Báo Đồng Nai điện tử
En

Trân trọng quá khứ hào hùng

10:08, 31/08/2016

Cách đây 71 năm, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Cách đây 71 năm, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Ông Phạm Văn Xuồng (bìa trái, ngụ xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) trò chuyện với đồng chí, đồng đội. Ảnh: N.SƠN
Ông Phạm Văn Xuồng (bìa trái, ngụ xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) trò chuyện với đồng chí, đồng đội. Ảnh: N.SƠN

Đó là ký ức mãi mãi khắc sâu vào trái tim, khối óc của mỗi người dân bao nhiêu năm ròng bị thực dân phong kiến áp bức và trở thành nguồn động lực nuôi dưỡng tinh thần, lòng nhiệt huyết của các thế hệ người Việt Nam yêu nước, quyết giữ vững nền độc lập tự do ấy.

* Ký ức vẹn nguyên

Sinh ra trên mảnh đất Hành Phước, huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi), từ năm 17 tuổi ông Nguyễn Văn Be, hiện ở xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom), tham gia hoạt động cách mạng trong tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (còn gọi là Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội) nên với ông những ký ức về những ngày tháng 8-1945 hay không khí ngày 2-9-1945 ở quê hương được ông kể một cách lưu loát như mới xảy ra ngày hôm qua.

Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Be, từ năm 1945 trở về trước, với chính sách vơ vét của thực dân Pháp và chính sách sưu thuế nặng của chế độ phong kiến, đời sống người dân vô cùng cực khổ. Không chịu đựng được cảnh ‘’nước mất nhà tan’’, kẻ thù giày xéo, ngày 14-8-1945, lực lượng vũ trang Quảng Ngãi đấu tranh giành chính quyền thắng lợi. Ông còn nhớ, ngày hôm đó ở quê ông như một ngày hội lớn, người dân đổ ra đường tham gia mít tinh kéo dài khoảng 10km, đi suốt từ 3 giờ sáng đến 5 giờ chiều mà không cần ăn uống gì.

Ông Nguyễn Văn Be (xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom) xem lại những tấm huân, huy chương của mình sau nhiều năm tham gia kháng chiến.
Ông Nguyễn Văn Be (xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom) xem lại những tấm huân, huy chương của mình sau nhiều năm tham gia kháng chiến.

‘’Ngày 2-9-1945, nếu như ở thủ đô Hà Nội khắp mọi nẻo đường, con phố đều tung bay cờ hoa và khẩu hiệu chào đón sự kiện trọng đại có một không hai của dân tộc, một biển người hân hoan, náo nức, hồi hộp chờ đợi giây phút vị lãnh tụ kính yêu đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), thì ở tỉnh Quảng Ngãi cũng rợp cờ hoa, người dân hồ hởi hô vang khẩu hiệu Việt Nam độc lập muôn năm, Hồ Chủ tịch muôn năm’’ - ông Be nhớ lại.

Cùng như các tỉnh miền Trung, đồng bào miền Nam không được nghe trực tiếp Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập nhưng hàng triệu đồng bào miền Nam cũng đã thể hiện lòng quyết tâm ủng hộ cách mạng, ủng hộ Mặt trận Việt Minh, bảo vệ nền độc lập non trẻ của nước nhà.

Ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khi đó bà Nguyễn Thị Thoại (tên thường gọi là Sáu Thoại) hiện ở huyện Cẩm Mỹ mới 7 tuổi. Dù còn nhỏ nhưng bà còn nhớ rất rõ ngày độc lập đầu tiên sau hàng trăm năm bị thực dân Pháp đô hộ. Bà kể, thời điểm đó bà tham gia Đội Thiếu nhi cứu quốc (nay là Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh) nên trong ngày hội lớn của toàn dân tộc, bà may mắn được tham gia lễ mít tinh tại xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay). Sau khi diễu hành khắp các tuyến đường trong xã, người dân kéo về xã Bưng Riềng xem thiếu nhi biểu diễn văn nghệ, bà Sáu Thoại khi đó là một trong những nhân vật trong vở kịch tái hiện cảnh đánh Pháp giành độc lập. Ngày độc lập đầu tiên chỉ vỏn vẹn có vậy nhưng 71 năm qua vẫn vẹn nguyên trong ký ức của bà.

‘’Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy’’ là 2 câu cuối trong bản Tuyên ngôn độc lập mà bà Sáu Thoại nhớ nhất. Đó cũng là động lực để bà tiếp tục chiến đấu với kẻ thù suốt 14 năm ở trong các nhà tù như: khám Chí Hòa, Thủ Đức, Tân Hiệp, Phú Lợi, Côn Đảo... sau này.

* Trân trọng quá khứ hào hùng

Năm nay đã ở tuổi 87, nhưng mỗi khi nhắc đến những người thân trong gia đình, ông Phạm Văn Xuồng, hiện ở xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) không khỏi ngậm ngùi. Ông Xuồng chia sẻ, ông sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) giàu truyền thống cách mạng. Ông Xuồng là con trai lớn trong gia đình 5 anh em trai. Từ nhỏ, ông đã phải đi ở đợ, chăn bò cho địa chủ trong vùng. Năm 1945, cuộc Cách mạng tháng Tám diễn ra, khi đó ông 16 tuổi nhưng đã tham gia vận động giải tán hội tề (là một tổ chức hành chính bù nhìn của giặc Pháp lập ra ở các làng trong vùng chúng kiểm soát, chủ yếu là ở các tỉnh thuộc Nam bộ) và 17 tuổi ông chính thức trốn mẹ đi theo cách mạng. Sau đó, 4 người em trai của ông cũng lần lượt lên đường theo bước cha anh đi làm cách mạng. Nhưng, chỉ có ông Xuồng và một người em trai sống sót trở về, còn lại 3 người em trai của ông đã nằm lại chiến trường khi tuổi đời còn rất trẻ.

Với mất mát của gia đình, ông Xuồng hiểu hơn ai hết cái giá của chiến tranh. Ông Xuồng khẳng định, cách mạng tháng Tám thành công, Việt Nam trở thành một nước độc lập, người dân Việt Nam được làm chủ vận mệnh của mình. Và điều này càng có ý nghĩa khi ngày 2-9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố trước toàn thế giới nước Việt Nam đã hoàn toàn độc lập. Đây là thành quả mà cả dân tộc Việt Nam đã phải đánh đổi bằng máu và nước mắt của biết bao anh hùng liệt sĩ hy sinh, của những người mẹ đã hiến dâng con mình cho Tổ quốc.

Giành được độc lập đã khó, giữ được độc lập lại càng khó hơn, nhất là thời điểm âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch ngày càng xảo quyệt. Bà Nguyễn Bạch Tuyết, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, cho rằng phải làm sao cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hiểu sâu sắc lịch sử dựng nước và giữ nước của các thế hệ cha ông đi trước. Hiểu được truyền thống lịch sử, trân trọng thành quả mà quá khứ đem lại, các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau sẽ nhận thức được trách nhiệm của mình trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, từ đó phát huy nội lực góp sức xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Bên cạnh ý thức tự học, tự trau dồi nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng xứng đáng là thế hệ viết tiếp trang sử vàng, các cấp ủy Đảng, Nhà nước, đoàn thể và các tổ chức chính trị cần quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng yêu nước trong thanh thiếu niên.

Là thế hệ trưởng thành sau ngày đất nước thống nhất, nên những câu chuyện kháng chiến trong ký ức của bà Đặng Thị Kim Phụng, ở KP.7, phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) được tích lũy từ những câu chuyện mà cha mẹ kể lại. Bà Kim Phụng cho biết, cha mẹ đều là chiến sĩ cách mạng, đã từng bị địch bắt tù đày với các hình thức tra tấn dã man cho nên bà hiểu được phần nào sự hy sinh của các thế hệ trước. Sau 35 năm cống hiến trong quân đội, trở về với cuộc sống đời thường, bà không ngần ngại tham gia công tác tại địa phương. Nằm trong Ban chi ủy của Chi bộ khu phố phụ trách Chi đoàn nên bà thường xuyên định hướng Chi đoàn tổ chức tham quan các điểm di tích lịch sử trên địa bàn TP.Biên Hòa, giúp đoàn viên, thanh niên hiểu hơn về truyền thống lịch sử của dân tộc.

Nga Sơn


 

 

Tin xem nhiều