nam đã tự nguyện gia nhập nhiều công ước về luật nhân đạo quốc tế, như: Công ước Geneva về bảo vệ thường dân trong chiến tranh; Công ước Geneva về đối xử với tù nhân trong chiến tranh… Đến năm 1982, Việt Nam gia nhập hai công ước quốc tế cơ bản về con người, đó là Công ước quốc tế về các quyền nhân sự, chính trị và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.
Đối với Đảng và Nhà nước Việt Nam, tôn trọng và bảo vệ quyền con người là bản chất của xã hội xã hội chủ nghĩa. Việc nâng cao sự hưởng thụ các quyền con người của người dân là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước. Điều này không tùy thuộc vào áp lực chính trị, kinh tế của bất cứ lực lượng chính trị nào. Trong các Cương lĩnh xây dựng đất nước (năm 1991 và bổ sung năm 2011), Đảng Cộng sản Việt Nam đều khẳng định: Chế độ ta là chế độ do nhân dân làm chủ, Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do nhân dân và vì nhân dân. Các quyền và tự do cơ bản của mọi người được Nhà nước tôn trọng và bảo vệ.
Hơn 30 năm qua, kể từ khi Việt Nam gia nhập các công ước quốc tế và nhân quyền, Việt Nam đã nội luật hóa các công ước đó, như: Luật Bảo vệ sức khỏe người dân, Luật Giáo dục, Luật Đất đai, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống tham nhũng v.v… Nếu như trong Hiến pháp 1992, quyền con người chỉ được quy định trong một điều (Điều 50) và được đặt ở Chương V thì trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp vừa thông qua Quốc hội sáng hôm qua với 486/488 đại biểu tán thành, đạt tỷ lệ 97,59% quy định về quyền con người được đặt ở Chương II, hình thành Chương: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, được đặt ngay sau Chương I: Về chế độ chính trị. Điều này không chỉ thể hiện rõ nhận thức của Nhà nước ta về tầm quan trọng của việc tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân mà còn thể hiện khả năng tiếp thu và phát huy những thành quả sự phát triển của quyền con người của cộng đồng quốc tế.
* Mọi thành tựu của đất nước đều hướng tới người dân
Trên thực tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, trong đó có việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ và bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người dân. Trong nhiều năm qua, mọi thành tựu của đất nước đều hướng tới người dân. Thậm chí, phát triển kinh tế có lúc gặp khó khăn, thách thức nhưng việc thực hiện các mục tiêu phát triển của Liên hiệp quốc luôn được thực hiện tích cực, mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Điều đó giải thích vì sao Việt Nam - một quốc gia vừa thoát khỏi chiến tranh, nền kinh tế còn nghèo nàn, lạc hậu, nhưng đã “cán đích sớm” các mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) của Liên hiệp quốc. Trong đó, có hai mục tiêu quan trọng Việt Nam đã hoàn thành từ năm 2000 là: “Xóa bỏ tình trạng nghèo nàn cùng cực” và “Phổ cập giáo dục tiểu học”.
Trong việc thực hiện Công ước về các quyền dân sự, chính trị, Việt Nam luôn đảm bảo thực thi một cách nghiêm túc và hiệu quả. Ngoài Luật Báo chí, khẳng định quyền ngôn luận của người dân, Nhà nước ban hành nhiều văn bản tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí (...)
Trên lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng, có thể khẳng định trong lịch sử Việt Nam chưa bao giờ các tôn giáo được đối xử công bằng, bình đẳng và phát triển tự do dưới chế độ ta. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Tôn giáo, tín ngưỡng là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong cả nước riêng 6 tôn giáo lớn, số tín đồ lên tới hơn 20 triệu người (chiếm khoảng 26% dân số). Tại tỉnh Đồng Nai, tỷ lệ này còn cao hơn. Hiện nay, tỷ lệ tăng tín đồ tương tự như tỷ lệ tăng dân số. Hàng trăm nghìn chức sắc các tôn giáo, với hơn hai vạn cơ sở thờ tự đang hoạt động một cách bình thường. Pháp luật và chính sách của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đảm bảo cho các tôn giáo hoạt động theo đúng giáo luật, từ việc xây mới, sửa chữa cơ sở thờ tự đến việc đào tạo nhân lực, phát triển tín đồ, đồng hành cùng các phong trào yêu nước trong lòng dân tộc. Điều đó hoàn toàn trái ngược với sự xuyên tạc, vu cáo cho rằng ở Việt Nam không có tự do tôn giáo và tự do báo chí.
Với tinh thần đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, Việt Nam sẽ tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm đóng góp vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Nước ta cũng sẽ có điều kiện đề cao quan điểm, lập trường, chính sách, luật pháp, chia sẻ các thành công của mình trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp, tôn trọng và bảo đảm các quyền con người về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị và dân sự. Những kết quả tích cực về xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội, thực hiện tốt các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc. Đồng thời, phản bác các thông tin và luận điểm sai trái về tình hình dân chủ, nhân quyền.
Nhiệm vụ vẻ vang đó chỉ có thể hoàn thành tốt đẹp khi có sự đoàn kết, nhất trí và quyết tâm chính trị cao của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, ở mọi lực lượng, tầng lớp xã hội trên cả đất nước Việt Nam.
Vì thế, trong buổi lễ này, một lần nữa, chúng ta biểu thị niềm vui mừng, phấn khởi trước sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu to lớn của Việt Nam trong việc đảm bảo thực hiện tốt các quyền con người. Đồng thời, với niềm tin tưởng to lớn về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, chắc chắn rằng vấn đề quyền con người sẽ được chúng ta bảo đảm thực hiện tốt hơn nữa, và đây sẽ là một trong những động lực để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Giám mục Đinh Đức Đạo, Giám mục phụ tá Giáo phận Xuân Lộc: Khơi lên sức mạnh tình yêu trong lòng mọi người Trong buổi mít tinh chào mừng sự kiện Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, nhiệm kỳ 2014 - 2016, chúng ta thấy sự hiện diện đông đảo của các vị trong chính quyền, các vị đại diện các tôn giáo và dân chúng thuộc nhiều thành phần. Điều này nói lên sự quan tâm của mọi người về nhân quyền và cũng nói lên niềm vui trước sự kiện. Tôi xin chúc mừng tất cả quý vị, nhất là quý vị trong chính quyền về sự kiện này, tức là ngày 12-11 vừa qua, Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc với số phiếu rất cao: 184 trên tổng số 192 phiếu. Chúng ta phải vui mừng vì đây là một vinh dự lớn lao, không phải chỉ vì Việt Nam được các quốc gia trên thế giới biết và tín nhiệm, nhưng còn vì đây là cơ hội quý báu cho nước Việt Nam chúng ta cộng tác với thế giới để cổ vũ và trợ giúp các cố gắng kiến tạo điều kiện cần thiết và thuận lợi để mọi người thực hiện sứ mệnh làm người của mình. Chúng ta hãnh diện được góp phần vào công trình lớn lao này. Trong dịp này, tôi muốn có lời cám ơn chính quyền các cấp của tỉnh Đồng Nai, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc sống đạo của bà con giáo dân Công giáo. Khi đi thăm viếng mục vụ các giáo xứ, trong các bài phát biểu cám ơn, tôi luôn thấy vị đại diện ngỏ lời cám ơn chính quyền các cấp tại địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho buổi lễ được diễn ra tốt đẹp. Tôi tin tưởng là với tinh thần đối thoại cởi mở của chính quyền các cấp, chắc chắn đời sống tôn giáo trong tỉnh Đồng Nai chúng ta sẽ còn tốt đẹp hơn nữa. Tiếp theo dòng suy tư, tôi xin được gợi lên vài ý tưởng để suy nghĩ. Theo giáo huấn của Chúa Giêsu, giá trị của các hành động tùy thuộc vào cái tâm, cái hồn của con người (x. Mt 15,10-20; Mc 7,14-23; Lc 6,43-45). Vì vậy, trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền và tôn trọng nhân quyền, trong đó có quyền tự do tôn giáo, cần phải để ý đến việc thanh luyện và xây đắp con tim, mà trong con tim của mỗi người thì yếu tố trọng tâm của tất cả là tình thương yêu. Trong văn hóa Việt Nam, tình thương yêu được diễn tả qua những câu nói nơi cửa miệng mỗi người: “Sống sao cho có tình, có nghĩa”; “tình làng, nghĩa xóm”; “lá lành đùm lá rách”. Về phía tôn giáo, bằng cách này hay cách khác, các tôn giáo đều nói đến tình yêu thương. Trong đạo Công giáo, tất cả mọi giới răn, mọi lệnh truyền chỉ tóm lại trong giới răn yêu thương: mến Chúa và yêu người. Kinh 10 điều răn Đức Chúa Trời mà người Công giáo nào cũng thuộc lòng, kết bằng câu: “Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau là yêu người như mình ta vậy. Amen”. Khi một người thương yêu ai thì kính trọng người ấy, cũng như quyền lợi của người ấy, mà hơn nữa, còn sẵn sàng hy sinh và chịu thiệt thòi mọi điều để người ấy được thăng tiến và hạnh phúc. Chẳng hạn, tình yêu của cha mẹ đối với con cái. Tình yêu đích thực thì thương yêu mọi người, vì bản tính của tình yêu là yêu. Đối với người Công giáo, theo lời dạy của Chúa Giêsu, tình yêu thì phổ quát, bao trùm mọi người, kể cả những người không thích mình (x. Mt 5,43-48). Như vậy, công cuộc xây dựng và bảo vệ nhân quyền phải có nỗ lực khơi lên sức mạnh tình yêu trong lòng mọi người. Ai muốn xây đắp và bảo vệ nhân quyền, phải học sống yêu thương: yêu thương hết mọi người. Điều này cần thiết và có thể làm được, vì đây là sức mạnh nguyên thủy và là đặc trưng của con người. * Hòa thượng Thích Nhật Quang, Phó ban trị sự Phật giáo Đồng Nai: Chung sức chung lòng gìn giữ đạo pháp và xây dựng đất nước …Nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình và các giá trị nhân văn, cởi mở nhưng chắt lọc với sự đa dạng và dung hợp trong tiếp nhận giá trị từ bên ngoài. Tư tưởng nhân quyền ở Việt Nam bắt nguồn từ tinh thần nhân đạo. Điều này đã tồn tại từ rất lâu trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Xét trên góc độ tôn giáo, nhân quyền tại Việt Nam hiện nay được thể hiện rõ nét qua Hiến pháp quy định: Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của nhà nước. Nhà nước Việt Nam nhìn nhận tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu chính đáng của con người và không ngừng phấn đấu đảm bảo đời sống tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân. Chúng ta thấy rõ, trong thời kỳ phát triển và hội nhập của đất nước hiện nay, tuy nhà nước và nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế, song các cơ sở thờ tự của các tôn giáo đều được xây dựng, chỉnh trang ngày càng tốt đẹp hơn xưa. Nhiều sinh hoạt tôn giáo được tổ chức trọng thể, dưới sự quan tâm giúp đỡ và bảo hộ của chánh quyền, như: Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc Vesak 2008 diễn ra tại Hà Nội thật quy mô hoành tráng và sắp tới Việt Nam được đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak 2014. Bộ Ngoại giao nước ta nêu rõ: Với mong muốn tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước, cũng như giữa phật tử Việt Nam với phật tử các nước trong khu vực và trên thế giới, vì hòa bình, dân chủ, hợp tác, phát triển và tiến bộ xã hội, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chấp thuận để Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc năm 2014. Nhà nước Việt Nam sẽ hỗ trợ Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong thời gian diễn ra đại lễ. Có thể nói, đạo pháp và dân tộc Việt Nam cùng chung một nhịp sống, đồng hành những bước thăng trầm trong suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn năm văn hiến, hòa quyện. Đây chính là bản sắc yêu nước quý báu của những nhà tu Phật chân chánh và là niềm tự hào của Phật giáo nước nhà. Phải chăng đặc điểm này đã phản ánh rõ nét tính nhân quyền của Việt Nam trong mạch sống lịch sử của dân tộc. Các tổ chức tôn giáo ở nước ta đã và đang cùng chủ động tích cực tham gia nhiều hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, từ thiện xã hội, nhân đạo… góp phần cải thiện cuộc sống vật chất cũng như tinh thần cho đồng bào mình rất đáng kể. Qua đó, chúng ta càng tăng thêm nhiều hy vọng về sự phát triển đời sống đạo đức và tiềm năng làm giàu thêm đời sống tâm linh của dân tộc Việt trong thời kỳ hiện đại. Tất nhiên, sự đóng góp của các đoàn thể tôn giáo là rất cần thiết trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và phát triển chung của đất nước, chúng tôi rất tin tưởng sự gắn bó, quan tâm và giúp đỡ của các cấp chánh quyền đối với đạo pháp và dân tộc. Chúng ta mãi mãi là những tế bào trong một thân thể mẹ Việt Nam, tương quan, gắn kết và bảo vệ nhau là điều hiển nhiên, là một cấu trúc bất khả phân ly, một sự thật hiển nhiên của những người con đất Việt, nguyện chung sức chung lòng gìn giữ đạo pháp và xây dựng đất nước, quê hương trong trái tim và nhịp sống của mỗi nhà tu hành và phật tử chân chính. * Em Cao Thụy Bích Phượng, đại diện thiếu nhi tỉnh Đồng Nai: Quan tâm thực hiện Quyền trẻ em Mặc dù Việt Nam đã trải qua những cuộc chiến tranh ngoại xâm tàn khốc và là một đất nước vừa thoát khỏi cảnh đói nghèo, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn khó khăn nhưng chúng em luôn là đối tượng được quan tâm chăm sóc đặc biệt, luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam dành cho những gì tốt đẹp nhất. Chúng em có quyền được khai sinh và có quốc tịch; có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức; có quyền được sống chung với cha mẹ; quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự; quyền được chăm sóc sức khỏe; quyền được học tập; quyền vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục - thể thao, du lịch; quyền được phát triển năng khiếu; quyền có tài sản; quyền được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến và tham gia hoạt động xã hội. Qua báo chí chúng em được biết: Khi là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, Việt Nam sẽ có tiếng nói rất quan trọng trong việc cho thế giới hiểu rõ hơn về quyền con người ở mỗi quốc gia được thể hiện như thế nào và đặc biệt là để thế giới hiểu rõ hơn về quyền con người ở Việt Nam, từ đó họ có nhận thức, có cách nhìn đúng về quyền con người ở Việt Nam. Thực hiện bổn phận của trẻ em Việt Nam mà Bác Hồ đã dạy: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; học tập tốt, lao động tốt; đoàn kết tốt, kỷ luật tốt; giữ gìn vệ sinh thật tốt; khiêm tốn - thật thà - dũng cảm”, chúng em xin hứa sẽ luôn chăm ngoan và học thật giỏi để góp phần xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. |
(*) Tiêu đề và các tít phụ do Báo Đồng Nai đặt.