Với ông Vũ Đoàn Mạnh (ngụ ấp 9/4, xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất), thu nhập có được từ lao động không dùng để nuôi sống bản thân mà để tạo ra đồng vốn giúp sức cho những hộ nghèo có thêm cơ hội sản xuất, mái nhà kiên cố để ở.
Với ông Vũ Đoàn Mạnh (ngụ ấp 9/4, xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất), thu nhập có được từ lao động không dùng để nuôi sống bản thân mà để tạo ra đồng vốn giúp sức cho những hộ nghèo có thêm cơ hội sản xuất, mái nhà kiên cố để ở.
Ông Vũ Đoàn Mạnh (trái, ngụ ấp 9/4, xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất) bên vườn cam đang sinh trưởng tốt của ông Nguyễn Đình Phương. Chính ông Mạnh đã giúp vốn để gia đình ông Phương cải tạo và chăm sóc vườn cam này. |
Ông Mạnh chia sẻ: “Tôi may mắn hơn nhiều người khi có công việc ổn định, con cái hiếu thảo. Vậy nên, tôi luôn mong muốn san sẻ điều may mắn mà mình có được đến cho mọi người để ai cũng có cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó cũng là điều mà một người Công giáo như tôi học tập được ở Chủ tịch Hồ Chí Minh: người trong một nước phải thương nhau cùng”.
* Từ gà trống nghèo nuôi con côi…
Vợ mất khi đứa con thứ 8 vừa chào đời được vài tháng. Một mình ông Vũ Đoàn Mạnh với gia tài là 4 sào đất bạc màu trồng mì và bắp phải lo cái ăn cho cả nhà. “Kể từ lúc vợ mất, tôi vừa làm cha vừa làm mẹ để dạy dỗ và chăm sóc các con. Những lúc đợi ruộng mì, bắp cho thu hoạch là tôi trở thành thợ “đụng”, ai kêu làm việc gì thì làm việc đó để có tiền đong gạo” - ông Vũ Đoàn Mạnh hồi tưởng về quãng đời khốn khó cách đây 20 năm.
Rồi nhờ người quen giới thiệu, ông Mạnh bắt đầu theo chân những người thợ đi làm bốc vác, cưa cây. Tuy vất vả nhưng số tiền công kiếm được từ nghề này cao hơn những công việc khác nên cuộc sống gia đình cũng bớt cực khổ, thiếu thốn. Một thời gian sau được bạn bè giúp sức, ông hùn hạp với vài người trong xóm lập làm đội chuyên đi mua cây gỗ do người dân trồng tại các khu rẫy ở nhiều huyện khác nhau trong tỉnh.
Lý giải về việc làm có phần “khác người” của mình, ông Vũ Đoàn Mạnh cho hay: “Mỗi khi tham gia sinh hoạt trong Hội Nông dân xã, ngoài được phổ biến kiến thức cây trồng, vật nuôi… lãnh đạo Hội luôn lồng ghép nhiều mẩu chuyện về Bác để kể cho những lão nông như chúng tôi nghe. Rồi qua đọc sách báo, xem tivi, nghe đài tôi lại càng ngưỡng mộ đạo đức, tấm lòng của Bác đối với đồng bào trong nước cũng như quốc tế. Trong khả năng của mình tôi cố gắng học theo Bác ở lòng nhân ái, sẵn sàng nâng đỡ người kém may mắn để bà con ai cũng có cuộc sống tốt đẹp”. |
Sau nhiều năm cần cù lao động, ông Mạnh mua thêm hơn 8 sào ruộng để trồng lúa, mua thêm đàn gà, bầy vịt về cho cả nhà cùng chăm sóc để kiếm thêm thu nhập cũng như cải thiện bữa ăn. Nhưng rồi 7 người con lần lượt vào đại học cũng là lúc từng sào đất, bầy gà nối tiếp nhau đội nón ra đi để đóng học phí, lo ăn uống. “Thương con thiếu tình thương của mẹ nên tôi luôn gắng cho đứa nào cũng được học hành tử tế để có việc làm ổn định, cuộc sống về sau không vất vả. Giờ đây, cả 7 người con gái đều có công việc làm ổn định. Riêng thằng con trai út dù đã hơn 20 tuổi mà thân hình vẫn còn như trẻ lên 10 nên tôi càng thương và lo cho nó nhiều hơn các chị” - ông Mạnh chia sẻ.
Nuôi dạy và lo cho con cái nên người rồi được các con lo lắng phụng dưỡng, đền đáp công ơn chu đáo nhưng ông Vũ Đoàn Mạnh vẫn không cho phép mình nghỉ ngơi mà hàng ngày vẫn gắn mình với chiếc máy cưa để kiếm tiền. Tuy nhiên, số tiền kiếm được ông dành dụm để cho người nghèo trong xóm vay làm ăn mà không hề lấy lãi.
*…Đến “ngân hàng” của người nghèo
Việc làm nghĩa tình này của ông Vũ Đoàn Mạnh đã giúp đỡ cho rất nhiều đôi vợ chồng trẻ mới ra riêng muốn làm ăn nhưng thiếu vốn hay những gia đình thuộc diện hộ nghèo. Trong số này có gia đình của ông Đinh Văn Việt (45 tuổi, ngụ ấp 9/4, xã Xuân Thạnh). Ông Việt cho hay: “Năm 2000, tôi lập gia đình và được cho ra ở riêng với tài sản chỉ là mảnh đất hơn 2 sào cùng căn nhà nhỏ. Muốn đầu tư xây chuồng nuôi heo nhưng vợ chồng tôi không có vốn. Qua nhiều lần trò chuyện, biết được hoàn cảnh của chúng tôi, ông Mạnh đã giúp 20 triệu đồng để gia đình xây chuồng, mua đàn heo đầu tiên về nuôi mà không hề lấy lãi. Nhờ sự khởi đầu đầy may mắn với đồng vốn tình nghĩa của ông Mạnh mà đến nay vợ chồng đã gây dựng nên được một trại heo nhỏ với hơn 20 con heo nái cùng nhiều bầy heo thịt. Căn nhà nhỏ ngày nào giờ cũng đã được xây mới to rộng hơn”.
Một trường hợp khác cũng nhận được sự giúp sức của ông Mạnh là gia đình của ông Phạm Văn Tài. Học nghề hàn xì nhưng về nhà không có tiền mua máy móc làm việc, vậy là ông Phạm Văn Tài cũng được ông Mạnh cho vay 20 triệu đồng đầu tư dụng cụ làm việc. “Sau nhiều năm làm lụng tích cóp, đến nay tôi không làm tại nhà nữa mà mua thêm máy móc, thuê thêm thợ để nhận thực hiện các công trình lớn với thu nhập khá hơn. Tôi luôn nhớ đến những đồng vốn ban đầu mà ông Mạnh đã giúp sức khi mình mới ra nghề” - ông Phạm Văn Tài nói.
Đánh giá về việc làm của lão nông Vũ Đoàn Mạnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thạnh Nguyễn Quốc Lý cho hay: “Từ 2000 đến nay, ông Mạnh luôn để dành từ 50-70 triệu đồng/năm từ tiền lời thu được để cho từ 3-5 hộ khó khăn trong ấp mượn làm kinh tế. Từ đó, hàng chục hộ đã có điều kiện làm ăn buôn bán để cuộc sống ngày càng khấm khá hơn. Đây thực sự là một nguồn vốn thiết thực, chứa đựng tinh thần tương thân tương ái của ông Mạnh đối với mọi người”.
Văn Truyên