Trái tim của ông Hoàng Phi Hổ đã tắt nghỉ vào lúc 6 giờ ngày 16-10-2016 ở tuổi 87. Bát thập cổ lai hy, theo luật trời, vậy là thọ, mãn nguyện. Nhưng, trái tim người lính - anh bộ đội Cụ Hồ ở đồng chí Hoàng Phi Hổ dường như không tắt, còn thao thức với đời, nồng ấm với người, khiến những con tim người khác, đặc biệt là giới trẻ noi gương để nối nhịp với truyền thống cách mạng.
Trái tim của ông Hoàng Phi Hổ đã tắt nghỉ vào lúc 6 giờ ngày 16-10-2016 ở tuổi 87. Bát thập cổ lai hy, theo luật trời, vậy là thọ, mãn nguyện. Nhưng, trái tim người lính - anh bộ đội Cụ Hồ ở đồng chí Hoàng Phi Hổ dường như không tắt, còn thao thức với đời, nồng ấm với người, khiến những con tim người khác, đặc biệt là giới trẻ noi gương để nối nhịp với truyền thống cách mạng.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Huỳnh Văn Tới mừng thọ ông Hoàng Phi Hổ nhân Ngày Quốc tế Người cao tuổi 2016. |
Hoàng Phi Hổ, tên khai sinh là Võ Thành Dương, sinh năm 1929 trong một gia đình cách mạng ở ấp Vĩnh Phước, xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Ông tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, nhiệm vụ đầu tiên được giao là Thư ký Ban chấp hành Thanh niên xã, góp công trong Cách mạng tháng Tám ở quê hương. Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, ông trải qua nhiều nhiệm vụ: Đội trưởng Đội tự vệ, Tiểu đội phó địa phương huyện Chợ Gạo, Tiểu đội trưởng chủ lực tỉnh D306 Mỹ Tho, Tiền Giang; Đội trưởng xung kích C7 Thủ Thừa, Tiền Giang; được tặng danh hiệu Anh hùng giết giặc số 1 C7. Năm 1953 ông bị thương và bị địch bắt. Đến tháng 8-1954 ông được trao đổi tù binh. Sau khi ra tù, ông được phân công giữ chức Đại đội phó C2, D10, Quân khu 9.
Từ tháng 10 năm 1954, ông trong đội hình tập kết ra Bắc, tham gia chiến dịch Tây Bắc năm 1955 cùng đơn vị C142. Năm 1957, ông được điều về Nông trường Thống Nhất tỉnh Thanh Hóa, năm sau phụ trách Trạm trưởng Trường cơ khí Bộ Nông lâm tại Hà Nội. Năm 1959-1960, ông tiếp tục trở lại công tác tại Nông trường Thống Nhất. Năm 1961, ông được cử đi học đại học chính trị tại Trường Tổng công đoàn Trung ương. Đến năm 1965, Trung ương quyết định đưa ông đi học tại Trường Nguyễn Ái Quốc, rồi lên đường trở lại miền Nam.
Mười năm chiến đấu chống Mỹ, ông gắn liền với vùng đất “Miền Đông gian lao mà anh dũng”, trải qua nhiều công việc, luân chuyển đi nhiều nơi: cán bộ Tỉnh ủy Bà Rịa, tham gia cấp ủy ở các huyện: Cao Su, Châu Thành, Xuyên Mộc; Hiệu trưởng Trường 20/7 Tỉnh ủy Bà Rịa - Long Khánh. Sau năm 1975, ông từng giữ nhiệm vụ Phó bí thư Huyện ủy Xuân Lộc, Bí thư Đảng ủy khối Dân chính Đảng tỉnh Đồng Nai; nghỉ hưu từ năm 1992, nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng vào năm 2015.
Bước chân của anh bộ đội Cụ Hồ Hoàng Phi Hổ đã in dấu trên khắp nẻo đường đất nước, xuyên khắp các chặng đường cách mạng, từ chiến trường đến nông trường, việc gì được giao cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt được, luôn là gương sáng trong chiến đấu và lao động.
Khi về nghỉ hưu về sinh sống tại KP.2, phường Xuân An (TX.Long Khánh), đồng chí Hoàng Phi Hổ là một cựu chiến binh năng nổ, hạt nhân đoàn kết của cộng đồng. Ông tích góp tư liệu từ nhiều nguồn, tự tay cắt dán, treo đóng, biến ngôi nhà thành một “trung tâm tư liệu tổng hợp”, là cơ sở sinh hoạt truyền thống nồng ấm của địa phương.
Người đời không thể quên hình ảnh một cựu chiến binh cao to, luôn với bộ quân phục chỉnh chu, rực rỡ huân huy chương, tính khí hào sảng, có mặt ở mọi nơi hoạt động nghĩa tình. Đóng góp ý kiến cho chính quyền địa phương, cho cán bộ trẻ làm nhiệm vụ phụng sự nhân dân, ông thường dẫn chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh và phẩm chất bộ đội Cụ Hồ để nêu gương. Sự thẳng thắn và chân tình, quyết liệt và kiên trì cùng với tấm gương tận tụy vì dân của chính ông đã thuyết phục nhiều người nghe và làm theo. Ông ghét cay ghét đắng sự gian dối, vụ lợi, lạm dụng quyền lực, xa rời lý tưởng, xem thường người dân; đấu tranh với nó không khoan nhượng, có lúc phật lòng nhiều người, nhưng lòng thật khẳng khái của ông luôn tỏa sáng, tràn đầy nhân tính.
Khi nhận được quà tặng gồm nhiều thứ, ông rưng rưng với cuốn sách ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Đồng Nai, mắt ươn ướt như kỷ niệm tràn về. Nằm trên giường bệnh, lòng ông luôn hướng về cuộc sống, dành lời lạc quan truyền lửa cho cháu con và lớp trẻ.
Một người thuộc thế hệ vàng như ông Hoàng Phi Hổ đã ra đi, điều để lại luôn là vốn quý. Nếu không nhận biết để tiếp nối, sẽ thêm một sự mất mát giá trị được truyền lại từ tâm huyết và máu xương của ông bà ta.
Tưởng nhớ ông Hoàng Phi Hổ, xin mượn lời trong một biểu trưng mừng ông thượng thọ: “Cây cao, bóng cả, cội nguồn. Một đời để lại tình thương cho đời”.
HUỲNH VĂN TỚI