Báo Đồng Nai điện tử
En

Những câu chuyện "nóng" (Bài 1)

11:05, 23/05/2016

Ngày càng có nhiều cuộc tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại giữa người đứng đầu các cơ quan, đơn vị với người dân, doanh nghiệp được tổ chức nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và cả những vấn đề bức xúc để kịp thời có biện pháp tháo gỡ trong quá trình quản lý, điều hành.

Ngày càng có nhiều cuộc tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại giữa người đứng đầu các cơ quan, đơn vị với người dân, doanh nghiệp được tổ chức nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và cả những vấn đề bức xúc để kịp thời có biện pháp tháo gỡ trong quá trình quản lý, điều hành. Thực tế cho thấy, ở nơi nào cấp ủy, chính quyền tăng cường đối thoại với dân, nơi ấy những vấn đề bức xúc sẽ giảm...

Tiểu thương chợ Tân Hiệp đã yên tâm buôn bán ở một ngôi chợ sạch sẽ, khang trang.
Tiểu thương chợ Tân Hiệp đã yên tâm buôn bán ở một ngôi chợ sạch sẽ, khang trang.

Thực hiện Chỉ thị 03 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Quyết định số 218 của Bộ Chính trị về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Quyết định 217 của Ban Chấp hành Trung ương về quy chế giám sát và phản biện xã hội..., Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu các cấp ủy Đảng, người đứng đầu chính quyền ở địa phương các cấp trong tỉnh với nhân dân.

Thực hiện chỉ thị, quy chế này, tại Đồng Nai, nhiều vấn đề nóng của người dân đã được lắng nghe và giải quyết có hiệu quả.

* Từ chợ Tân Hiệp

Từ cuối năm 2015, chợ Tân Hiệp mới đã chính thức đi vào hoạt động, chấm dứt hành trình khiếu kiện kéo dài nhiều năm của tiểu thương nơi đây.

Trở lại vụ việc, cách đây 8 năm, UBND tỉnh và TP.Biên Hòa thực hiện di dời tiểu thương ra khỏi chợ truyền thống Tân Hiệp cũ (tại ngã tư Tân Phong, phường Tân Hiệp) để xây dựng chợ mới theo hướng hiện đại, văn minh. Tuy nhiên, quá trình xây dựng đã nảy sinh một số vấn đề bất cập nên chủ đầu tư có văn bản xin thay đổi thiết kế. Vấn đề ở chỗ, thành phố và chủ đầu tư đã không kịp thông báo và lấy ý kiến bà con tiểu thương về việc thay đổi thiết kế, dẫn đến năm 2011 tiểu thương chợ Tân Hiệp bắt đầu khiếu kiện vì việc thay đổi thiết kế chợ gây ảnh hưởng đến quyền lợi bà con.

Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Thị Cát Hoa cho biết đối thoại với dân là kênh tốt nhất để cán bộ gần dân, hiểu dân và từ đó làm cho dân tin ở cán bộ, đồng thời tin ở Đảng, tin ở chính quyền. Việc thực hiện đối thoại với dân không chỉ nên hiểu là tổ chức cuộc gặp gỡ cho có hình thức mà phải là việc làm thường xuyên liên tục, bằng nhiều hình thức để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của dân, từ đó người đứng đầu cấp ủy, chính quyền có giải pháp giải quyết triệt để để người dân cảm thấy hài lòng.

Để giải quyết thiếu sót trên, tỉnh và thành phố đã công khai xin lỗi bà con tiểu thương, đồng thời thực hiện nhiều giải pháp cũng như tổ chức các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo UBND TP.Biên Hòa và tiểu thương chợ Tân Hiệp.

Trong các cuộc đối thoại với tiểu thương, lãnh đạo tỉnh và thành phố luôn cầu thị, lắng nghe ý kiến bà con để đi đến phương án giải quyết tối ưu nhất nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho tiểu thương. Sau khi xem xét các yếu tố và tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng sao cho có lợi nhất cho tiểu thương, tỉnh đã có văn bản thu hồi đất thuộc 2 đơn vị là Công ty Sông Đà và Tổng công ty Tín Nghĩa để xây dựng chợ mới Tân Hiệp tại vị trí đắc địa với diện tích rộng trên 16 ngàn m2, đối diện Cục Thống kê Đồng Nai, ngã ba giao nhau giữa đường Phạm Văn Khoai và đường Đồng Khởi. Tiểu thương Nguyễn Thị Mai bày tỏ: “Hiện chợ mới Tân Hiệp đã hoạt động khá ổn định, tiểu thương chúng tôi rất yên tâm. Sau vụ việc xảy ra ở chợ Tân Hiệp cũ, tôi cho rằng bất kỳ khó khăn nào cũng có thể giải quyết nếu có sự vào cuộc tích cực, thiện chí của các bên. Khi người đứng đầu, lãnh đạo cao nhất của tỉnh, thành phố trực tiếp đối thoại với dân, các vấn đề sẽ được hai bên trao đổi ngay, nắm bắt rõ ràng tình hình, mức độ sự việc mà không phải qua khâu trung gian, phản ánh từ người nọ tới người kia, làm sự việc bị “tam sao thất bản”.

* Thấu tình, đạt lý

Ông Trần Văn Hiển (ngụ ấp 3, xã La Ngà, huyện Định Quán) cho hay năm 2009 phần đất có diện tích 19.063m2  của gia đình ông bị thu hồi để thực hiện dự án khu tái định cư đô thị La Ngà. Ban đầu trường hợp của ông cùng các hộ dân khác được bố trí tái định cư nhưng sau đó ông được Trung tâm phát triển quỹ đất của huyện ra thông báo không đủ điều kiện bố trí tái định cư.

Không bằng lòng với kết luận này, từ năm 2009 đến nay ông Hiển liên tục có đơn thư gửi đến các cơ quan chức năng của xã, huyện để được xem xét giải quyết nhưng không được đáp lại.

Đến ngày 30-3-2016, trong buổi đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện Định Quán Nguyễn Thị Thanh Yên với người dân xã La Ngà, vấn đề của ông được đưa bàn thảo giữa lãnh đạo huyện, xã cùng các cơ quan liên quan. Theo ông Hiển, tại buổi đối thoại này, những vấn đề khúc mắc nhiều năm qua của ông đã được lãnh đạo huyện phân tích cặn kẽ, thấu tình đạt lý. Kết thúc buổi làm việc Chủ tịch UBND huyện Định Quán Nguyễn Thị Thanh Yên đã yêu cầu các cơ quan liên quan bố trí một lô đất tái định cư tại khu tái định cư đô thị La Ngà, thu tiền sử dụng đất, miễn phí sử dụng hạ tầng khiến ông vui mừng vô cùng.

Sau buổi tiếp xúc với lãnh đạo huyện, mặc dù phần diện tích gần 2 sào đất (trong tổng số diện tích đất bị thu hồi) trồng xoài đang trong thời điểm cho thu hoạch trái nhưng ông Hiển vẫn mạnh dạn cưa bỏ để trao mặt bằng sạch cho các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện dự án. “Tuy chưa biết khi nào được nhận đất tái định cư nhưng khi khúc mắc của tôi được giải tỏa bằng việc làm thấu tình, đạt lý của lãnh đạo huyện trong buổi tiếp xúc cách đây hơn 1 tháng thì tôi không còn điều gì nghĩ ngợi nữa. Điều này làm cho tôi có động lực chấp hành tốt quy định của Nhà nước về việc giao mặt bằng đúng thời hạn cho đơn vị thi công” - ông Hiển nói.

Tính đến tháng 4-2016, 10/11 huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức đối thoại giữa bí thư và chủ tịch UBND cấp huyện với nhân dân theo Quyết định 728-QĐ/TU, ngày 12-9-2014 của Ban TVTU về “Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu các cấp ủy Đảng, người đứng đầu chính quyền các cấp trong tỉnh với nhân dân”. Đồng thời, gần 100 xã, phường, thị trấn cũng tổ chức đối thoại với nhân dân.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Liên (ngụ ấp 6, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) cho hay năm 2011 phần đất và nhà ở của gia đình bà với tổng diện tích 175m2 nằm trong phần đất bị ảnh hưởng của dự án lưới diện 500kV Vĩnh Tân - Sông Mây, huyện Trảng Bom. Sau khi cơ quan chức năng tiến hành đo đạc, phần đất bị ảnh hưởng và được tiến hành bồi thường là 50m2. Số tiền gia đình được nhận là 75 triệu đồng và không được bố trí tái định cư.

Không chấp nhận với số tiền bồi thường này, bà Liên đã làm đơn kiến nghị được cấp đất nền tái định cư vì gia đình bà có đến 9 nhân khẩu, đồng thời điều chỉnh lại giá bồi thường đất. Ở 2 lần khiếu nại trước, số tiền bồi thường bà được nhận tăng từ 75 triệu đồng lên 147 triệu đồng và không được cấp đất nền tái định cư.

Bà Liên tiếp tục khiếu nại lần 3, lần này được trực tiếp Chủ tịch UBND huyện tiếp xúc gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, được đại diện Ủy ban MTTQ huyện đại diện bảo vệ quyền lợi, giám sát thực hiện luật của đơn vị liên quan nên kết thúc buổi làm việc bà Liên được nhận một lô đất tái định cư tại thị trấn Trảng Bom cùng tổng số tiền bồi thường là 307 triệu đồng.

Bà Liên cho hay: “Tại buổi tiếp xúc với lãnh đạo huyện cùng đơn vị liên quan, tôi được phân tích về chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước chăm lo cho đối tượng thuộc diện nằm trong dự án phát triển đất nước như tôi. Đơn vị làm sai cũng đã nhận lỗi và công khai xin lỗi gia đình tôi vì những sai sót không đáng có. Tôi thấy cách giải quyết của huyện rất tốt, lắng nghe, tôn trọng và giải quyết thấu tình đạt lý, bảo vệ quyền lợi của người dân”.

Nhóm P.V VH-XH

 

Tin xem nhiều