Dù tuổi cao, vợ chồng ông Văn Trung Lực (thương binh hạng 2/4, 73 tuổi đời, 52 tuổi Đảng) và bà Lê Thị Hoa (bị ảnh hưởng chất độc da cam, 69 tuổi đời, 48 tuổi Đảng, khu 4, ấp 1, xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ) vẫn tích cực tham gia đóng góp các phong trào của ấp, nêu cao tinh thần gương mẫu của người đảng viên trong cuộc sống.
Dù tuổi cao, vợ chồng ông Văn Trung Lực (thương binh hạng 2/4, 73 tuổi đời, 52 tuổi Đảng) và bà Lê Thị Hoa (bị ảnh hưởng chất độc da cam, 69 tuổi đời, 48 tuổi Đảng, khu 4, ấp 1, xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ) vẫn tích cực tham gia đóng góp các phong trào của ấp, nêu cao tinh thần gương mẫu của người đảng viên trong cuộc sống.
Ông Văn Trung Lực, bà Lê Thị Hoa mở công ty may gia công tạo việc làm thường xuyên cho trên 30 lao động. Ảnh:Đ.Phú |
* Cùng vượt khó
Ông Lực, bà Hoa là bộ đội từng tham gia bảo vệ quê nhà (xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1969-1972). Sau năm 1975, ông bà xuất ngũ và cơ thể vẫn còn khắc sâu vết thương của cuộc chiến. Năm 1982, ông bà quyết định đưa 4 con vào vùng đất xã Xuân Quế (huyện Cẩm Mỹ) lập nghiệp.
Nơi vùng đất mới Xuân Quế, ông Lực chí thú với công việc bảo vệ Nông trường cao su Ông Quế còn bà Hoa thì chăm lo việc nội trợ, chăn nuôi, sản xuất để cùng với đồng lương của chồng lo cho các con ăn học. Bà Hoa kể, dù miếng ăn trong nhà lúc mới vào lập nghiệp vẫn chưa được đủ đầy, việc nhà thì bộn bề lo toan, nhưng bà vẫn cùng với các đảng viên trong chi bộ chong đèn họp bàn chuyện phát triển kinh tế, giáo dục con, giúp đỡ những người mới đến gặp khó khăn...
Thấy bà Hoa vất vả vì chồng, vì con, năm 1988, ông Lực thôi không làm bảo vệ Nông trường ông Quế nữa mà xin nghỉ về nhà phụ vợ, tham gia công tác ấp và chi bộ. Được đồng đội giúp đỡ, ông bà mở cơ sở may gia công tại nhà (nay là Công ty TNHH thương mại Công Chính) nhằm kiếm thêm thu nhập và giải quyết lao động nhàn rỗi cho bà con trong ấp. Nhờ chí thú làm ăn, vợ chồng ông nhiều năm liền được công nhận là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi và có nhiều đóng góp cho các phong trào địa phương như: xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, nông thôn mới, khuyến học...
* Trách nhiệm, tích cực trong góp ý xây dựng
Kinh tế gia đình khá giả và được vợ hậu thuẫn, ông Lực có điều kiện tốt hơn tham gia công tác ấp như: Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Người cao tuổi ấp, Chi bộ. Với vai trò là đảng viên, ông thẳng thắn góp ý kiến cho ấp, xã trong xây dựng chính quyền, công tác Đảng, phong trào hiếu học. Đặc biệt, tại các kỳ tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND xã, huyện, tỉnh ông đều tham dự và góp ý kiến xây dựng.
Nhận xét về vợ chồng ông Văn Trung Lực và bà Lê Thị Hoa, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Xuân Quế Nguyễn Văn Hồng cho biết: “Đó là cặp vợ chồng mẫu mực, hạnh phúc, luôn tiên phong, gương mẫu trong các phong trào của ấp, xã. Ông bà là gương sáng, là hình ảnh người đảng viên tiêu biểu để cán bộ, đảng viên trẻ học tập, noi theo”. |
Chẳng hạn, trong lần tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội tỉnh tại huyện Cẩm Mỹ sau kỳ hợp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vừa qua, ông Lực đã có 3 vấn đề góp ý được đại biểu Quốc hội tiếp thu, gồm: Nhà nước nên có kinh phí xây dựng tượng đài liệt sĩ tại các xã, phường, thị trấn để nhân dân tiện dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ; các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao phải được đầu tư hệ thống nước sạch sinh hoạt tới từng hộ dân, khu vực dân cư; người tham gia chiến đấu, công tác tại vùng bị ảnh hưởng chất độc da cam dù đơn vị đóng quân của họ nằm ngoài vùng bị ảnh hưởng cũng cần được xem xét giải quyết chế độ kịp thời.
Còn về xây dựng Đảng, chính quyền, tại các cuộc họp ấp, xã, ông Lực tích cực phát biểu, đóng góp ý kiến. Cụ thể như công tác phát triển đảng viên mới hiện nay, dù việc tìm nguồn giới thiệu, kết nạp Đảng ở cơ sở gặp khó khăn nhưng không vì vậy mà các cơ sở Đảng xem nhẹ chất lượng, chạy theo số lượng, chỉ tiêu hằng năm. Một khi quần chúng ưu tú được xem xét kết nạp Đảng, chi bộ phải có trách nhiệm bồi dưỡng, giao việc để đảng viên trưởng thành, cống hiến. Đảng viên đương chức, được giao nhiệm vụ hay đảng viên được miễn giảm sinh hoạt vẫn phải thể hiện rõ sự gương mẫu, mẫu mực trong cuộc sống, với nhân dân...
Tham dự nhiều cuộc họp quan trọng của ấp, xã, huyện và luôn có ý kiến phát biểu nên ông Lực tự ví mình là ông già “nhiều chuyện”. Mỗi lần được mời họp là ông phải trăn trở nhiều ngày, nhiều đêm nghĩ suy nội dung góp ý sao cho thiết thực sát với thực tiễn đời sống và đúng nội dung cuộc họp. “Nói đúng vấn đề, thực tế địa phương, cuộc sống thì cấp trên mới tiếp thu, có cơ sở chỉ đạo thực hiện. Hơn nữa, ý kiến đó phải xuất phát từ cái chung, có tâm và trách nhiệm. Nên làm ông già “nhiều chuyện” như tôi thường mất ngủ khi nhận được thư mời họp, phát biểu” - ông Lực nói.
Đoàn Phú