Thời gian qua, việc lập danh sách và cấp thẻ cử tri cho đối tượng là Việt kiều Campuchia sinh sống trên địa bàn tỉnh nhưng không có giấy tờ tùy thân đã khiến các cơ quan chức năng lúng túng.
Thời gian qua, việc lập danh sách và cấp thẻ cử tri cho đối tượng là Việt kiều Campuchia sinh sống trên địa bàn tỉnh nhưng không có giấy tờ tùy thân đã khiến các cơ quan chức năng lúng túng.
* Gian nan xác minh quốc tịch
Ông Nguyễn Văn Chí (ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường, huyện Định Quán) cho biết cha mẹ ông là người Việt Nam định cư ở Campuchia, ông sinh ra và lớn lên tại đấy. Năm 1989, gia đình ông và rất nhiều người Việt khác rủ nhau rời Campuchia về ấp Bến Nôm 2 làm nghề cá và định cư cho đến nay. Trong quá trình sinh sống tại Campuchia, ông Chí cũng được Nhà nước Campuchia cấp giấy căn cước (giống như chứng minh nhân dân). Tuy nhiên do giấy tờ tùy thân bị thất lạc, ông Chí trở thành người nhập cư bất hợp pháp khi về lại Việt Nam. Mãi đến năm 2004, ông Chí mới được khôi phục lại quốc tịch Việt Nam theo chủ trương của Nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Bé và cháu gái (Việt kiều Cam puchia ở ấp 1, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) nay đã có quốc tịch Việt Nam và được quyền bầu cử. |
Trường hợp của ông Nguyễn Văn Vở cũng tương tự. Năm 1995, ông Vở từ Campuchia di cư tự do vào xã Mã Đà sinh sống. Sau thời gian dài cư trú ổn định tại Mã Đà, gia đình ông Vở và rất đông Việt kiều Campuchia được chính quyền các cấp tạo điều kiện cho nhập quốc tịch và xác lập các giấy tờ tùy thân khác.
Các xã: Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu); Phú Cường, La Ngà (huyện Định Quán)… là những địa phương có đông Việt kiều Campuchia nhập cư. Ông Đinh Quốc Sơn, Chủ tịch UBND xã Mã Đà, cho hay Việt kiều Campuchia hiện đang cư trú trên địa bàn xã hiện có khoảng 550 hộ/2.325 nhân khẩu. Từ năm 2000 đến nay, địa phương đã làm hộ khẩu thường trú cho 494 hộ. Tuy nhiên, trong xã hiện còn 56 hộ Việt kiều Campuchia nhập cư từ năm 2010 đang trong quá trình chờ xem xét nhập hộ khẩu thường trú.
* Đảm bảo quyền bầu cử cho dân
Giám đốc Sở Tư pháp Viên Hồng Tiến khẳng định, cử tri công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tính đến ngày bầu cử đủ 18 tuổi trở lên và có đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam về bầu cử đều có quyền bầu cử. Quyền bầu cử của cử tri gắn liền với quốc tịch. Do đó, cần phải căn cứ theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 để xác định người có quốc tịch Việt Nam, từ đó lập danh sách nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của cử tri.
Ông Lê Triết Như Vũ, Trưởng phòng Hành chính tư pháp (Sở Tư pháp), cho biết hiện nay các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh gặp vướng mắc về việc đăng ký thường trú cho đối tượng là Việt kiều Campuchia với số lượng 1.643 người do nhập cư trái phép. Những cư dân này trước đây sinh sống ở nhiều tỉnh khác nhau, khi đến Đồng Nai sinh sống đều không có giấy tờ tùy thân, từ đó ảnh hưởng đến việc làm thủ tục xác nhận có quốc tịch Việt Nam. Để đảm bảo quyền cử tri cho đối tượng này cần phải mất nhiều thời gian, trình tự thủ tục theo đúng quy định pháp luật. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến công tác lập danh sách cử tri cũng như quyền bầu cử của họ.
Cũng theo ông Vũ, để đảm bảo quyền công dân trong việc bầu cử và thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Bầu cử tỉnh, Phòng Hành chính tư pháp đã tham mưu cho Sở Tư pháp phối hợp với cơ quan công an rà soát số lượng người nhập cư và người Việt Nam định cư ở nước ngoài hiện đang cư trú trên địa bàn tỉnh. Khi xác định rõ người có quốc tịch Việt Nam và đủ điều kiện về bầu cử thì xác lập danh sách cử tri. Tất cả các cơ quan liên quan đều nỗ lực “tăng tốc” trong công tác xác minh quốc tịch, lập danh sách cử tri nhằm giúp những đối tượng này được đảm bảo quyền công dân là tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trong ngày 22-5 sắp tới.
Đoàn Phú