Báo Đồng Nai điện tử
En

Vị Xuyên, tháng bảy

10:07, 26/07/2017

Tháng bảy, trời Vị Xuyên ngày nào cũng âm u, lất phất mưa, có lúc chợt trĩu hạt ướt đẫm những bộ quân phục bạc màu trong Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang)

Tháng bảy, trời Vị Xuyên ngày nào cũng âm u, lất phất mưa, có lúc chợt trĩu hạt ướt đẫm những bộ quân phục bạc màu trong Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang). Bất chấp gió mưa, nhiều cựu chiến binh từng tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc từ năm 1984-1989, trong đó chủ yếu là Sư đoàn 356, vẫn lặng lẽ cùng nhau đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, không chỉ vì tháng bảy là dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - liệt sĩ, mà từ 32 năm rồi ngày 12-7 được chọn là ngày giỗ chung của các liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc ở mặt trận Vị Xuyên - Thanh Thủy.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Huỳnh Văn Tới thắp hương viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên. Ảnh: H.LAM
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Huỳnh Văn Tới thắp hương viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên. Ảnh: H.LAM

Đất nước vừa thống nhất ngày 30-4-1975, quân dân cả nước còn gian nan chiến đấu với thù trong giặc ngoài, khắc phục hậu quả chiến tranh, thì tháng 2-1979 hơn 600 ngàn quân Trung Quốc đồng loạt tấn công vào biên giới 6 tỉnh phía Bắc với âm mưu “vẽ” lại biên giới Việt - Trung. Sau 30 ngày chiến đấu quyết liệt buộc Trung Quốc phải rút quân, từ tháng 4-1984 đến tháng 5-1989, Trung Quốc lại lần lượt đưa hơn 500 ngàn quân tràn sang biên giới Hà Giang, chiếm các cứ điểm ở huyện Vị Xuyên với mục tiêu dùng nơi này làm bàn đạp để tiến sâu hơn vào nước ta.

* “Họ đã chiến đấu vì Tổ quốc”

Ông Hoàng Văn Hoàng, quản trang Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, cựu chiến binh từng tham gia mặt trận Vị Xuyên năm xưa, bồi hồi cho biết từ ngày 28-4 đến 16-5-1984, quân Trung Quốc chiếm đóng trái phép nhiều vị trí trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm các cao điểm: 1509, 772, 685, 233, 226, 1030, bình độ 300-400 thuộc huyện Vị Xuyên và cao điểm 1250 thuộc huyện Yên Minh (tỉnh Hà Giang hiện nay, thời điểm đó gọi là tỉnh Hà Tuyên). Mặt trận Vị Xuyên lúc ấy vô cùng ác liệt. Là lính trinh sát, ông Hoàng cùng đồng đội được phân công điều nghiên các cao điểm suốt 2 tháng trời, chuẩn bị cho quân ta phản công giành lại đất đai của Tổ quốc. Khu vực này lúc ấy bị quân Trung Quốc chiếm giữ, mìn giăng dày đặc, thám báo khắp nơi nên các tổ trinh sát chỉ có thể hoạt động ban đêm. Trong bóng đêm lạnh lẽo của rừng núi, trong điều kiện hoạt động rất nguy hiểm, các chiến sĩ trinh sát vượt những ngọn núi cao, dốc đứng lởm chởm đá tai mèo sắc nhọn cứa vào người rướm máu, vừa dò mìn, tránh thám báo, vừa điều nghiên địa hình để hoàn thành nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Văn Tiến (ngụ thôn Tiến Thắng, xã Phương Thiện, TP.Hà Giang, tỉnh Hà Giang), người gốc Hà Nội, là một trong số 20 ngàn dân công chi viện từ miền xuôi lên để tham gia đào đắp giao thông hào xây dựng phòng tuyến chiến đấu, vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, chuyển thương binh…, cho biết thời điểm ấy pháo Trung Quốc dội vào Hà Giang bất kể ngày đêm. Trong hơn 5 năm (1984-1989), số lượng pháo Trung Quốc bắn vào Hà Giang ước trên 2 triệu quả, trong đó 60% là đạn cối. Có đợt chỉ trong 3 ngày Trung Quốc đã bắn hơn 100 ngàn quả đạn vào khu vực Vị Xuyên. Cả huyện Vị Xuyên dường như lúc nào cũng ám màu khói pháo, nồng mùi thuốc súng, nhưng đường phố vẫn hối hả với đủ loại xe vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược lên trận địa. Người dân Vị Xuyên kiên cường đào hầm trú ẩn khắp nơi, từ trường học, xí nghiệp cho đến chợ, khu dân cư. Thanh niên Vị Xuyên rủ nhau vào bộ đội hoặc tham gia đội dân quân tự vệ, dân công hỏa tuyến phục vụ chiến trường biên giới, cả ngày rầm rập luyện tập. Hà Giang đất rộng người thưa, thế nhưng thời điểm ấy có đến 12 ngàn người xung phong tham gia dân công hỏa tuyến. Sau 9 năm sống trong hòa bình, không khí chống ngoại xâm bảo vệ đất nước ở Hà Giang càng sôi sục hơn bao giờ hết.

Rạng sáng 12-7-1984, các đơn vị: Trung đoàn 876 (Sư đoàn 356), Trung đoàn 174 (Sư đoàn 316) và Trung đoàn 141 (Sư đoàn 312) nổ súng tiến công các điểm tựa 772, bình độ 300-400, điểm tựa 1030 để chiếm lại phần lãnh thổ bị xâm lược. 820 chiến sĩ đã bị thương, khoảng 600 người hy sinh chỉ trong 1 ngày này, chủ yếu là chiến sĩ Sư đoàn 356...

Sau 5 năm với biết bao xương máu của quân dân cả nước, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc kết thúc thắng lợi. Tháng 9-1989, quân Trung Quốc lần lượt rút quân khỏi các vị trí đã chiếm đóng trên lãnh thổ Việt Nam. Nhưng cũng trong 5 năm đó, hơn 4 ngàn cán bộ, chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm xuống, trên 9 ngàn người mang thương tật, máu xương nhân dân Việt Nam như bao thế hệ cha ông đi trước đã tưới thắm mảnh đất Hà Giang để chặn đứng âm mưu xâm lược, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Mãi mãi tuổi 18

Ông Hoàng Văn Hoàng cho biết Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên hiện nay là nơi an nghỉ của 1.746 liệt sĩ đến từ 33 tỉnh, thành phố trên khắp mọi miền đất nước, trong đó chỉ có 8 ngôi mộ là của các liệt sĩ thời chống Pháp và chống Mỹ, còn lại hầu hết là mộ của các liệt sĩ hy sinh trong những năm chiến đấu bảo vệ Vị Xuyên; có 264 phần mộ liệt sĩ chưa biết tên. Phần lớn các liệt sĩ nằm lại mãi mãi ở tuổi mười tám, đôi mươi, có người ngày hy sinh chỉ cách ngày nhập ngũ đúng 3 tháng.

Đài tưởng niệm chiến sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên.
Đài tưởng niệm chiến sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên.

Ông Nguyễn Văn Tiến nhớ lại, thời điểm đó quân Trung Quốc khống chế gần như hoàn toàn các tuyến đường bộ nên quá trình chuyển thương ở hỏa tuyến rất khó khăn. Thương binh muốn đưa về tuyến sau chỉ có thể chuyển theo đường núi; bộ đội, dân công tải thương phải tìm mọi cách vượt qua vách đá, đèo dốc, có khi phải trườn bò, dùng dây thừng đưa thương binh xuống trong điều kiện pháo dập bom vùi nên tỷ lệ thương vong của chiến sĩ tải thương rất cao, chiếm 30% tổng số thương binh.

Nhưng điều khiến mọi người đau xót, ray rứt là đến nay vẫn còn khoảng 2 ngàn liệt sĩ nằm rải rác khắp chiến trường Vị Xuyên chưa quy tập được hài cốt. Trong 5 năm chiến đấu, có những lúc chiến sĩ ta hy sinh gần sát nơi địch chiếm đóng nên chưa thể đưa về tuyến sau, thì địch đã dùng bom xăng thiêu hủy. 28 năm qua, đồng đội cùng các cơ quan chức năng vẫn không quên các anh, luôn nỗ lực tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ Vị Xuyên. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ nơi đây gặp rất nhiều khó khănvì địa hình chiến đấu năm xưa phần lớn là núi cao nhiều thung khe, hẻm núi, trải rộng trên phạm vi lên đến 80 ngàn hécta vẫn còn sót lại nhiều bom mìn, vật liệu nổ. Từ  năm 2012 đến nay, Hà Giang tìm kiếm, quy tập được 41 hài cốt liệt sĩ, trong đó chỉ có 4 hài cốt xác định được danh tính đã bàn giao về cho người thân liệt sĩ đưa về quê hương, còn 37 hài cốt chưa xác định được danh tính được đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên với dòng chữ nhói lòng trên bia mộ: Liệt sĩ chưa biết tên.

 “Các anh đã chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc. Máu xương các anh đã hòa trong từng tấc đất để giữ vững chủ quyền biên giới. Thế hệ chúng ta hôm nay vĩnh viễn không quên điều thiêng liêng ấy” - đứng trước đài tưởng niệm chiến sĩ của Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên vươn cao như ngọn đuốc, ông Hoàng Văn Hoàng cảm khái nói.

Theo ông Hoàng Văn Hoàng, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên được xây dựng từ năm 1991 với diện tích hơn 2 hécta, từ cuối năm 2016 đã được khởi công giai đoạn 2, mở rộng về phía Bắc thêm 4 hécta, đồng thời thi công thêm một số hạng mục như: khu quảng trường, tượng đài, nhà trưng bày. Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên từ lâu đã trở thành điểm đến không chỉ đối với các cựu chiến binh chiến đấu ở chiến trường Vị Xuyên, biên giới phía Bắc năm xưa mà còn là chốn thiêng liêng trong tâm thức của người dân mọi miền đất nước. Người đến Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên mỗi năm mỗi nhiều thêm, năm 2016 đã có trên 3 ngàn đoàn đến viếng nghĩa trang, đó là chưa kể đến người dân địa phương, học sinh các trường thường xuyên đến dâng hương, chăm sóc phần mộ các liệt sĩ.

Hà Lam

 

 

 

 

Tin xem nhiều