Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Đền thờ Bác Hồ ở Đồng Nai

10:09, 04/09/2016

Ở Đồng Nai, từ năm 1969 đến nay có 3 địa điểm lớn thờ Bác Hồ. Đó là: đình Phú Mỹ (thờ Bác từ năm 1969), đền thờ Hùng Vương (thờ Bác từ năm 1975) và Văn miếu Trấn Biên thờ Bác từ lúc xây dựng lại vào năm 1998.

[links()] Ở Đồng Nai, từ năm 1969 đến nay có 3 địa điểm lớn thờ Bác Hồ. Đó là: đình Phú Mỹ (thờ Bác từ năm 1969), đền thờ Hùng Vương (thờ Bác từ năm 1975) và Văn miếu Trấn Biên thờ Bác từ lúc xây dựng lại vào năm 1998.

3 bức hoành phi ở đình Phú Mỹ (xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch).
3 bức hoành phi ở đình Phú Mỹ (xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch).

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, xã Phú Hội (thuộc huyện Long Thành, nay thuộc huyện Nhơn Trạch) nằm trong vùng địch tạm chiếm, đình Phú Mỹ cách bót Phú Hội chỉ 600m. Thời điểm đó, huyện Long Thành là địa phương có phong trào đấu tranh cách mạng mạnh mẽ, vì thế ở các vùng tạm chiếm địch o ép đời sống người dân, kiểm soát rất gắt gao, ngặt nghèo. Thế nhưng dù hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt đến đâu, tấm lòng người dân xã Phú Hội luôn hướng về Đảng, về Bác. Ngày 6-9-1969, 3 ngày sau khi Bác Hồ qua đời (thời điểm ấy, thông tin Bác mất là vào ngày 3-9-1969), trên rường đình Phú Mỹ xuất hiện 3 bức hoành phi bằng chữ Nho viết trên nền giấy điều, nét bút rất sắc sảo, được treo ở các khu vực tiền đình, chánh điện. Nội dung 3 bức hoành phi là: “Hồ nhiên nhi thiên/ Chí vọng thâm ân/ Minh hoài hậu đức”. Đến cuối tháng 9-1969, 3 bức hoành phi trên được người dân sơn son, thếp vàng rất lộng lẫy, và được treo trang trọng ở các khu vực trong đình. Đến tháng 4-1975, huyện Long Thành được giải phóng thì câu chuyện bí ẩn về 3 bức hoành phi ấy mới được tiết lộ.

Mưu trí nhà nho

Người có ý tưởng và thực hiện viết 3 bức hoành phi trên là ông Nguyễn Văn Phường (sinh năm 1902), một bậc túc nho và là người có tinh thần yêu nước ở xã Phú Hội, con trai ông là Nguyễn Văn Canh tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ tại địa phương. Khi nghe tin Bác mất, lòng ông Phường đau đớn. Nhiều đêm liên tiếp, ông trằn trọc không sao ngủ được. Hồi cha mẹ qua đời, ông khóc nhưng không lo vì anh em ông đều đã trưởng thành, yên bề gia thất. Nhưng khi Bác mất, ông rất lo vì sách có câu “Nhứt nhựt vô vương đảo huyền thiên hạ” (Một ngày không có vua, thiên hạ sẽ bị đảo lộn). Bác Hồ như vị minh quân được toàn dân tin tưởng nên mới thắng giặc Tây, rồi 15 năm qua dân mình nghe theo Bác Hồ tiếp tục đánh Mỹ. Bây giờ Bác mất trong lúc Mỹ còn mạnh lắm, liệu người kế vị Bác có thể tiếp tục lãnh đạo dân mình đánh thắng Mỹ?

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Tới, Văn miếu Trấn Biên là biểu tượng cho sự tiếp nối dòng mạch truyền thống văn hóa Việt Nam, khởi từ nguồn mạch văn hóa Thăng Long đồng thời có sự nối kết với văn hóa phương Nam, trong đó lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm cốt lõi những giá trị tinh thần. Văn miếu Trấn Biên đã góp phần phát huy giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh đến với các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là các hoạt động làm theo và nêu gương.

Bàn bạc với nhau, ông Phường và bạn bè nảy ra ý tưởng phải thờ Bác trong đình Phú Mỹ cùng các bậc tiền hiền. Nhưng làm cách nào để thờ Bác khi bọn địch đang xoi mói, o ép tứ bề? Đình làng đang có nhiều bức hoành phi lâu đời bị mối mọt, ông và các bạn nảy ra ý thờ Bác thông qua các câu hoành phi, nếu nhân dịp làm mới các bức hoành phi rồi chen lẫn hoành phi về Bác vào thì địch sẽ không phát hiện. Suy nghĩ tìm tòi trong các sách chữ Nho, ông Phường rút ra từ Kinh Thi ba câu: Hồ nhiên nhi thiên/ Chí vọng thâm ân/ Minh hoài hậu đức. Nội dung đại ý: Cụ Hồ như trời, Ân Cụ sâu thẳm, Đức Cụ sáng mãi đời sau. Ba chữ đầu ghép lại thành: Hồ Chí Minh.

3 bức hoành phi được ông Phường vận bút lực, nắn nót viết trên giấy hồng đơn và được một ông bạn già khác là Nguyễn Văn Liệp (sinh năm 1899) - người thủ từ của đình Phú Mỹ đem treo ở đình. Nhưng viết bằng giấy thì không thể lâu bền được, ông Phường và ông Liệp nhất trí vận động bà con chòm xóm đóng tiền kẻ ít, người nhiều, mọi người thề với nhau là không để lộ nội dung, ý nghĩa bức hoành phi. Chỉ trong một thời gian ngắn, 3 bức hoành phi được hoàn thành trước lễ Kỳ yên năm 1969. Ông Phường và ông Liệp còn tính kỹ một nước nữa, là treo đảo lộn thứ tự để nếu bọn địch có biết chữ Nho cũng không phát hiện được. Ông Phường và ông Liệp còn khéo léo lồng nội dung ghi ơn Bác Hồ vào văn tế cúng và tổ chức nghi thức rước linh Bác trong lễ Kỳ yên của đình.

Suốt 6 năm trời, bọn địch không hề hay biết Bác Hồ đang được nhân dân xã Phú Hội thờ phụng ngay trong đình Phú Mỹ, và bản thân chính quyền, lính tráng địa phương cũng thường đến đây thắp hương, bái lạy trước 3 bức hoành phi. Vào ngày sinh của Bác 19-5 và ngày Bác mất 3-9, người dân Phú Hội thường đến đình dâng cúng hương hoa tưởng vọng Bác.

Sau ngày đất nước thống nhất, câu chuyện thờ Bác qua 3 bức hoành phi ở đình Phú Mỹ được công bố. Đất nước đã được tự do, nên người dân chính thức thỉnh tượng Bác Hồ đặt trong chánh điện như vị Thần hoàng bổn cảnh, đồng thời treo 3 bức hoành phi trang trọng trong chánh điện.

Lòng dân Đồng Nai với Bác

Đền thờ Hùng Vương (đường Phạm Văn Thuận, phường Bình Đa, TP.Biên Hòa) được xây dựng vào năm 1968 theo đề xướng của 14 vị trưởng lão xã Tam Hiệp (tên gọi cũ của địa điểm xây dựng). Đền thờ 18 đời Hùng Vương cùng các anh hùng liệt sĩ đã xả thân vì đất nước. Hàng năm, vào 2 ngày mùng 9 và 10-3 âm lịch, đông đảo nhân dân TP.Biên Hòa mang hương hoa, lễ vật đến tế lễ các vua Hùng, nghi thức tế lễ được các ban quý tế từng thời kỳ gìn giữ nguyên vẹn không khác gì ở Phú Thọ. Sau phần lễ, người dân tham gia các trò chơi dân gian, thi nấu bánh chưng, bánh giầy, đơm xôi, bày cỗ…

Đến năm 1975, ngay sau khi đất nước được thống nhất, người dân vùng Tam Hiệp đã nhất trí thỉnh linh vị và tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh thờ phụng trong tiền điện, và xem Bác như là Quốc tổ thứ 19. Ngày lễ của đền thờ này là ngày 10-3 âm lịch (giỗ Tổ) và 19-5 dương lịch (sinh nhật Bác). Trong ngày lễ hội tại đền, trước bàn thờ Bác Hồ và Quốc tổ Hùng Vương có đủ thành phần: đảng viên, chính quyền địa phương, phật tử, giáo dân, có cả chức sắc của Thiên chúa giáo, Phật giáo... Ở đây, mối quan hệ đoàn kết toàn dân có chung hạt nhân là Quốc tổ, trong đó Bác Hồ với công đức to lớn đã được người dân tự nguyện suy tôn là Quốc tổ.

Sau khi được phục dựng vào năm 1998, trong dịp kỷ niệm 300 hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, Văn miếu Trấn Biên (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) không chỉ thờ Khổng Tử, mà trong nhà Bái đường còn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng 12 vị danh nhân lịch sử, văn hóa của Việt Nam và Nam bộ. Trong đó, nơi chính giữa trang trọng nhất là thờ Bác Hồ.

Văn miếu Trấn Biên còn trở thành nơi kết nối với gần 60 ban quý tế các đình, đền thờ trong tỉnh, nhằm bảo tồn, gìn giữ các nghi thức tế lễ truyền thống tại đình làng Nam bộ. Hàng năm, vào ngày giỗ Bác Hồ (21-7 âm lịch), ban quý tế các đình trong tỉnh đều về đây luân phiên tiến hành các nghi thức cúng giỗ.

Đặc biệt, Văn miếu Trấn Biên còn là nơi vinh danh những người ưu tú của vùng đất Đồng Nai, các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, những người đoạt các giải thưởng cao trong nước và quốc tế. Đây chính là nơi đề cao giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh với nhiều hình thức. Ngay cả việc thờ Khổng Tử, không phải là tôn thờ cá nhân, mà là hình thức xiển dương bậc “triết nhân của mọi thời đại” qua lăng kính tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thanh Thúy

Bài  3: Phát huy giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều