Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy vừa tổ chức buổi tọa đàm trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy vừa tổ chức buổi tọa đàm trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
Đồng chí Huỳnh Văn Hồng, Ủy viên Ban TVTU, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, khen thưởng các đơn vị thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát. Ảnh: P. Hằng |
Đồng chí Nguyễn Thị Vân, Trưởng phòng Nghiệp vụ 4, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, chia sẻ rằng Điều lệ Đảng qua các thời kỳ đều khẳng định: “Kiểm tra, giám sát là chức năng lãnh đạo của Đảng”. Để thực hiện nhiệm vụ giao, những năm qua Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy luôn nghiên cứu, tổng hợp, nhận định tình hình, đề xuất những giải pháp về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng cho Ban TVTU một cách có hiệu quả.
* Làm tốt công tác tham mưu
Theo đó, hàng năm 6 tháng/lần, Ban TVTU tổ chức kiểm tra các Đảng bộ trực thuộc về tình hình thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã tham mưu Ban TVTU chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc thực hiện hàng ngàn lượt kiểm tra tổ chức Đảng cấp dưới trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra. Từ năm 2008 đến nay, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy còn phối hợp các đơn vị để tham mưu Ban TVTU xây dựng, thực hiện quyết định về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tiếp tục tham mưu Ban TVTU bổ sung, sửa đổi các quy chế phù hợp tình hình mới sau Đại hội XII của Đảng, nhằm thực hiện ngày càng có hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng.
Đồng chí Huỳnh Văn Hồng, Ủy viên Ban TVTU, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, bày tỏ cán bộ làm công tác kiểm tra đang nằm chung tình trạng với đội ngũ cán bộ các ngành khác khi chế độ chính sách còn bất cập, cào bằng. Một phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra làm việc ở nơi có 1 ngàn đảng viên cũng hưởng chế độ như nơi có vài trăm đảng viên, người làm nhiều cũng hưởng như người làm ít, như thế khó phát huy năng lực, thẩm quyền, trách nhiệm của cán bộ. Cơ sở là nơi sát dân nhất nhưng chế độ chính sách hầu như không có gì. Thậm chí có việc Đảng đã quy định rõ nhưng thực tế không triển khai được, như những nơi có từ 200 đảng viên thì được một cán bộ chuyên trách công tác Đảng nhưng thực tế chưa có hướng dẫn nào nên không thực hiện được. |
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cũng như ủy ban kiểm tra các cấp không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn thực hiện đầy đủ, toàn diện các nhiệm vụ theo Điều 32 Điều lệ Đảng. Tuy nhiên, vẫn có lúc ủy ban kiểm tra các cấp chưa đề xuất cho cấp ủy giải quyết được những vấn đề bức bách, nổi cộm ở từng địa phương, đơn vị, mới chỉ tham mưu cấp ủy xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát định kỳ, hàng năm. Có nơi, có lúc nội dung kiểm tra chưa đi vào trọng tâm, trọng điểm, kiểm tra nhiều cuộc trong cùng một thời điểm gây áp lực cho tổ chức Đảng cấp dưới. Việc phối hợp trong kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng giữa ủy ban kiểm tra với các cơ quan, đơn vị liên quan có lúc chưa chặt chẽ, còn hình thức.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Vân, cần quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kiểm tra đủ tâm và có tầm, có bản lĩnh chính trị và nghiệp vụ vững vàng. Quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ kiểm tra có kỹ năng tác nghiệp, thu thập xử lý thông tin tốt, tránh trông chờ chỉ đạo từ cấp trên.
* Quan tâm cán bộ kiểm tra ở cơ sở
Trước thực trạng đơn thư tố cáo một số nơi rất phức tạp, đơn tố cáo giấu tên, mạo tên, đơn tố cáo tập thể nhiều, tập trung vào các thời điểm chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, bầu cử HĐND, chuẩn bị đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nhưng việc xem xét, giải quyết theo thẩm quyền còn chậm, lúng túng, bị động… đồng chí Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, cho rằng muốn giải quyết tốt vấn đề, cán bộ làm công tác xử lý đơn, thư phải nắm vững nguyên tắc, quy định của Đảng, của pháp luật. Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, tận tâm với công việc thì việc nghiên cứu, xử lý, phân loại nội dung đơn thư mới đảm bảo kịp thời, đúng quy định.
Cán bộ kiểm tra trong tỉnh gặp gỡ, chia sẻ nhân ngày truyền thống ngành. |
Khi nhận đơn, trước tiên phải phân loại đơn (có tên hay mạo tên), sau đó phân biệt nội dung, thẩm quyền xem xét xử lý đơn để tham mưu xử lý chính xác. Khi xử lý đơn giấu tên, mạo tên có thể lựa chọn nội dung xem xét, chuyển quy trình kiểm tra, giám sát. Khi xem xét đơn có tên, chuyển cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét giải quyết và tham mưu ủy ban kiểm tra xem xét, giải quyết những trường hợp thuộc thẩm quyền.
Đối với những đơn, thư có nhiều nội dung khác nhau, phải tách từng nội dung, lựa chọn nội dung trọng tâm để xem xét. Đơn có nhiều người đứng tên tố cáo, đơn gửi vượt cấp, giải quyết theo quy định hiện hành hoặc sử dụng nguồn thông tin phản ánh chuyển quy trình kiểm tra, giám sát để làm rõ xác định đúng, sai.
Khi chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, phải theo dõi, đôn đốc việc xử lý đơn…
Đối với công tác kiểm tra ở cấp huyện và cơ sở, theo phản ánh của đồng chí Đặng Vũ Hiệp, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tân Phú, cán bộ kiểm tra của chi bộ và ủy viên ủy ban kiểm tra Đảng ủy cơ sở giống như tai mắt của các tổ chức Đảng. Nhưng đội ngũ cán bộ kiểm tra ở cơ sở hiện nay chưa đủ tầm để thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, nhiều người còn non kém về nghiệp vụ. Nhiều cấp ủy coi nhiệm vụ kiểm tra, giám sát là của ủy ban kiểm tra. Để nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, hãy bắt đầu từ cơ sở. Kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng.
Cùng chung ý kiến này, đồng chí Nguyễn Thị Hà, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Biên Hòa, cho hay số lượng ủy viên ủy ban kiểm tra ở cơ sở còn cào bằng, chưa phù hợp tình hình từng nơi. Ở Biên Hòa, có phường 800-1.000 đảng viên nhưng bộ máy ủy ban kiểm tra cơ sở cũng chỉ có 3-5 ủy viên. Song chỉ có phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra là chuyên trách, còn lại đều kiêm nhiệm nên chất lượng hoạt động của ủy ban kiểm tra cơ sở chưa cao; chế độ chính sách cho cán bộ kiểm tra cơ sở chưa phù hợp. Hiện nay, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cơ sở chỉ được hưởng hệ số 1,58 mức lương cơ bản và là cán bộ bán chuyên trách, do đó đã có vài cán bộ kiểm tra phường, xã xin nghỉ việc để tìm việc khác thu nhập cao hơn.
Tính từ năm 1986 đến nay, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và ủy ban kiểm tra của cấp ủy các cấp đã kiểm tra trên 133 tổ chức Đảng và 2.500 đảng viên có dấu hiệu vi phạm; đồng thời kiểm tra gần 5.900 tổ chức Đảng trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, nhiệm vụ thi hành kỷ luật Đảng, việc quản lý sử dụng ngân sách tài chính Đảng... Qua đó, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã xử lý trên 10 ngàn đảng viên vi phạm. Việc kiểm tra, giám sát không những xử lý kịp thời các sai phạm của đảng viên, giữ gìn sự trong sạch của Đảng mà còn có tác dụng cảnh báo, ngăn chặn, giúp đảng viên khắc phục ngay những hạn chế khi vừa manh nha. Từ đó, số đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật đã giảm qua các năm, nếu như năm 2006 là 1,03%, nay còn 0,23%. |
Phương Hằng