Báo Đồng Nai điện tử
En

Từ chỉ đạo của Thủ tướng đến việc nâng cao chất và lượng nông thôn mới ở Đồng Nai

10:09, 27/09/2015

Ngày 24-1, tại lễ đón nhận danh hiệu nông thôn mới của 2 địa phương cấp huyện đầu tiên trong cả nước là huyện Xuân Lộc và TX.Long Khánh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: "Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trước hết phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, vì Việt Nam có hơn 80% diện tích đất nông nghiệp với 70% dân số ở nông thôn".

Ngày 24-1, tại lễ đón nhận danh hiệu nông thôn mới của 2 địa phương cấp huyện đầu tiên trong cả nước là huyện Xuân Lộc và TX.Long Khánh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trước hết phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, vì Việt Nam có hơn 80% diện tích đất nông nghiệp với 70% dân số ở nông thôn”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao bằng công nhận và khen thưởng TX.Long Khánh, huyện Xuân Lộc - 2 đơn vị đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Công Nghĩa
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao bằng công nhận và khen thưởng TX.Long Khánh, huyện Xuân Lộc - 2 đơn vị đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Công Nghĩa

Thủ tướng cũng chỉ đạo, Đồng Nai cần tiếp tục nâng cao các tiêu chí, chỉ tiêu về nông thôn mới; đưa khoa học - công nghệ đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, vì đây là yếu tố hàng đầu để phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững; khuyến khích mô hình liên kết giữa sản xuất, bao tiêu đảm bảo đầu ra cho nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp; chủ động huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, xã hội, người dân.

Nâng về chất, mở về lượng

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, đến nay phong trào xây dựng nông thôn mới trong toàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc, phát triển ba chiều: diện rộng (số lượng), tầm cao (đầu tư mới) và chiều sâu (chất lượng). Nếu như đầu năm 2015, toàn tỉnh có 52 xã/136 xã điểm được công nhận đạt chuẩn nông thôn, thì đến giữa năm đã có thêm 11 xã được xét duyệt công nhận (đạt tỷ lệ 46,3%); có thêm huyện Thống Nhất đã hoàn thành việc lập hồ sơ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và đang được Trung ương thẩm định theo quy trình. Huyện Long Thành cũng đang tiếp cận các chuẩn của đơn vị cấp huyện nối bước tiếp theo.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm vườn ổi theo quy trình an toàn VietGAP tại xã Bảo Quang, TX.Long Khánh. Ảnh: Vân Nam
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm vườn ổi theo quy trình an toàn VietGAP tại xã Bảo Quang, TX.Long Khánh. Ảnh: Vân Nam

Những đơn vị đã được công nhận nông thôn mới, rồi sao nữa? Đồng Nai đã ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao với các nội dung tập trung nâng chất lượng trong các tiêu chí nông thôn mới, nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống ngày càng cao của cư dân vùng nông thôn, đồng thời làm cơ sở cho các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục giữ vững, duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt, đảm bảo tính bền vững, thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới ở trình độ, chất lượng cao hơn.

Bộ tiêu chí nâng cao của Đồng Nai hiện nay có 18 tiêu chí, 38 chỉ tiêu, trong đó các chỉ tiêu mới có mức độ yêu cầu cao hơn. Như với các cấp đường trục xóm, ấp, theo tiêu chí mới phải nhựa hóa 100% (trước đây chỉ yêu cầu cứng hóa); trường học phải đạt chuẩn quốc gia (trước  đây chỉ yêu cầu đạt chuẩn về cơ sở vật chất); tỷ lệ hộ nghèo yêu cầu phải thấp hơn 1% (trước đây dưới 3%)…

Tăng cường liên kết và ứng dụng khoa học - kỹ thuật

Từ đầu năm đến nay, nông dân lẫn doanh nghiệp càng có sự chủ động ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, tăng cường liên kết giữa sản xuất và bao tiêu đầu ra nông sản để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã và đang ký kết các hiệp định thương mại (FTA). Vai trò của doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn được đề cao, có nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự tham gia của nông dân. Vừa trở về từ Hội chợ triển lãm thiết bị chăn nuôi tại Hàn Quốc, ông Lâm Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc), phấn khởi cho biết đã đặt hàng các loại máy móc hiện đại phục vụ trồng bắp, như: máy xới, trỉa hạt, máy phun thuốc, máy thu hoạch bắp và thân (làm thức ăn gia súc) có công suất 3 hécta/giờ. Mục tiêu của Công ty TNHH sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức là liên kết với nông dân thành lập những cánh đồng mẫu lớn hécta trồng bắp làm thức ăn chăn nuôi, ứng dụng máy móc hiện đại nhằm giảm công lao động, giảm tổn thất sau thu hoạch, tận thu sản phẩm phụ từ đó giảm giá thành, không chỉ nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn giảm được lượng bắp phải nhập khẩu. Bắp sản xuất tại chỗ sẽ được chế biến thành thức ăn chăn nuôi cho khoảng 1 triệu con gà của công ty, phân gà cũng được tận dụng chế biến thành phân hữu cơ bón cho cây bắp, tạo thành chuỗi sản xuất khép kín có lợi cho nông dân.

Câu chuyện này không chỉ riêng của Công ty TNHH sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức, mà nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã chủ động kết nối với nông dân hoặc các hợp tác xã hình thành mô hình liên kết sản xuất - kinh doanh, như Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa, huyện Định Quán) đầu tư giống, phân bón, kỹ thuật, đồng thời bao tiêu sản phẩm cho nông dân trong tỉnh. Nhiều địa phương, doanh nghiệp đã chú trọng xây dựng thương hiệu cho nông sản Đồng Nai. Tháng 6-2015, Bộ Nông - lâm - thủy sản Nhật Bản đã cấp phép cho trái xoài sản xuất tại huyện Xuân Lộc được nhập khẩu vào thị trường nước này, mở ra nhiều cơ hội cho các loại trái cây Đồng Nai “ra biển lớn”.

Để phát huy tiềm lực của nông dân và doanh nghiệp, Đồng Nai đã có nhiều chính sách hỗ trợ, như Quyết định 74 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó ưu đãi về đất đai, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường, ứng dụng khoa học - công nghệ; hỗ trợ đầu tư chăn nuôi gia súc, giết mổ gia cầm, chế biến và bảo quản nông sản… Ông Nguyễn Huy Trinh, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp - phát triển nông thôn chi nhánh Đồng Nai, cho biết dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện ngày càng tăng, chiếm tỷ trọng khoảng 86%, trong đó chủ yếu là cho vay đầu tư chăn nuôi theo mô hình trang trại với quy mô lớn. 

Bộ tiêu chí nâng cao của Đồng Nai còn có các chỉ tiêu bổ sung nhằm hướng đến việc phát triển bền vững và đặc biệt chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, như: các chỉ tiêu về thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất, tỷ lệ hộ sản xuất - kinh doanh tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã; có mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Sở Văn hóa - thể thao và du lịch cũng đang nghiên cứu để đề xuất một số tiêu chí về văn hóa bổ sung cho Bộ tiêu chí nâng cao. Mục tiêu phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai, đến năm 2020, toàn tỉnh có 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 15% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 80% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Hà Lam

 

 
 

 

 

 

 

Tin xem nhiều