Sáng nay, triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý" diễn ra tại Bảo tàng Đồng Nai sẽ chính thức mở cửa đón người dân đến tham quan, tìm hiểu.
Sáng nay, triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý” diễn ra tại Bảo tàng Đồng Nai do Bộ Thông tin - truyền thông phối hợp cùng UBND tỉnh tổ chức sẽ chính thức mở cửa đón người dân đến tham quan, tìm hiểu.
Thuyết minh viên của Bộ Thông tin - truyền thông thực hành thuyết minh về Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” cho các thuyết minh viên của Bảo tàng Đồng Nai. Ảnh: V.Truyên |
Mặc dù khi đến với người dân Đồng Nai, triển lãm hướng về biển đảo thân yêu của Tổ quốc đã bước sang con số 63 lần thực hiện với hành trình đi qua 42 tỉnh, thành, nhưng với việc sự kiện này được tổ chức chỉ vài ngày sau khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) công bố bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm cho triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý” diễn ra tại Đồng Nai trở nên sôi động hơn.
Nhiều bằng chứng
Đến với triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý” diễn ra tại Đồng Nai, người xem sẽ được tìm hiểu, tham quan hàng trăm bản đồ do Việt Nam, Trung Quốc và một số nước phương Tây thực hiện cùng hàng chục văn bản Hán - Nôm, Việt ngữ và Hán ngữ do nhà nước phong kiến Việt Nam ban hành từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XX. Tất cả đều khẳng định Nhà nước Việt Nam trong lịch sử đã được xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chứng tỏ 2 quần đảo này trong lịch sử không được thể hiện thuộc lãnh thổ Trung Quốc. “Đây là những bằng chứng vững chắc về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời để bác bỏ những luận điệu xuyên tạc lịch sử, những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam” - TS.Trần Đức Anh Sơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng, nhấn mạnh.
Ngoài các tài liệu, triển lãm còn trưng bày một số hình ảnh hướng về biển đảo Tổ quốc của các tầng lớp nhân dân Đồng Nai, như: các đồng chí lãnh đạo tỉnh đến thăm và trao tặng quà và giao lưu với các lực lượng hải quân, ngư dân trong cả nước. Đây là nét riêng trong triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý” diễn ra tại tỉnh Đồng Nai lần này. |
Một trong những tài liệu nổi bật của triển lãm lần này là các văn bản do triều đình phong kiến Việt Nam ban hành từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XX. Những tờ châu bản này được viết bằng 2 ngôn ngữ (chữ Hán và chữ Việt) có niên đại từ triều Gia Long đến triều Bảo Đại. Nội dung phản ánh quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của triều Nguyễn trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thông qua việc liên tục cử người ra 2 quần đảo để khảo sát, cắm mốc, đo vẽ bản đồ.
Châu bản thể hiện rõ nét vấn đề này là châu bản năm 1836, vua Minh Mạng sai một người là Xuất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật (quê ở Quảng Ngãi) đi ra Hoàng Sa tiến hành đo vẽ bản đồ, khi đi thì mang theo các cọc gỗ, trên các cọc gỗ có các dòng chữ đề rõ: Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Phạm Hữu Nhật đã tới đây tiến hành công tác đo đạc, đóng cọc khẳng định chủ quyền. Độ chính xác của những châu bản triều Nguyễn này đã được cả thế giới công nhân bằng việc ngày 30-7-2014, tổ chức UNESCO đã trao “Bằng di sản tư liệu” thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của tổ chức này đối với châu bản triều Nguyễn.
Châu Bản Triều Nguyễn có nội dung khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam được trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai (chụp lại từ hình triển lãm). Ảnh: Huy Anh |
Ngoài ra, còn có nhiều công trình nghiên cứu của các nhà văn hóa, sử học được ghi chép, lưu giữ từ thế kỷ XVI liên quan đến quá trình khai phá, xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trong số này, tư liệu được xem là thành văn sớm nhất là bản đồ số 42 nằm trong tập bản đồ Toàn tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ do Đỗ Bá (quê Nghệ An) vẽ vào thế kỷ XVI và chú dẫn: ở ngoài khơi từ Cửa Đại đi ra, đi một ngày rưỡi thì có một quần đảo là Bãi Cát Vàng ngay giữa biển. Đây là bản đồ đầu tiên được sưu tầm khẳng định người Việt đã đặt chân ra quần đảo Hoàng Sa. Ngoài ra, còn có các bản đồ khác đều có hình vẽ và ghi chú là Bãi Cát Vàng bằng chữ Nôm. Đây là một bằng chứng chứng minh chúng ta đã đặt chân lên quần đảo này trước và chúng ta đã đặt tên cho quần đảo bằng chính ngôn ngữ của người Việt.
Bên cạnh bản đồ Việt Nam, triển lãm còn trưng bày các bản đồ do người Bồ Đào Nha vẽ hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Bồ Đào Nha. Trên bản đồ vẽ phần lãnh thổ Việt Nam ở phía ngoài khơi có các quần đảo nối dài giống một lưỡi dao bắt đầu từ đảo Cù lao Thu (đảo Phú Quý ngày nay) và kết thúc là quần đảo Hoàng Sa. Hay như bản đồ An Nam Đại Quốc Họa Đồ do linh mục Tabert vẽ vào thế kỷ XVIII. Bản đồ này vẽ hình nước Việt Nam có một quần đảo với tên gọi Paracel hay Cát Vàng bằng tiếng La tinh và ghi chú nơi đây năm 1816 vua Gia Long đã cắm ngọn cờ tuyên bố chủ quyền thuộc về An Nam và không có nước nào tranh chấp.
Tạo điều kiện thuận lợi để người dân đến xem
Với một nguồn tư liệu lịch sử, bằng chứng pháp lý hết sức phong phú, lại được tổ chức ngay trong tỉnh trong 5 ngày (từ ngày 19 đến 23-7-2016), đây là cơ hội để người dân Đồng Nai, dù không có biển trên bản đồ hành chính nhưng luôn có biển, đảo trong tim mình đến tham quan, tìm hiểu để một lần nữa cùng chung niềm tin với nhân dân cả nước và thế giới khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Không chỉ bản đồ Việt Nam và phương Tây, mà những bản đồ do Trung Quốc xuất bản từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XX được trưng bày tại triển lãm đều có chung một đặc điểm là lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Điều này khẳng định những luận điệu sai trái mà Trung Quốc luôn rêu rao là đã có lịch sử xa xưa tại 2 quần đảo này của Việt Nam trong những năm vừa qua. |
Được biết, để tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân đến tham quan, ban tổ chức triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại tỉnh Đồng Nai đã sắp xếp và thông báo thời gian cụ thể để các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị đến tham quan triển lãm. Theo ông Nguyễn Minh Hùng, Giám đốc Sở Thông tin - truyền thông, với những trường hợp chưa đăng ký thời gian đến tham quan, ngay bây giờ có thể liên hệ đến Bảo tàng Đồng Nai theo số điện thoại 0918235218 để được bố trí thời gian, thuyết minh viên. Trong trường hợp nhu cầu tham quan tìm hiểu của người dân còn nhiều, ban tổ chức sẽ kéo dài thời gian phục vụ triển lãm.
Ông Lưu Văn Du, Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai, đơn vị được chọn làm nơi thực hiện triển lãm, nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn sẵn sàng tiếp đón các tầng lớp nhân dân đến tham quan triển lãm với thái độ niềm nở và ân cần, bố trí thuyết minh viên phục vụ người xem. Đây vừa là nhiệm vụ cũng vừa là trách nhiệm của một người dân Đồng Nai trong việc góp phần tuyên truyền, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc”. “Chúng tôi mong sớm đến ngày khai mạc để dẫn con cháu cùng đến xem những tư liệu quý về Hoàng Sa, Trường Sa. Qua đó để các con, các cháu - những chủ nhân tương lai của đất nước tin tưởng vững chắc vào chủ quyền biển đảo của Tổ quốc đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” - ông Nguyễn Văn Hoành (71 tuổi, ngụ phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa), nói.
Văn Truyên