Báo Đồng Nai điện tử
En

Chú trọng phát triển kinh tế nhưng cần quan tâm hơn đến vấn đề xã hội

11:10, 26/10/2018

Ngày 26-10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2019.

Ngày 26-10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2019.

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp

Quốc hội cũng đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

* Thực hiện thành công nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao những điều hành, quản lý kinh tế - xã hội của Chính phủ trong thời gian qua, giúp đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức trong đầu nhiệm kỳ; đạt được nhiều kết quả tích cực, tăng cường niềm tin trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Theo các đại biểu, kinh tế - xã hội năm 2018 đã đạt nhiều thắng lợi, đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong sự điều hành vững chắc, sát sao, quyết liệt của Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Đây là năm thứ hai liên tiếp chúng ta đạt được hầu hết tất cả các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, trong đó có hơn 2/3 các chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Những thành tựu đó là sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, mà trước hết là vai trò lãnh đạo Trung ương, sự điều hành quyết liệt, sáng tạo của Chính phủ, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và cử tri cả nước vui mừng phấn khởi. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu những băn khoăn, lo lắng của cử tri về tình trạng nhiều dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư, kéo dài thời gian hoàn thiện trong thời gian qua khiến thất thoát lớn nguồn lực nhà nước, gây bức xúc dư luận. Ví dụ như: dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34 ngàn tỷ đồng vừa nghiệm thu, thông xe, chỉ sau vài trận mưa là hỏng; dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông điều chỉnh mức đầu tư so với ban đầu tăng 205,27%; dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2013, nay đã quá 6 năm chưa kết thúc; dự án đường sắt đô thị tuyến Bến Thành - Suối Tiên do UBND TP.Hồ Chí Minh đầu tư với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 17 ngàn tỷ đồng, đã điều chỉnh tăng thêm là hơn 47 ngàn tỷ đồng (tăng 272%); dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối năm 2018 này nhưng đến nay mới hoàn thành 52% khối lượng công việc...

* Cần quan tâm hơn đến các vấn đề xã hội

Nhiều đại biểu đã đánh giá thực trạng và kiến nghị các giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Bên cạnh những thành tựu đạt được, một số đại biểu “chưa thật sự an tâm, còn cảm thấy lo lắng” trước nhiều khó khăn thách thức đã và đang đặt ra trong thời gian tới như chất lượng tăng trưởng tích cực, cải thiện nền kinh tế dựa vào vốn tài nguyên sức lao động, đầu tư nước ngoài; công nghiệp chủ yếu là quan hệ gia công sản xuất; nông nghiệp chưa phát huy lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới; nền nông nghiệp còn chịu nhiều rủi ro về thị trường dễ bị tổn thương; nền kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên thô, lao động giá rẻ, chế biến thô là phổ biến, trong khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chưa thật sự lan tỏa trong nền kinh tế.

Khuyến nghị về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội giao cho Chính phủ, các đại biểu cũng cho rằng cần quan tâm, chú trọng hơn đến các chỉ tiêu về các vấn đề xã hội; tiếp tục tích cực chỉ đạo tăng cường hơn nữa vấn đề phòng, chống tội phạm. Theo đại biểu, thời gian qua tình trạng giết người tàn độc diễn ra ở nhiều nơi, nạn cờ bạc, số đề, cho vay nặng lãi làm phát sinh tín dụng đen, các băng, nhóm đâm thuê, chém mướn, đòi nợ thuê làm nhiều gia đình khốn đốn; bạo lực còn tràn vào nhà trường, bệnh viện... Thực trạng trên đã khiến xã hội phát sinh nhiều tiêu cực, bất an, xuất hiện tình trạng “người ngay sợ kẻ gian.”

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tập trung quyết liệt hơn nữa khắc phục tình trạng buôn lậu, hàng nhái, hàng giả, trốn thuế, gian lận thương mại... Nhiều đại biểu kiến nghị về thực trạng và giải pháp giảm nghèo bền vững cho các vùng nông thôn, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số; các vấn đề về tăng tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội; nâng cao chất lượng y tế, giáo dục - đào tạo...

P. V (tổng hợp)

Tin xem nhiều