Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyển dịch nhanh, bền vững cơ cấu ngành công nghiệp (Bài cuối)

11:09, 25/09/2015

Ngay từ giai đoạn khởi điểm thu hút đầu tư ở thập niên 90 của thế kỷ trước, Đồng Nai đã nhanh chóng trở thành địa phương nằm ở nhóm dẫn đầu cả nước trong thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Ngay từ giai đoạn khởi điểm thu hút đầu tư ở thập niên 90 của thế kỷ trước, Đồng Nai đã nhanh chóng trở thành địa phương nằm ở nhóm dẫn đầu cả nước trong thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Trong 5 năm qua, từ nền tảng của Quyết định 2048 do UBND tỉnh ban hành, thu hút đầu tư nói riêng, phát triển công nghiệp nói chung đã chuyển động mạnh mẽ theo hướng nhanh, sạch và bền vững, dù giai đoạn 2011-2015 được xem là những năm đỉnh điểm khó khăn của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Sản xuất thiết bị máy móc tại Công ty TNHH Inoue Việt Nam tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Long Thành).
Sản xuất thiết bị máy móc tại Công ty TNHH Inoue Việt Nam tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Long Thành).

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, hiện có 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai với 1.153 dự án, tổng vốn đầu tư trên 22,7 tỷ USD; trong đó, có 5 quốc gia và vùng lãnh thổ có số vốn đầu tư trên 1 tỷ USD là: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Quần đảo Virgin thuộc Anh và Đài Loan (Trung Quốc).

* Thu hút đầu tư dẫn đầu

Trong những năm qua, nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đã chọn Đồng Nai là điểm đến để đầu tư các dự án lên đến hàng trăm triệu USD. Đồng Nai đang là khu vực có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp. Ngay từ những năm đầu phát triển công nghiệp, Đồng Nai cũng là một trong số ít địa phương thu hút được nhiều dự án có quy mô vốn trên 100 triệu USD, như: Formosa, Vedan (Đài Loan), Hualon (Malaysia và Đài Loan), Fujitsu (Nhật Bản)... Trong giai đoạn 2011-2015, các tập đoàn CJ, Hyosung (Hàn Quốc), Amata (Thái Lan), Forval (Nhật Bản). Bên cạnh đó, không ít tập đoàn từ Hoa Kỳ, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Dubai... cũng đã đầu tư hoặc đến tìm hiểu chính sách, ngành nghề với dự kiến sẽ đầu tư vào tỉnh.[links(right)]

Dự án lớn nhất từ đầu năm 2014 đến nay là của Tập đoàn Hyosung với tổng vốn 660 triệu USD để xây dựng nhà máy sợi, dệt tại huyện Nhơn Trạch. Tập đoàn Hyosung sau khi thành công với nhà máy sản xuất sợi, dệt tại Đồng Nai đã quyết định đầu tư thêm nhà máy với số vốn đăng ký 660 triệu USD để hưởng các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và đón đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp ký kết. Tiếp đến là dự án Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành 282 triệu USD của Tập đoàn Amata. Tập đoàn Kenda (Đài Loan) cũng đang tiến hành các thủ tục thuê đất để đầu tư thêm một nhà máy sản xuất tại huyện Trảng Bom. Dự kiến vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD, nhà máy chuyên sản xuất vỏ xe ô tô, xe máy, xe đạp xuất khẩu.

Về thu hút đầu tư trong nước, trong 5 năm 2011-2015, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, song vốn đầu tư trong nước vẫn tăng đều theo từng năm. Tính đến nay, toàn tỉnh có 635 dự án của các nhà đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 169 ngàn tỷ đồng. Hiện tại, số dự án còn hiệu lực là khoảng 602 dự án với tổng vốn hơn 141 ngàn tỷ đồng. Các dự án mới đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) thường triển khai khá nhanh chóng, hiệu quả.

* Công nghiệp mũi nhọn tăng nhanh

Đến nay, Đồng Nai này đã có 31 KCN, trong đó 28 KCN đã đi vào hoạt động, nhiều KCN đã lấp đầy diện tích cho thuê. Với hệ thống nhà máy sản xuất điện được xây dựng bổ sung liên tục, như: Nhà máy thủy điện Trị An, Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ, Nhà máy điện Nhơn Trạch…, đã đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế. Bên cạnh lưới điện quốc gia, Đồng Nai còn có Công ty liên doanh Amata Power cung cấp điện cho KCN Amata và các KCN lân cận. Ngoài ra, Đồng Nai còn có nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng và phong phú, như: vàng, thiếc, kẽm, nhiều mỏ đá, cao lanh, than bùn, đất sét, cát sông, rừng và nguồn nước... Điều này rất thuận lợi cho phát triển các ngành nghề như: sản xuất vật liệu xây dựng, gốm sứ, mỹ nghệ…

Hiện thời gian cấp phép cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài vào các KCN của tỉnh chỉ còn từ 9-25 ngày, rút ngắn so với trước đây từ 5-7 ngày, thậm chí có dự án chỉ cấp phép trong 7 ngày và sớm hơn thời gian quy định của Trung ương từ 6-9 ngày. Điều đáng nói là có đến 90% số hồ sơ cấp phép đầu tư được trả đúng hẹn.

Những năm qua, Đồng Nai là địa phương đi đầu trong cả nước về xây dựng và phát triển KCN. Các KCN của Đồng Nai phát triển mạnh cả về số lượng, khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài lẫn diện tích đất cho thuê. Trong đó, 3 ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh là: điện - điện tử; cơ khí; hóa chất, cao su, plastic trong giai đoạn 2011-2015 đạt mức tăng trưởng là hơn 20%. Trong đó, tổng giá trị sản xuất của những ngành công nghiệp mũi nhọn ước đạt gần 1.259 ngàn tỷ đồng. Hiện ngành điện - điện tử chiếm hơn 12% trong cơ cấu các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh, cơ khí hơn 17%, cao su - hóa chất - plastic gần 13%. Dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, song những năm qua các doanh nghiệp sản xuất ở những ngành mũi nhọn của tỉnh vẫn ổn định và mở rộng được sản xuất. Cụ thể giá trị sản xuất năm 2015, của 3 ngành công nghiệp mũi nhọn ước sẽ tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2011.

* Đi đúng hướng“công nghiệp xanh”

Quyết định 2048 đã nêu rõ, giai đoạn 2011-2015, Đồng Nai đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, các ngành công nghiệp tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ và có giá trị gia tăng cao như các ngành: điện - điện tử; cơ khí; hóa chất - cao su - plastic - công nghệ sinh học và ngành công nghiệp hỗ trợ (gọi chung là nhóm ngành công nghiệp mũi nhọn). Đầu tháng 7-2014, UBND tỉnh đã chính thức ban hành Quyết định 2163 về danh mục dự án thuộc ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư, thu hút đầu tư có điều kiện và tạm dừng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ưu tiên thu hút những ngành nghề sử dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ có công nghệ sản xuất sạch, sản xuất vật liệu mới, các dự án tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường…

Về phát triển cụm công nghiệp, Đồng Nai hiện có 27 cụm được quy hoạch với tổng diện tích trên 1,5 ngàn hécta, trong đó có 2 cụm hoàn thành cơ bản hạ tầng là cụm công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và gốm mỹ nghệ, 1 cụm đang triển khai, 8 cụm đã có chủ đầu tư và 16 cụm chưa có chủ đầu tư. Bước đầu, UBND tỉnh đã hỗ trợ vay vốn cho một số cụm ở địa phương vùng sâu, vùng xa có điều kiện hoàn thiện hạ tầng, thu hút đầu tư.

Riêng TP.Biên Hòa, ngoài những tiêu chí trên còn thêm điều kiện chỉ chấp nhận những dự án sử dụng dưới 1 ngàn lao động/dự án. Các ngành nghề tạm dừng thu hút đầu tư, gồm: sản xuất giấy, bột giấy từ nguyên liệu thô, chế biến tinh bột sắn, chế biến mủ cao su chưa sơ chế, sản xuất hóa chất cơ bản, thuộc da, sơ chế da.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, Đồng Nai đang hướng đến sản xuất công nghiệp xanh, vì thế những năm gần đây các dự án đầu tư vào tỉnh đều có công nghệ sạch, công nghệ cao, sử dụng ít lao động. Do đó, bảo vệ môi trường luôn được tỉnh đặt lên hàng đầu.

Tuy vẫn xác định rõ, nguồn vốn đầu tư nước ngoài luôn đóng vai trò lớn trong phát triển kinh tế, song những năm gần đây, tỉnh đã từ chối không ít dự án vì có công nghệ lạc hậu, nhiều chất thải, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Một số doanh nghiệp đang hoạt động tại các KCN muốn mở rộng sản xuất, nhưng nếu không đảm bảo các tiêu chí đặt ra cũng bị từ chối.

Vi Lâm

 

 

 

Tin xem nhiều