Hiện nay, nguồn để phát triển Đảng ở khu dân cư rất hiếm. Những quần chúng có đủ tiêu chuẩn kết nạp đã thoát ly gia đình. Người ở lại, phần lớn không đảm bảo trình độ văn hóa, nhận thức còn hạn chế, vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình... nên khó phát triển Đảng.
Hiện nay, nguồn để phát triển Đảng ở khu dân cư rất hiếm. Những quần chúng có đủ tiêu chuẩn kết nạp đã thoát ly gia đình. Người ở lại, phần lớn không đảm bảo trình độ văn hóa, nhận thức còn hạn chế, vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình... nên khó phát triển Đảng.
Bí thư Đảng ủy xã Bàu Cạn (huyện Long Thành) Đặng Thị Ngữ nói về khó khăn trong phát triển Đảng ở vùng nông thôn. |
Do vậy, nhiều nơi đảng viên đang công tác tại xã, phường phải về sinh hoạt tại khu dân cư để đủ số lượng đảng viên thành lập chi bộ khu phố, ấp.
* Khó từ nông thôn…
Bí thư Đảng ủy xã Nhân Nghĩa (huyện Cẩm Mỹ) Phạm Văn Trịnh cho biết trước đây nguồn phát triển Đảng ở Nhân Nghĩa chủ yếu là giáo viên và cán bộ, công chức xã, nay lực lượng này đã phát triển hết. Do vậy, việc phát triển Đảng ở Nhân Nghĩa đang gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, trình độ văn hóa của người dân còn hạn chế, hầu hết chưa học xong lớp 9; một số thì sinh con thứ 3 trở lên. Gạn đục, khơi trong, cố gắng lắm, nay tất cả các ấp đều có chi bộ. Nhưng, nhiều chi bộ chỉ có 4-6 đảng viên, không đủ đảng viên để thành lập chi ủy, trong đó 2 chi bộ, chỉ có bí thư lãnh đạo, không có phó bí thư.
Bí thư Đảng ủy xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) Hoàng Triệu Linh chia sẻ hiện nay xã còn 3 chi bộ ấp chưa có chi ủy. Trong đó, Chi bộ ấp Suối Đục mới được 3 đảng viên, nhưng chỉ có 1 đảng viên là người tại chỗ, 2 đảng viên điều từ nơi khác về sinh hoạt. Chi bộ ấp 5, có 4 đảng viên, trong đó bí thư chi bộ ấp là người từ nơi khác về thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, 3 đảng viên còn lại là cán bộ không chuyên trách xã…
Bí thư Đảng ủy xã Bàu Cạn (huyện Long Thành) Đặng Thị Ngữ nêu thực trạng, ở nhiều vùng quê bây giờ chỉ toàn trẻ em và người già. Những người trong độ tuổi lao động, nhất là thanh niên - lực lượng được coi là cánh tay phải, kế cận của Đảng - đã đi làm cho các công ty, xí nghiệp. Đối tượng còn lại để xem xét kết nạp là trưởng, phó khu ấp, các đoàn thể, chi, tổ hội... tuy nhiên, nhiều người hoạt động nhiệt tình, lăn lộn với phong trào lại không đảm bảo trình độ văn hóa. Vừa qua, Đảng ủy xã đã xét lý lịch của 1 trưởng ấp, trong lý lịch ghi trình độ văn hóa 9/12 nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THCS. Xã đã vận động trường hợp đó đi học bổ túc văn hóa để có bằng cấp, nhưng đồng chí này nói không có thời gian đi học.
* …Đến thành thị
Đối với Biên Hòa, đô thị loại I, nơi đang có hơn 1 triệu dân sinh sống, tưởng rằng nguồn cho phát triển Đảng rất dồi dào nhưng thực chất, trong số 11 huyện, thị, thành phố của tỉnh, duy nhất ở Biên Hòa có 1 Đảng bộ phường không có chi bộ cơ quan (phường Tân Hòa) và 1 khu phố không có chi bộ do giải tỏa trắng theo quy hoạch (KP.10, phường An Bình).
Phó bí thư Tỉnh ủy Phan Thị Mỹ Thanh nêu rõ, tất cả mọi vấn đề đều xuất phát từ ấp, khu phố và nhân dân. Đảng cũng vậy, xuất phát từ nhân dân mà ra. Khi tạo được lòng tin trong dân thì phát triển Đảng không khó. |
Bí thư Đảng ủy phường Tân Hòa Nguyễn Trung Chính cho hay, người dân ở đây chưa có nhận thức đúng đắn về Đảng. Vì thế, để thành lập các chi bộ khu phố trên địa bàn phường, toàn bộ đảng viên đang công tác tại phường phải về sinh hoạt ở các khu phố nhằm tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp Đảng cho khu phố.
Theo Phó bí thư thường trực Thành ủy Biên Hòa Huỳnh Tấn Đạt, ở Biên Hòa, những phường, xã nào có đông đồng bào theo đạo Công giáo thường gặp khó khăn về phát triển Đảng nên hiện nay Biên Hòa còn 36 chi bộ khu phố, ấp chưa đủ đảng viên thành lập chi ủy. Một số chi bộ khu phố ở các phường Tân Hòa, Hố Nai chỉ có 3 đảng viên, nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên mới.
Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra, phấn đấu đến năm 2020, 90% chi bộ ấp, khu phố phải có chi ủy. Để thành lập được chi ủy, mỗi chi bộ phải có 9 đảng viên trở lên, trong khi nguồn cho phát triển Đảng gặp nhiều khó khăn như trên. Vậy giải pháp nào cho việc hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh? Một số nơi cho rằng nên sáp nhập ấp đối với những ấp có ít hộ để đủ số đảng viên thành lập chi ủy; không nên đặt nặng trình độ văn hóa khi kết nạp Đảng cho những đối tượng đặc thù, như: đồng bào dân tộc thiểu số, trưởng, phó khu phố, ấp, các đoàn thể ở khu dân cư…
Đồng chí Hồ Thanh Sơn, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, nhận xét những khó khăn trong phát triển Đảng hiện nay giống như 10 năm trước. Trước đây phấn đấu 100% ấp, khu phố có chi bộ; giờ phấn đấu 100% chi bộ ấp, khu phố có chi ủy. Vấn đề quan trọng là chất lượng đảng viên. Nếu chúng ta có đủ số lượng nhưng chất lượng không tốt thì cũng không xây dựng được hình ảnh của Đảng trong lòng dân.
Phương Hằng