Tại buổi đối thoại với lãnh đạo tỉnh vào sáng 14-12, nhiều đoàn viên, thanh niên đã kiến nghị các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách thu hút, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Sáng 14-12, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp và đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đã có buổi đối thoại với 170 đoàn viên, thanh niên là cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) đang công tác tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Đồng Nai.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: Nga Sơn |
[links()]Đáng chú ý, các ý kiến, kiến nghị liên quan đến chế độ, chính sách thu hút, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ tại các cơ quan, đơn vị trong giai đoạn hiện nay được đông đảo đoàn viên, thanh niên CB, CC, VC quan tâm đặt ra.
* Thu hút, phát triển nguồn nhân lực
Tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đề nghị Sở Nội vụ và các đơn vị liên quan trong quá trình tham mưu hoạch định chính sách thu hút, phát triển nguồn nhân lực, các chính sách tiền lương cần cân nhắc để làm sao đảm bảo đời sống cho CB, CC, VC. Sở Xây dựng với chức năng, nhiệm vụ của mình rà soát lại nhu cầu nhà ở để có tham mưu cụ thể với UBND tỉnh nhằm giải quyết tốt nhu cầu nhà ở của CB, CC, VC. Đối với các ý kiến, kiến nghị liên quan đến lĩnh vực vui chơi giải trí, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đề nghị ngành Văn hóa củng cố, phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống nhà văn hóa trong toàn tỉnh. |
Thanh niên Ngô Trung Hiếu (huyện Cẩm Mỹ) chia sẻ, một thực tế đang diễn ra là phần lớn sinh viên sau khi tốt nghiệp với thành tích xuất sắc ở nhiều lĩnh vực thường lựa chọn “đầu quân” cho các đơn vị, doanh nghiệp tư nhân hoặc nước ngoài mà ít có xu hướng lựa chọn làm việc tại các cơ quan nhà nước.
Cũng liên quan đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực, đoàn viên Bùi Thị Thu (huyện Trảng Bom) nêu, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cho CB, CC, VC hiện nay hầu như chỉ dành cho những người có nhiều năm công tác. Trong khi đó, CB, CC, VC trẻ cũng rất cần được đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc ngày càng cao tại các cơ quan, đơn vị. Vì vậy, chị Thu kiến nghị UBND tỉnh không nên đưa ra quy định về độ tuổi, thâm niên công tác vào các chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhằm tạo điều kiện để tất cả CB, CC, VC có cơ hội được đào tạo, bồi dưỡng như nhau.
Phó giám đốc Sở Nội vụ Tạ Quang Trường cho rằng, việc sinh viên tốt nghiệp ra trường lựa chọn nơi làm việc hoàn toàn phụ thuộc vào sở thích, nguyện vọng của bản thân và gia đình của mỗi sinh viên chứ không hoàn toàn nằm ở chính sách thu hút. Chưa kể, nhiều sinh viên tốt nghiệp xuất sắc sau khi ra trường thường mong muốn có một môi trường để thể hiện năng lực, trong khi đó môi trường làm việc ở khu vực nhà nước vẫn chưa đáp ứng được mong muốn này nên các em còn e dè. Thêm vào đó, chính sách tiền lương ở các cơ quan nhà nước thường thấp hơn so với khu vực doanh nghiệp nên chưa thu hút được sinh viên ưu tú về làm việc.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: Nga Sơn |
Tuy nhiên, theo ông Tạ Quang Trường, qua theo dõi các đợt tuyển dụng công chức gần đây cho thấy số lượng thí sinh trẻ, có trình độ cao tham gia ứng tuyển vào vị trí việc làm trong các cơ quan nhà nước chiếm tỷ lệ khá cao và có xu hướng tăng lên. Riêng đợt tuyển công chức vừa qua, số thí sinh dưới 30 tuổi chiếm 66%.
Liên quan đến vấn đề quy định độ tuổi, thâm niên trong đào tạo bồi dưỡng, ông Trường khẳng định hiện nay chỉ có đối tượng đào tạo sau đại học nhằm phục vụ nhiệm vụ của một số ngành nghề đặc thù mới có yêu cầu phải công tác ít nhất 3 năm. Đối với các trường hợp đào tạo còn lại thì không có quy định thâm niên công tác mà chỉ căn cứ yêu cầu khung năng lực của vị trí việc làm, hằng năm các cơ quan, đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch và quyết định chọn cử CB, CC, VC tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng.
Cũng theo ông Trường, bên cạnh các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình, kế hoạch của tỉnh thì CB, CC, VC có thể chủ động sắp xếp công việc để tự túc tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, bằng cấp ngoài giờ hành chính. UBND tỉnh sẽ có hỗ trợ kinh phí sau khi kết thúc khóa học đối với trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
* Các chính sách liên quan đến đời sống
Trả lời câu hỏi của đoàn viên Nguyễn Hùng (Sở Văn hóa - thể thao và du lịch) về vấn đề chính sách nhà ở xã hội cho CB, CC, VC nói chung và CB, CC, VC trẻ nói riêng của tỉnh, ông Lê Mạnh Dũng, Phó giám đốc phụ trách Sở Xây dựng cho biết Luật Nhà ở được thông qua và ban hành năm 2014, kèm theo đó là các hướng dẫn. HĐND tỉnh đã có nghị quyết, UBND tỉnh có quyết định liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội tỉnh Đồng Nai. Từ đó, nhiều dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh đã và đang được thực hiện triển khai.
Cũng theo ông Dũng, đối với CB, CC, VC khi mua nhà hoặc thuê nhà đều được giảm giá và hưởng các chính sách ưu đãi về vay vốn mua nhà ở xã hội từ ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất 4,8%/năm và được trả trong thời hạn 15 năm; vay vốn ưu đãi từ 4 ngân hàng: Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp - phát triển nông thôn Việt Nam và Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam.
Đoàn viên, thanh niên là cán bộ, công chức, viên chức nêu ý kiến tại buổi đối thoại |
Đối với băn khoăn của đoàn viên Trần Giang Tài (TP.Biên Hòa) về những trường hợp CB, CC, VC đã được thuê nhà nhưng tự nguyện điều chuyển sang vị trí công việc mới (thực hiện chủ trương về sắp xếp lại tổ chức bộ máy) và không còn là công chức thì có tiếp tục được thuê nhà hay không, Phó giám đốc Sở Xây dựng Lê Mạnh Dũng khẳng định, đối với những trường hợp này vẫn được tiếp tục thuê nhà ở xã hội nếu vẫn thuộc một trong các nhóm đối tượng và đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 49, Điều 50 của Luật Nhà ở năm 2014.
Bên cạnh các ý kiến xoay quanh vấn đề nhà ở xã hội cho CB, CC, VC, sân chơi cho đoàn viên thanh niên nói chung, đoàn viên thanh niên là CB, CC, VC nói riêng cũng được các đại biểu đề cập. Đoàn viên Nguyễn Mạnh Cương (huyện Nhơn Trạch) phản ảnh trên địa bàn các ấp, khu phố hiện nay lực lượng thanh niên khá đông, nhưng rất ít các sân chơi hay các chương trình văn nghệ, giải đấu thể thao được tổ chức. Anh Cương bày tỏ mong muốn, các cấp, các ngành sớm “vào cuộc” để đoàn viên, thanh niên có sân chơi lành mạnh sau giờ làm việc căng thẳng.
Bà Nguyễn Thị Mộng Bình, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch chia sẻ, hiện nay toàn tỉnh có 7 thiết chế văn hóa cấp tỉnh, 11 trung tâm văn hóa cấp huyện, 139 trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng cấp xã và 857 nhà văn hóa ấp, khu phố. Ngoài các thiết chế văn hóa do Nhà nước đầu tư, toàn tỉnh còn có 67 thiết chế văn hóa thể thao do doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đầu tư, quản lý... Tuy nhiên một số thiết chế văn hóa ở cơ sở chưa phát huy hết công năng. Trong thời gian tới, ngành Văn hóa sẽ tiếp tục sẽ tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, nhất là ở cơ sở để phục vụ tốt hơn nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân nói chung và thanh niên nói riêng.
Ông Tạ Quang Trường, Phó giám đốc Sở Nội vụ cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 11 ngàn CB, CC, VC trong độ tuổi thanh niên. Đây là lực lượng lao động trẻ, có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh. Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo sâu sát việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên CB, CC, VC. Chương trình đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với thanh niên là CB, CC, VC cũng không nằm ngoài ý nghĩa đó. Đây là dịp để lãnh đạo UBND tỉnh lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên, từ đó có điều chỉnh về chế độ, chính sách cho phù hợp. |
Nga Sơn