Cách đây 86 năm, ngày 14-10-1930 Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng lâm thời đã thông qua Điều lệ Đảng, trong đó quy định: "Trung ương chiếu theo các việc mà lập ra các bộ: tổ chức, tuyên truyền, công nhân vận động...
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phạm Văn Ru. |
Cách đây 86 năm, ngày 14-10-1930 Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng lâm thời đã thông qua Điều lệ Đảng, trong đó quy định: “Trung ương chiếu theo các việc mà lập ra các bộ: tổ chức, tuyên truyền, công nhân vận động... Từ đó, ngày 14-10-1930 Bộ Tổ chức - tiền thân của ngành tổ chức Đảng được thành lập.
Ở Đồng Nai, tháng 1-1976 Trung ương Đảng ra quyết định thành lập tỉnh Đồng Nai trên cơ sở sáp nhập 3 tỉnh: Biên Hòa, Bà Rịa - Long Khánh và Tân Phú. Khi tỉnh được thành lập, các ban trực thuộc Tỉnh ủy được thành lập ngay sau đó, trong đó có Ban Tổ chức Tỉnh ủy. 40 năm qua, ngành tổ chức xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh đã ra sức phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ được giao về công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ, chính sách, đào tạo.
Nhân kỷ niệm 86 năm Ngày truyền thống ngành tổ chức xây dựng Đảng và 40 năm thành lập Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với đồng chí PHẠM VĂN RU, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, về những vấn đề trong công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là việc phát triển Đảng và công tác cán bộ.
Xin đồng chí cho biết những thành tựu nổi bật trong công tác tổ chức, cán bộ của Đồng Nai thời gian qua?
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu Ban TVTU chỉ đạo và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X và đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015-2020. Qua đại hội, một số tiêu chí theo quy định của Trung ương đã được Đồng Nai thực hiện đạt và vượt, như: ở cấp cơ sở, số cấp ủy viên nữ chiếm 23,03% (tăng 2,34% so với nhiệm kỳ trước); trẻ tuổi (dưới 35 tuổi) chiếm 16,71% (tăng 3,82%). Đồng thời, tích cực tham mưu Ban TVTU chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đạt nhiều kết quả quan trọng. Tham mưu công tác lãnh đạo, chỉ đạo bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021 thành công tốt đẹp. Ban Tổ chức Tỉnh ủy hiện đang tham mưu Ban TVTU xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban TVTU và các chức danh chủ chốt của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.
Để công tác tổ chức xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh thực hiện hiệu quả, Ban Tổ chức Tỉnh ủy còn tham mưu Ban TVTU và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sửa đổi, bổ sung nhiều quy định, hướng dẫn về công tác tổ chức Đảng, đảng viên; công tác tổ chức cán bộ; công tác bảo vệ chính trị nội bộ nhằm phù hợp hơn tình hình và sát thực tế.
Nếu như đầu năm 1976, Đồng Nai có 1.482 đảng viên thì tính đến tháng 9-2016 Đảng bộ tỉnh có hơn 70.600 đảng viên. Để có sự lớn mạnh này, Đồng Nai đã có những giải pháp gì, thưa đồng chí?
Phát triển Đảng chỉ là một tiêu chí mà các chi, Đảng bộ phải phấn đấu. Phát triển Đảng không phải là tiêu chí chính để đánh giá tổ chức Đảng. Phát triển Đảng là nhiệm vụ mà các tổ chức Đảng đương nhiên phải làm. |
- Xác định công tác phát triển Đảng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng nên hàng năm, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đều tham mưu Ban TVTU kế hoạch phân bổ chỉ tiêu cho từng Đảng bộ trực thuộc, làm cơ sở giao chỉ tiêu cho các chi, Đảng bộ thực hiện. Khi giao chỉ tiêu, căn cứ cụ thể vào số lượng nguồn trung kiên ở từng chi, Đảng bộ cơ sở. Ban thường vụ các cấp ủy trực thuộc tỉnh đều quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đảng viên mới, luôn tạo điều kiện để các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức nhiều phong trào, phát hiện nhân tố điển hình, tiên tiến để lựa chọn đưa vào danh sách cảm tình Đảng và cử đi học các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Do đó, tỉnh luôn có một lượng nguồn trung kiên rất lớn. Ngoài 2.637 đảng viên đã được kết nạp trong 9 tháng của năm 2016, hiện nay toàn tỉnh còn hơn 9 ngàn quần chúng trung kiên.
Trong phát triển Đảng, Đảng bộ tỉnh luôn chú trọng kết nạp vào Đảng những quần chúng ưu tú là công nhân, nhất là công nhân trực tiếp sản xuất; quần chúng nòng cốt ở địa bàn dân cư; công chức, viên chức, sinh viên, đồng bào có đạo và đồng bào các tôn giáo.
Hiện nay nhiều ý kiến băn khoăn về việc chạy theo chỉ tiêu, vì không hoàn thành chỉ tiêu thì cuối năm tổ chức Đảng không được xem xét hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Do vậy có nơi đã chạy theo số lượng, một số đảng viên được kết nạp vào Đảng nhưng chưa thực sự “chín muồi”. Đồng chí đánh giá như thế nào về thực trạng này?
- Trước đây, nghị quyết Tỉnh ủy đề ra chỉ tiêu kết nạp 7-8% đảng viên/năm. Sau đó vì một số Đảng bộ trực thuộc tỉnh khó khăn về nguồn trong phát triển Đảng, đồng thời xét thấy có nơi chạy theo thành tích trong phát triển Đảng nên Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đã xem xét, đánh giá lại tình hình, quyết định hạ chỉ tiêu phát triển Đảng xuống còn 5-6%/năm. Tuy nhiên không phải Đảng bộ nào cũng thực hiện chỉ tiêu này. Tùy từng Đảng bộ mà Ban TVTU giao chỉ tiêu cụ thể, như Biên Hòa với số lượng đảng viên đông, nguồn hạn chế nên chỉ phải thực hiện 4-5%/năm. Ngược lại, một số huyện khác thuận lợi về nguồn, tỉnh giao chỉ tiêu cao hơn.
Đồng chí Trần Văn Tư, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, trao quyết định điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ của tỉnh. |
Bác Hồ đã nói: “Cán bộ là cái gốc của công việc”; “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Vậy, công tác cán bộ ở Đồng Nai đã được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
- Đồng Nai luôn thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Khi bố trí cán bộ ở một vị trí công tác luôn gắn với yêu cầu nhiệm vụ chính trị cụ thể. Luôn phát huy vai trò trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu trong xây dựng đội ngũ cán bộ. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn cho cán bộ.
Do tỉnh đặt ra yêu cầu tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị của cán bộ cao hơn quy định Trung ương, nên nhu cầu đào tạo cán bộ ở Đồng Nai rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu đào tạo của cán bộ, mỗi năm tỉnh đã phối hợp các trường của Trung ương mở 2-3 lớp cử nhân, cao cấp lý luận chính trị, nhiều đợt bồi dưỡng cho cán bộ ở trong và ngoài nước… Đến nay đội ngũ cán bộ của tỉnh đều đạt chuẩn theo quy định.
Bên cạnh việc chú trọng đào tạo, bồi dưỡng qua trường lớp, tỉnh chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ qua thực tiễn, thông qua hình thức luân chuyển cán bộ từ tỉnh về các địa phương để cán bộ, nhất là cán bộ trẻ được tiếp cận thực tế, gần dân, sát dân, với mong muốn mỗi cán bộ khi được phát triển phải toàn diện về mọi mặt, đồng thời chọn người phải có chuyên môn, tâm huyết để có cán bộ tốt.
Xin cảm ơn đồng chí!
Thời gian gần đây có nhiều cán bộ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước nhưng khi giải trình vẫn là đúng quy trình. Quy trình đúng nhưng cần người có tâm, đủ tầm trong lựa chọn cán bộ. Đồng chí có chia sẻ gì về điều này? - Quy trình là những quy định được thiết lập trên cơ sở đảm bảo cho chất lượng. Muốn chọn cán bộ, đầu tiên phải đánh giá cán bộ. Sau đó công khai dân chủ, lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên nơi công tác, nơi cư trú. Trên cơ sở đó, tập thể lãnh đạo cho ý kiến, phương án nào được đa số ý kiến đồng ý thì quyết định. Khi thực hiện quy trình này, nếu bỏ sót nội dung nào hoặc làm không đến nơi đến chốn thì dễ xảy ra sai sót. Đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức luôn phải thấm nhuần phương châm công tác cán bộ có vị trí quyết định trong xây dựng đội ngũ cán bộ. |
Phương Hằng (thực hiện)