Nắm bắt được mong muốn ổn định cuộc sống ngay tại quê nhà của đoàn viên, thanh niên, các cấp bộ Đoàn, Hội huyện Vĩnh Cửu đã tổ chức nhiều hoạt động đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp.
Nắm bắt được mong muốn ổn định cuộc sống ngay tại quê nhà của đoàn viên, thanh niên, các cấp bộ Đoàn, Hội huyện Vĩnh Cửu đã tổ chức nhiều hoạt động đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp.
Các thành viên Tổ hợp tác cây trồng có múi của thanh niên xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) tham quan vườn quýt của một thành viên trong tổ. Ảnh:N.Sơn |
Anh Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Huyện đoàn Vĩnh Cửu cho biết, để đoàn viên, thanh niên lập nghiệp thành công, tinh thần là yếu tố đầu tiên cần có. Vì vậy, tổ chức Đoàn với chức năng, nhiệm vụ của mình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh niên trong phong trào lập thân, lập nghiệp.
* Làm tốt vai trò kết nối
Hằng năm, Huyện đoàn và Ủy ban Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam huyện, trung tâm dạy nghề, các ban, ngành, đoàn thể huyện Vĩnh Cửu mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn, nuôi hươu, nai, dê; trồng hoa kiểng, trồng nấm, trồng rau sạch, trồng xoài cho đoàn viên thanh niên. Bên cạnh đó, Huyện đoàn đã đề xuất Tỉnh đoàn hỗ trợ vốn cho đoàn viên, thanh niên từ các nguồn vốn của Hội Doanh nhân trẻ và Quỹ Đồng hành với thanh niên. Tiếp tục thực hiện chương trình ủy thác giữa Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và các đoàn thể huyện, hiện nay tổ chức Đoàn đang quản lý 3 tổ, với số tiền 3,6 tỷ đồng cho 67 hộ có thanh niên vay, tạo điều kiện thuận lợi cho gia đình thanh niên vay vốn giải quyết việc làm tại chỗ.
“Nhu cầu vay vốn của thanh niên rất lớn, Huyện đoàn dự định tới đây sẽ thành lập Quỹ Đồng hành với thanh niên của huyện Vĩnh Cửu với số vốn huy động ban đầu khoảng 400-500 triệu đồng nhằm góp phần giảm “cơn khát” vốn của thanh niên hiện nay” - anh Nguyễn Thanh Bình cho hay.
Nguồn lực của các cấp bộ Đoàn có hạn, để nhiều đoàn viên, thanh niên không đơn độc trong lập nghiệp, các cấp bộ Đoàn, Hội huyện Vĩnh Cửu đã thành lập và duy trì các mô hình giúp nhau làm kinh tế đạt hiệu quả. Anh Lữ Thành Quỳnh, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng cây có múi xã Phú Lý chia sẻ: “Vì trồng các loại cây giống nhau nên mỗi tháng tổ hợp tác sinh hoạt một lần. Buổi sinh hoạt nào, anh em trong tổ hợp tác cũng bàn luận sôi nổi về kỹ thuật trồng, chăm sóc và nhất là làm thế nào để các loại cây có múi ra trái vào các thời điểm khác nhau, không phải chịu cảnh được mùa mất giá. Khi nghe đâu đó có mô hình trồng cây có múi hiệu quả, anh em trong tổ lại rủ nhau đi xem để học tập kinh nghiệm”.
* Giúp thanh niên mạnh dạn lập thân, lập nghiệp
Các hoạt động đồng hành với đoàn viên, thanh niên trong lập thân, lập nghiệp, của các cấp bộ Đoàn huyện Vĩnh Cửu đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của đoàn viên, thanh niên trên con đường lập nghiệp. Đặc biệt, thông qua các hoạt động này đã góp phần khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên. Nhiều đoàn viên, thanh niên đã thực hiện được ước muốn lập nghiệp và ổn định cuộc sống ngay tại quê nhà.
Theo Bí thư Huyện đoàn Vĩnh Cửu Nguyễn Thanh Bình, Huyện đoàn còn kết nối với giảng viên Trường đại học Lạc Hồng, báo cáo viên Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh tư vấn, định hướng nghề nghiệp, việc làm cho đoàn viên, thanh niên là học sinh các trường THPT giúp các em xác định được nghề nghiệp, việc làm mà mình sẽ theo đuổi sau khi ra trường. |
Năm nay, gia đình anh Nguyễn Văn Việt (ở ấp 2, xã Phú Lý) vui hơn khi khoảng 1 hécta quýt sẽ cho thu hoạch vào đúng dịp Tết này. Anh Việt cho biết, trước đây hơn 1 hécta đất của gia đình anh trồng các loại cây ngắn ngày như: mì, bắp, mía... Mỗi khi thu hoạch, anh trừ tiền giống, phân bón, công chăm sóc là hết. Cách đây 3 năm, sau khi tham gia Tổ hợp tác trồng cây có múi của thanh niên xã Phú Lý, anh được đi tham quan một số mô hình trồng trọt hiệu quả ở huyện Định Quán. Thấy cây quýt có giá trị kinh tế cao nên anh Việt vay mượn tiền để đầu tư chuyển đổi sang trồng cây quýt. Từ khi chuyển sang trồng quýt, anh bắt đầu tìm hiểu về kỹ thuật trồng, chăm sóc quýt; theo dõi giá cả trên thị trường để có điều chỉnh phù hợp.
Theo chia sẻ của anh Việt, không riêng gì quýt mà bất kỳ sản phẩm nào khi vào mùa ít khi được giá. Vì vậy, anh đã tìm hiểu và áp dụng cách chăm sóc vườn quýt cho ra trái vụ và ra thành nhiều đợt khác nhau nhưng không ảnh hưởng đến sản lượng. Với hơn 1 hécta quýt như hiện tại, anh Việt dự kiến thu được khoảng 10 tấn, nếu giá quýt bán ra 20-25 ngàn đồng/kg thì anh sẽ thu về khoảng 200-250 triệu đồng.
Không chỉ mong muốn ổn định cuộc sống trên mảnh đất quê hương mà anh Nguyễn Trương Tấn Khương (ở ấp Vàm, xã Thiện Tân) còn muốn cống hiến phần nào sức trẻ của mình vào sự phát triển của quê hương. Tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học (Trường đại học mở TP.Hồ Chí Minh), anh Khương vừa làm việc tại Viện Nghiên cứu khoa học Tây nguyên, vừa tiếp tục học lên cao học tại Trường đại học Đà Lạt. Hoàn thành chương trình học thạc sĩ cũng là lúc anh Khương về công tác tại Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn. Công việc hành chính không phù hợp nên sau 5 năm gắn bó anh Khương đã xin nghỉ việc.
Sẵn có đất của gia đình, anh và 2 người bạn đã cùng thành lập Hợp tác xã thương mại - dịch vụ Vinh Phúc chuyên trồng nấm rơm. Anh Khương cho biết, với mô hình nấm rơm mỗi ngày thu hái khoảng 70-80kg cung cấp cho các chợ đầu mối, hợp tác xã thu được khoảng 100 triệu đồng/tháng (chưa trừ chi phí). Hơn nửa năm nay, hợp tác xã phát triển thêm mảng sấy, đóng gói sản phẩm bầu bào (quả bầu bào mỏng dài và sấy khô) và thân cây bạc hà để xuất khẩu qua Nhật Bản, trồng nấm mèo; sắp tới còn sản xuất giống các loại nấm rơm, nấm mèo, nấm linh chi, nấm bào ngư... Dự kiến, doanh thu của hợp tác xã sẽ tăng gấp đôi so với hiện tại.
Nga Sơn