Tại buổi tọa đàm với chủ đề "Nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hội Văn học - nghệ thuật khu vực Đông Nam bộ" tổ chức ngày 9-11, phần lớn các đại biểu đều thống nhất cho rằng, nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội Văn học - nghệ thuật có ý nghĩa sống còn, bởi đây là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa.
Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới nêu rõ yêu cầu: Văn học, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ.
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Văn Truyên |
Một trong những giải pháp để văn học, nghệ thuật phát triển đạt mục tiêu này chính là phải xây dựng được Hội Văn học, nghệ thuật ở các địa phương thực sự vững mạnh. Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hội Văn học - nghệ thuật khu vực Đông Nam bộ” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức ngày 9-11, phần lớn các đại biểu đều thống nhất cho rằng, nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội Văn học - nghệ thuật có ý nghĩa sống còn, bởi đây là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa.
Nhiều nỗ lực
Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ cho biết thời gian qua, hoạt động văn học, nghệ thuật khu vực Đông Nam bộ có nhiều khởi sắc. Trong đó, đáng chú ý là các hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật đã nắm bắt được dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn với dân tộc; đã phát hiện, khẳng định các nhân tố mới, tham gia đấu tranh lên án cái xấu, cái ác, sự biến chất về nhân cách, lối sống và đạo đức trong một bộ phận xã hội. Các Hội Văn học, nghệ thuật đã thực hiện tốt nhiệm vụ tập hợp, hướng dẫn và động viên đội ngũ văn nghệ sĩ đi vào thực tiễn công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, tạo điều kiện cho đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tác, quảng bá, biểu diễn tác phẩm.
Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch Hội Văn học, nghệ thuật Đồng Nai Nguyễn Khánh Hòa cho hay, nhờ sự quan tâm của tỉnh, hoạt động văn học, nghệ thuật ở Đồng Nai khá thuận lợi. Không chỉ hỗ trợ hội viên trong hoạt động sáng tạo bằng việc tổ chức thường xuyên các trại sáng tác, Hội còn đẩy mạnh việc liên kết với các đơn vị liên quan trong việc quảng bá tác phẩm. Chính vì vậy văn nghệ sĩ rất phấn khởi, sáng tạo được nhiều tác phẩm có chất lượng.
Chủ tịch Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh Bình Dương Võ Đông Điền nhìn nhận: “Văn học, nghệ thuật Đông Nam bộ đã nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân. Những đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng và những vấn đề thời sự của đất nước đã được thể hiện khá tốt trong tất cả các loại hình nghệ thuật. Chủ nghĩa nhân văn, phẩm chất nhân đạo được phát huy và đề cao. Sự xuất hiện của một lực lượng sáng tác trẻ với khả năng sáng tạo và đa dạng về phong cách là những nhân tố mới đáng trân trọng”.
Thiếu “nhạc trưởng” tâm huyết
Khá nhiều hạn chế trong hoạt động của các Hội Văn học, nghệ thuật các tỉnh miền Đông Nam bộ đã được chỉ rõ tại tọa đàm. Trong đó, đáng chú ý nhất vẫn là hoạt động của các Hội Văn học, nghệ thuật chậm đổi mới, chưa thích ứng kịp sự phát triển của nền kinh tế thị trường; công tác thu hút các tài năng văn học, nghệ thuật trẻ còn khó khăn; đội ngũ sáng tác văn học, nghệ thuật tuy đông nhưng chưa có nhiều văn nghệ sĩ tài năng thực sự, còn thiếu những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; công tác quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật còn hạn chế.
Lý giải tình trạng đội ngũ văn nghệ sĩ đông nhưng còn thiếu những tác phẩm có chất lượng, Chủ tịch Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng Phạm Quốc Ca cho rằng: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực của tài năng. Tài năng thực sự bao giờ cũng hiếm. Trong khi đó, đa số hội viên các Hội Văn học, nghệ thuật chỉ xem sáng tác là nghề tay trái. Chỉ khi coi việc sáng tác là một tín đồ cuồng tín thì may ra mới có những tác phẩm xuất sắc”.
Chủ tịch Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng cũng đưa ra thực trạng “lão hóa”, ít chịu tìm tòi cái mới trong sáng tạo văn học, nghệ thuật. Vì thế, đa số các tác phẩm viết ra bằng bút pháp truyền thống, thiếu dấu ấn người nghệ sĩ.
Còn Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh Huỳnh Văn Mười thì cho rằng, hoạt động văn học, nghệ thuật khu vực miền Đông Nam bộ còn thiếu sự liên kết. Trong khi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã liên kết lại với nhau để thành lập giải thưởng mỹ thuật đồng bằng thì miền Đông Nam bộ chưa có chủ trương này.
Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Hội Văn học, nghệ thuật Bình Dương Võ Đông Điền đánh giá: “Những hoạt động văn học, nghệ thuật mang tính khu vực ở Đông Nam bộ còn quá ít, chủ yếu gói gọn trong phạm vi của một tỉnh theo kiểu “đèn nhà ai nấy sáng”. Vì thế, rất cần những người nhạc trưởng tâm huyết, năng nổ, nhiệt tình để xốc dậy hoạt động văn học, nghệ thuật trong khu vực tiến lên một bước phát triển mới”.
Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương: “Hội Văn học, nghệ thuật các tỉnh khu vực Đông Nam bộ cần tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ tiếp cận với nhiều phương pháp sáng tác mới để nâng cao chất lượng đồng thời tạo ra nhiều tác phẩm mới. Thêm vào đó, Hội cần tạo ra môi trường, cảm xúc để kích thích sự sáng tạo cũng như cung cấp thông tin, kinh nghiệm để nâng cao trí tuệ cho văn nghệ sĩ vì nếu không có tư tưởng lớn thì không có tác phẩm lớn. Riêng với văn nghệ sĩ, trong sáng tác cần nêu lên quan điểm trừ gian, trừ cái ác. Đó là yêu cầu cấp bách mà xã hội đòi hỏi ở người nghệ sĩ từ xưa đến nay”. |
Nguyễn Phượng
* Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy: “Sắp tới, để hoạt động văn học, nghệ thuật ngày càng đi vào chiều sâu, đáp ứng với đặc điểm, tình hình thực tế của tỉnh, Tỉnh ủy sẽ thực hiện 3 việc chính là: đặt hàng tác phẩm chất lượng cao gắn với phản ánh được nét đẹp, đặc điểm của đất và người Đồng Nai với Hội Văn học, nghệ thuật; xử lý những vướng mắc trong kinh phí hoạt động xuất bản phẩm, quảng bá tác phẩm của Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh cũng như các hội chuyên ngành; hỗ trợ và tiếp tục xuất bản tạp chí văn nghệ Đồng Nai để nâng cao công tác tuyên truyền, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ trong tỉnh”.
* Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam: “Việc nâng cao chất lượng tác phẩm văn học nghệ thuật ở các Hội Văn học nghệ thuật khu vực Đông Nam bộ nói riêng, cả nước nói chung là điều rất cần thiết. Để làm được điều này, chúng tôi thấy cần thực hiện 3 nhiệm vụ: đầu tiên, cấp ủy cần quan tâm, định hướng cho hoạt động văn học nghệ thuật; thứ hai là trong văn học nghệ thuật, số lượng nhiều chưa nói lên điều gì phải là chất lượng, đây là điều mà công chúng đang đòi hỏi ở tác phẩm của văn nghệ sĩ; sau cùng là cần có kiến nghị với Đảng, Nhà nước sớm có chế độ chính sách với văn nghệ sĩ, điều này chúng ta đã làm nhưng làm còn chậm so với tình hình thực tế”.
* Bà Đặng Thị Phương Lan (Ban Tuyên giáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu): “Do đặc thù nghề nghiệp, văn học, nghệ thuật là hoạt động có tính cá nhân riêng rẽ, mỗi văn nghệ sĩ khác nhau về lĩnh vực sáng tạo nên rất cần sự tập hợp, đoàn kết trong tổ chức Hội nhằm phát huy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ; mở rộng mạng lưới chi hội và lực lượng hội viên. Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ cho hoạt động của các Hội; tập trung đầu tư cho sáng tác, quảng bá tác phẩm có chất lượng tốt về tư tưởng và nghệ thuật. Mặt khác, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức Đảng trong các đơn vị hoạt động nghệ thuật, chú trọng công tác phát triển Đảng ở đội ngũ văn nghệ sĩ”.
Văn Truyên (ghi)