Những năm qua, công tác tuyên giáo đã bám sát tình hình, chủ động nâng cao chất lượng, tham mưu cấp ủy lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, góp phần ổn định tư tưởng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Những năm qua, công tác tuyên giáo đã bám sát tình hình, chủ động nâng cao chất lượng, tham mưu cấp ủy lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, góp phần ổn định tư tưởng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Đồng chí Thái Bảo,Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, trao bằng khen của UBND tỉnh cho các báo cáo viên giỏi lý luận chính trị năm 2016-2017. Ảnh: D.AN |
Tuy nhiên, thực tế phát triển của đất nước nói chung và Đồng Nai nói riêng đang đặt ra nhiều vấn đề cho công tác tuyên giáo. Nhân kỷ niệm 87 năm Ngày truyền thống công tác tuyên giáo của Đảng (1-8), phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Thái Bảo, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Đồng chí Thái Bảo cho biết:
- Khi nói đến công tác tuyên giáo, tức là nói đến nhiệm vụ tham mưu chiến lược cho cấp ủy Đảng trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, lý luận chính trị, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, khoa giáo, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương. Đây là những lĩnh vực rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng. Chính vì vậy, công tác tuyên giáo trong thời gian tới phải không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu. Để thực hiện tốt công tác tham mưu, đội ngũ cán bộ tuyên giáo phải thật sự chủ động, tích cực, sáng tạo, đổi mới, có năng lực và phẩm chất chính trị, toàn tâm toàn ý, vững vàng về tư tưởng, giỏi về chuyên môn, tinh thông về nghiệp vụ, năng động, sáng tạo và nhạy bén.
* Theo đồng chí, đâu là những vấn đề đang đặt ra cho ngành tuyên giáo hiện nay?
Từ nay đến cuối năm, công tác tuyên giáo của tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, trong đó có Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 và 6 khóa XII. Tổ chức tuyên truyền các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và địa phương, các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng, các phong trào thi đua yêu nước. Chủ động nắm bắt, dự báo đúng tình hình diễn biến tư tưởng của các tầng lớp nhân dân, các đối tượng xã hội, những vấn đề tư tưởng mới nảy sinh liên quan những lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp. Đi đôi với đó, cần tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực đời sống xã hội; đấu tranh những mặt trái, tiêu cực của đời sống xã hội… |
- Quá trình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay đang đặt ra cho công tác tuyên giáo phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Công tác tuyên giáo luôn phải giải quyết được câu hỏi: làm gì và làm như thế nào để thực hiện tốt hơn nữa vai trò đi trước, mở đường của công tác tư tưởng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, để gắn kết thường xuyên, chặt chẽ công tác tuyên giáo với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết từ sớm, từ gốc những vấn đề có thể dẫn đến nảy sinh bức xúc về tư tưởng.
Trong công tác tuyên giáo, phải rất coi trọng tuyên truyền miệng. Muốn vậy, cần phải có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác tuyên giáo, nhất là đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp. Đây là lực lượng trực tiếp truyền bá sâu rộng chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phổ biến giáo dục, quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về các vấn đề thời sự quan trọng trong nước và quốc tế, những vụ việc phức tạp phát sinh trên địa bàn. Qua đó để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ, đề cao cảnh giác, tích cực đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; phê phán các quan điểm sai trái, lệch lạc, phản động, chống phá chế độ ta, góp phần tạo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận xã hội.
*Thưa đồng chí, trong thời đại ngày nay khi công nghệ thông tin phát triển, công tác tuyên giáo có thuận lợi, khó khăn gì, và đâu là giải pháp để khắc phục những khó khăn đó?
- Cuộc cách mạng khoa học- công nghệ, nhất là công nghệ thông tin ngày càng phát triển. Không có lĩnh vực nào, không có nơi nào không có mặt của công nghệ thông tin. Tác động của công nghệ thông tin đối với xã hội vô cùng to lớn, nó không chỉ kéo theo sự biến đổi phương thức sáng tạo của cải, mà còn trong lối sống và tư duy của con người.
Đối với công tác tuyên giáo, thời gian qua nhờ việc ứng dụng công nghệ thông tin nên việc triển khai, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước luôn được kịp thời thông qua hình thức trực tuyến, tiết kiệm thời gian, kinh phí tổ chức. Việc chuyển tải thông tin, trao đổi thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác tuyên giáo ngày càng nhanh hơn; tác phong làm việc của cán bộ tuyên giáo ngày càng khoa học hơn, tiến bộ hơn, chất lượng công tác được nâng lên rõ rệt.
Tuy nhiên, sự bùng nổ thông tin như hiện nay đang đặt ra thách thức mới cho công tác tuyên giáo về cách thức tiếp cận thông tin của cán bộ, đảng viên và mỗi người dân ngày càng đa dạng, sự chia sẻ thông tin nhanh nhạy chưa từng có. Vì vậy, nếu công tác tuyên truyền, định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội thiếu nhạy bén, không kịp thời sẽ dẫn đến lạc hậu. Đã lạc hậu thì công tác tư tưởng sẽ không làm tốt vai trò của mình là “đi trước, đi cùng và đi sau” trong dự báo, định hướng tuyên truyền.
Đối tượng của công tác tuyên giáo là con người, hoạt động tuyên giáo là tác động vào tư tưởng, tình cảm, nhận thức của con người. Do đó, công tác tuyên giáo phải làm chủ định hướng dư luận xã hội, phải đáp ứng được yêu cầu cung cấp thông tin chính thống cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Công tác tuyên giáo phải tiếp tục đổi mới, linh hoạt, mềm dẻo hơn.
Xin cảm ơn đồng chí!
Phương Hằng (thực hiện)