Báo Đồng Nai điện tử
En

Tình hình khiếu nại, tố cáo: Đã hạ nhưng chưa hết "nóng"

10:12, 01/12/2013

Trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, đơn thư tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực đất đai. Có thể nói, ở đâu triển khai dự án liên quan đến đất đai là ở đó nảy sinh tình trạng khiếu nại.

Trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, đơn thư tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực đất đai. Có thể nói, ở đâu triển khai dự án liên quan đến đất đai là ở đó nảy sinh tình trạng khiếu nại.

Ông Huỳnh Văn Hồng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cho biết, thời gian gần đây tình hình khiếu nại, tố cáo có phần giảm về số lượt. Theo đó, năm 2012 còn hơn 9 ngàn lượt người đến các cơ quan tiếp dân để khiếu nại, tố cáo; 6 tháng đầu năm 2013 còn hơn 4 ngàn lượt người. Tuy nhiên, tính chất các vụ việc khiếu nại, tố cáo vẫn tiềm ẩn yếu tố phức tạp.

Quy trình đang bị làm ngược

Có đến 70% đơn thư khiếu nại, tố cáo tập trung vào lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Ông Đào Văn Minh, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Long Thành, cho rằng công tác đền bù, giải tỏa, tái định cư đang bị làm theo quy trình ngược. Lẽ ra phải tổ chức được khu tái định cư rồi mới tiến hành xây dựng công trình, tức là phải ổn định cuộc sống cho dân trước. Đằng này, cứ lo công trình trước, ổn định cuộc sống của người dân sau. Cụ thể ở dự án quốc lộ 51, nhà đầu tư được giao 64 hécta đất để tái định cư cho dân, đến nay công trình được thi công gần xong vẫn chưa động thổ được khu tái định cư.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Lê Hồng Phương cho rằng, khiếu nại, tố cáo phụ thuộc vào cách hành xử của cấp có thẩm quyền. Phải dứt khoát tổ chức được tái định cư thì mới thu hồi đất. Cán bộ, công chức cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong giải quyết công việc cho dân.

Theo ông Lê Kim Bằng, Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom, chủ trương của Nhà nước đề ra khi tái định cư cho dân phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Song trong thực tế, chủ trương này chưa được thực hiện. Như tại công trình đường tránh TP.Biên Hòa, một số người dân ở xã Bình Minh trước đây sống ở hai bên mặt tiền quốc lộ rất thuận lợi buôn bán, kinh doanh, nay phải dời đến nơi ở mới nằm kế đường rầy xe lửa, cách xa chợ, trường học, trạm y tế...

Ông Đặng Minh Đức, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, nhận định 5 năm qua (2008-2013) địa phương triển khai nhiều chương trình, dự án của Trung ương, tỉnh và huyện. Một bộ phận nhân dân chưa đồng tình với việc thu hồi đất của Nhà nước, từ đó xuất hiện khiếu nại, tập trung chủ yếu ở khâu bồi thường. Chính sách về bồi thường lại thường xuyên bị thay đổi, lần sau ưu việt hơn lần trước, vô tình tạo kẽ hở cho những trường hợp chây ỳ, gây thiệt thòi cho những người nhận đền bù trước.

Làm “mát” ngay từ khâu tiếp dân

Ông Nguyễn Minh Nhật, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Xuân Lộc, nhìn nhận cũng có nguyên nhân do cán bộ gây phiền hà, giải quyết chậm, không đến nơi đến chốn cho dân nên dẫn đến khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về đất đai chưa tốt, đặc biệt trong quản lý sử dụng đất công.

Bên cạnh đó, một số nông trường, đơn vị quân đội được Nhà nước giao đất quản lý nhưng lại để người dân lấn chiếm sử dụng, xây dựng trái phép, nay thực hiện thu hồi thì người dân không đồng ý di dời, hoặc khiếu nại đòi bồi thường. Ngoài ra, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cơ quan có thẩm quyền bị sai sót, như: cấp giấy không đúng tên chủ sử dụng, sai sơ đồ thửa đất, diện tích... từ đó cũng làm phát sinh khiếu kiện. Vì thế, phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục người dân trong diện phải thu hồi đất, tạo sự đồng thuận để người dân tự nguyện chấp hành.

Theo ông Lưu Tam Thanh, Trưởng phòng Khiếu tố Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, hiện nay người dân khiếu nại, tố cáo tràn lan, rất phức tạp. Nội dung khiếu nại, tố cáo lẫn lộn, không xác định được thẩm quyền giải quyết thuộc về cấp nào nên một nội dung được gửi đi khắp nơi. Ông Thanh cho rằng, để hạn chế khiếu nại, tố cáo phải coi trọng công tác tiếp dân. Khi người dân đi khiếu nại, tố cáo thường có tâm trạng bức xúc, nếu được cán bộ tiếp dân am hiểu rộng rãi, có kiến thức pháp luật, có đạo đức, tác phong, tư cách có thể xoa dịu được tình hình, giúp người dân nhận biết vấn đề. Do vậy, lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cần chú trọng công tác tiếp dân.

Phương Hằng

 
 

Tin xem nhiều