Báo Đồng Nai điện tử
En

Phiên chất vấn: Các trưởng ngành trả lời nhiều nội dung sát thực tiễn

09:11, 06/11/2019

Quốc hội đã kết thúc ngày đầu tiên trong ba ngày chất vấn và trả lời chất vấn. Trách nhiệm trả lời chính thuộc về các Bộ trưởng: Nguyễn Xuân Cường, Trần Tuấn Anh, Lê Vĩnh Tân và Nguyễn Mạnh Hùng.

Quốc hội đã kết thúc ngày đầu tiên trong ba ngày chất vấn và trả lời chất vấn. Trách nhiệm trả lời chính thuộc về các Bộ trưởng: Nguyễn Xuân Cường, Trần Tuấn Anh, Lê Vĩnh Tân và Nguyễn Mạnh Hùng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngày 6-11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường.

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ  Quốc hội sẽ dành ba ngày (từ ngày 6-8/11/2019) cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn các Bộ trưởng, Trưởng ngành trước Quốc hội.

Tại Kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với các vấn đề thuộc 4 lĩnh vực: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Công Thương, Nội vụ; Thông tin và Truyền thông.

Trách nhiệm trả lời chính thuộc về các Bộ trưởng: Nguyễn Xuân Cường, Trần Tuấn Anh, Lê Vĩnh Tân và Nguyễn Mạnh Hùng.

Cùng tham gia trả lời chất vấn có các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách các lĩnh vực và các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan.

Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp báo cáo, giải trình một số vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và sẽ trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.

* Phát triển thị trường tiêu thụ cho nông sản

Tại Phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, các đại biểu đã nêu nhiều câu hỏi về chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp; công tác mở cửa, phát triển thị trường nông sản, thủy sản.

Công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; công tác quản lý, hỗ trợ, xử lý tồn tại, vướng mắc trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển...

Đánh giá về kết quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hầu hết các đại biểu cho rằng, chương trình đã tạo những bước đột phá, góp phần hình thành kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao…

Không phủ nhận những kết quả rất tích cực trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhất là việc về đích sớm hơn gần 2 năm so với kế hoạch, song theo đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình), thời gian qua các địa phương mới tập trung vào xây dựng các thiết chế hạ tầng kinh tế-xã hội, chưa thực sự tạo ra sự chuyển biến, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, còn hạn chế về vấn đề bảo vệ môi trường và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp nhằm thúc đẩy phương thức tổ chức sản xuất, giải quyết tốt vấn đề môi trường và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, người lao động ở khu vực nông thôn trong giai đoạn tới.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận: “đúng là còn những mặt khác tồn tại.” Theo đó, đời sống của người dân vùng nông thôn mặc dù đã được nâng lên 3,5 lần so với chỉ tiêu ban đầu là 2,5 lần, nhưng so với thực tế và yêu cầu, nguyện vọng của người dân thì con số này vẫn còn thấp.

Đồng thời, một chỉ tiêu chất lượng quan trọng khác vẫn chưa đảm bảo là chỉ tiêu về môi trường: “Hiện nay mới đảm bảo 63,7% số xã có thu gom rác thải, mới thu gom, còn xử lý triệt để lại hoàn toàn khác,” Bộ trưởng cho biết.

Ngoài ra, vấn đề môi trường sản xuất, môi trường tự nhiên cũng cần được quan tâm giải quyết toàn diện hơn.

Đánh giá cao sự đóng góp của doanh nghiệp trong sản xuất và phát triển thị trường, một số đại biểu chất vấn về giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho biết, ngày 17/4/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thay thế Nghị định 210/NĐ-CP.

Theo đó, trong giải pháp năm 2020 có nêu: Thúc đẩy nông nghiệp hàng hóa tập trung vào quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị và gia tăng phát triển bền vững.

“Trong tái cơ cấu nông nghiệp, vai trò của doanh nghiệp là rất quan trọng trong sản xuất, đầu tư công nghệ, nâng cao năng suất, giá trị nông sản và phát triển thị trường. Đề nghị Bộ trưởng đánh giá tình hình, giải pháp nhằm thu hút các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào nông nghiệp nông thôn,” đại biểu chất vấn.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, Nghị định 57/NĐ-CP được ban hành thay thế Nghị định 210/NĐ-CP là sự thay đổi lớn, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tập trung đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, coi doanh nghiệp và hợp tác xã là hạt nhân trong liên kết sản xuất lớn.

Theo Bộ trưởng, trong 3 năm qua, số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào khu vực nông nghiệp đã tăng 3 lần, từ hơn 3.000 lên 11.800 doanh nghiệp. Đây là một trong những thành công bước đầu. Ngoài ra, hầu hết các tập đoàn kinh tế lớn trong nước đều góp mặt và đầu tư trải dài khắp vùng miền, tạo động lực mới trong phát triển nông nghiệp.

Quang cảnh phiên chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Quang cảnh phiên chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, con số này vẫn còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu và cần tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục tham mưu chính sách với Chính phủ và Quốc hội, trong đó có việc thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) để huy động đầu tư. Bởi thực tế hiện nay, doanh nghiệp đang thiếu điều kiện, nếu có khuôn khổ pháp lý tốt sẽ có làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp vốn rất khó khăn nhưng vẫn còn nhiều dư địa.

Giải quyết tình trạng lợi dụng nhãn mác Việt Nam

Trong phiên chất vấn chiều 6/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã đăng đàn và giải đáp nhiều vấn đề đại biểu quan tâm liên quan lĩnh vực công thương như các biện pháp chống gian lận thương mại, lợi dụng xuất xứ sản phẩm Việt Nam; cũng như vấn đề về tổ chức lại bộ máy của lực lượng quản lý thị trường.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về tình trạng lợi dụng nhãn mác Việt Nam để xuất khẩu ra nước khác dù được cảnh báo từ lâu nhưng vẫn chậm được xử lý, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, Việt Nam đã hội nhập sâu với thế giới.

Thông qua hàng loạt hiệp định thương mại đã ký kết, các ưu đãi thuế quan xuất khẩu sang thị trường quốc gia đối tác giúp Việt Nam có lợi thế về thị trường so với các quốc gia khác.

Các hiệp định đa phương, song phương đã ký kết giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm khi sang nước khác. Tuy nhiên, xuất hiện tình trạng sản phẩm đội lốt xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất sang các thị trường đối tác.

Vừa qua, Chính phủ đã có đề án ngăn ngừa gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa, trong đó đề ra 5 nhóm nhiệm vụ chính đã được giao cho các cơ quan chức năng.

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Quyết định 824 phê duyệt Đề án phòng vệ thương mại, tập trung đấu tranh với hành động gian lận xuất xứ hàng hóa và gian lận thương mại nói chung, nhằm đấu tranh có hiệu quả với hoạt động sử dụng, gian lận xuất xứ hàng Việt Nam cũng như chuyển tải đầu tư bất hợp pháp.

Về vấn đề tinh gọn bộ máy của lực lượng quản lý thị trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, việc tổ chức lại bộ máy của lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn cả nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các nghị định về việc xây dựng tổ chức bộ máy lực lượng quản lý thị trường theo hệ thống ngành dọc.

Sau khi có quyết định thành lập Tổng cục Quản lý thị trường tròn một năm, Bộ Công Thương đã chính thức xây dựng xong tổ chức bộ máy của Tổng cục theo hướng chính quy, tinh nhuệ, đồng thời thu gọn đầu mối và tinh giản bộ máy. Đến nay, cả nước đã giảm được 164 đội quản lý thị trường trong tổng số hơn 600 đội quản lý thị trường.

Đến hết năm 2019 và năm 2020, Bộ sẽ tiếp tục giảm 140 đội quản lý thị trường, tương đương với việc giảm số lượng đội quản lý thị trường tới hơn 46%.

Phát triển lưới điện quốc gia

Trả lời chất vấn về việc dự án đưa điện về vùng nông thôn, miền núi trong thời gian qua triển khai chậm, chưa đạt được tiến độ đề ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, mặc dù là đề án chính trị rất quan trọng của Đảng và Nhà nước, nhưng đề án đã không đảm bảo thực hiện được theo đúng tiến độ do bị mắc ở khâu vốn.

Hiện nay, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ kiến nghị với Quốc hội xem xét cho phép tiếp tục sử dụng nguồn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế để phục vụ cho việc triển khai thực hiện dự án này - một dự án rất quan trọng trong giai đoạn tiếp theo, từ năm 2021 đến năm 2025.

Về hướng phát triển điện Mặt Trời, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, quy hoạch Tổng sơ đồ điện 7 dự kiến nguồn phát từ điện Mặt Trời dự kiến đến năm 2020 sẽ đạt công suất 800 MW. Tuy nhiên, quy hoạch Tổng sơ đồ 7 được phê chuẩn từ năm 2017. Thời điểm đó chưa dự kiến đến sự phát triển của điện tái tạo, trong đó điện Mặt Trời là chủ yếu.

Vào thời điểm đó, công nghệ cũng như điều kiện phát triển điện Mặt Trời chưa thật sự phổ biến và tạo ra sự đột biến trong phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam cũng như tại khu vực.

Để thực thi những biện pháp nhằm đảm bảo sự phát triển năng lượng sạch trên cơ sở năng lượng tái tạo, trong đó có điện Mặt Trời, cũng như thực thi những chỉ tiêu, mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết về giảm phát thải nhà kính, đồng thời tạo cơ sở để phát triển điện Mặt Trời như một nguồn năng lượng bền, sạch trong tương lai, thân thiện môi trường, tại Quyết định 11/2017/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã quy định giá ưu đãi cho mua điện Mặt Trời ở mức 9,35 cent/kWh.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chính phủ mong muốn mục tiêu phát triển điện sạch bao gồm điện Mặt Trời, điện gió. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, đã có sự chủ quan, không đánh giá hết năng lực của các dự án đầu tư điện Mặt Trời.

Bộ trưởng nhận trách nhiệm trong việc chưa tổ chức thực hiện đầy đủ, bao quát và dự báo kịp thời về năng lực đáp ứng của hệ thống truyền tải điện hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin xem nhiều