Năm 2020, ngành Lao động - thương binh và xã hội tỉnh đặt mục tiêu không còn tồn đọng hồ sơ người có công và cơ bản giải quyết hết số hồ sơ công nhận danh hiệu người có công.
Năm 2020, ngành Lao động - thương binh và xã hội tỉnh đặt mục tiêu không còn tồn đọng hồ sơ người có công và cơ bản giải quyết hết số hồ sơ công nhận danh hiệu người có công.
Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị Phòng (91 tuổi, ngụ phường Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) |
Để làm được điều này, công tác xét duyệt hồ sơ người có công đang được tỉnh đẩy nhanh thực hiện trong cả khâu hướng dẫn làm hồ sơ, xét duyệt, thẩm định hồ sơ và thông báo kết quả.
* Niềm vui của người có công và thân nhân
Với việc xem xét hồ sơ đề nghị công nhận người có công, gia đình chính sách được thực hiện nhanh chóng đã đem niềm vui đến với gia đình và cá nhân người có công.
Trong số này có gia đình bà Chu Thị Ánh Tuyết. Bà Tuyết là con của liệt sĩ Nguyễn Đức Lộc, hy sinh năm 1969, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được mộ phần. Bà Tuyết cho biết, cuối năm 2019, sau gần 50 năm cha hy sinh, mẹ bà là Hồ Thị Miển (77 tuổi, ngụ xã Long Phước, huyện Long Thành) được công nhận và hưởng chế độ vợ liệt sĩ. Bà Tuyết nói: “Không phải vì cơ quan quản lý nhà nước ở Đồng Nai chậm trễ xử lý hồ sơ của gia đình mà do trước đây gia đình không còn giấy tờ theo quy định nên chưa làm hồ sơ. Ngay khi gia đình tìm được các giấy tờ liên quan và làm hồ sơ, rất nhanh chóng, các cơ quan liên quan ở Đồng Nai đã hỗ trợ gia đình rất nhiều”.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội do Bộ Lao động - thương binh và xã hội tổ chức mới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, mục tiêu của năm 2020, cả nước không còn tồn đọng hồ sơ người có công. Do đó, từng địa phương, bộ, ngành liên quan cần đẩy nhanh công tác xác minh hồ sơ đối với người có công, cùng với đó là thực hiện tốt chế độ chính sách đối với gia đình người có công. |
Năm 2019, gia đình bà Tuyết được công nhận là gia đình chính sách. Mẹ bà Tuyết hưởng trợ cấp khoảng 1,6 triệu đồng/tháng, đồng thời được truy lĩnh số tiền trợ cấp trong 5 năm trước đó với hơn 103 triệu đồng.
Ngoài gia đình bà Miển, trong năm 2019, Đồng Nai còn có 2 cá nhân được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (BMVNAH). Đó là BMVNAH Trần Thị Hồng (sinh năm 1920, phường Bình Đa, TP.Biên Hòa) có 2 con đẻ là liệt sĩ và BMVNAH Lý Thị Năm (sinh năm 1931, xã Phú Lộc, huyện Tân Phú) có 1 con đẻ và chồng là liệt sĩ. Những trường hợp này sau khi tiếp nhận hồ sơ của gia đình, ngành Lao động - thương binh và xã hội tỉnh khẩn trương xác minh, hướng dẫn gia đình bổ sung thêm các loại giấy tờ cần thiết để trình Bộ Lao động - thương binh và xã hội xem xét, công nhận đối tượng có công. Khi có kết quả công nhận, ngành Lao động - thương binh và xã hội tỉnh nhanh chóng thông báo kết quả đến gia đình và thực hiện ngay các chế độ của Nhà nước dành cho người có công, gia đình có công.
Hiện nay, theo thống kê của Sở Lao động - thương binh và xã hội thì tỉnh đang quản lý hồ sơ của 52.954 người có công và gia đình có công, trong đó có 13.547 đối tượng có công được hưởng trợ cấp hằng tháng và 282 trường hợp hưởng trợ cấp 1 lần. Ngoài ra, tại Đồng Nai, các hoạt động uống nước nhớ nguồn luôn được thực hiện thường xuyên và liên tục.
BMVNAH Đỗ Thị Phòng (91 tuổi, ngụ phường Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Việc xét duyệt hồ sơ công nhận người có công, gia đình chính sách được tỉnh thực hiện nhanh chóng. Sau khi được công nhận người có công, gia đình có công, bản thân mẹ và gia đình luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc của các cấp chính quyền và cộng đồng. Ngoài chế độ nhận hằng tháng, mỗi dịp lễ Tết, mẹ còn được đón các đồng chí lãnh đạo trung ương, tỉnh đến thăm, tặng quà. Đây là niềm vinh dự đối với mẹ và gia đình”.
* Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ
Để những trường hợp người có công, gia đình người có công nộp hồ sơ không còn phải chờ đợi, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp, năm 2020 ngành Lao động - thương binh và xã hội cần tập trung rà soát hồ sơ người có công, đẩy mạnh việc giải quyết hồ sơ đề nghị công nhận người có công, gia đình chính sách. Phấn đấu trong năm 2020, cùng với cả nước, Đồng Nai sẽ không còn hồ sơ tồn đọng.
Các tập thể và cá nhân của Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tỉnh có đóng góp tích cực trong công tác người có công được nhận bằng khen của UBND tỉnh |
Theo thống kê của Sở Lao động - thương binh và xã hội, qua quá trình rà soát, phân loại hồ sơ, tỉnh có 24 hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ và 2 hồ sơ đề nghị công nhận thương binh được lập từ năm 2013 trở về trước. Ngoài ra, còn có 2 hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ mới vừa được bổ sung thêm do trước đây hồ sơ tồn đọng ở các huyện. Hiện những hồ sơ này đang được tiến hành giải quyết theo quy định.
Bà Trần Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tỉnh chia sẻ: “Việc đẩy nhanh quá trình lập, thẩm định, xét duyệt hồ sơ người có công, gia đình chính sách để được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước đang được Đồng Nai thực hiện mang đến niềm vui cho những người hoạt động cách mạng, gia đình có đóng góp cho cách mạng nhưng chưa được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước”.
Còn theo ông Hồ Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, cùng với việc đẩy nhanh quá trình xét công nhận người có công, gia đình chính sách thì với những hồ sơ chưa đủ điều kiện giải quyết hưởng chế độ (trong đó có 8 trường hợp Sở đã rà soát, xác minh nhưng không đủ điều kiện, cơ sở để hoàn thiện hồ sơ công nhận liệt sĩ theo quy định và 1 trường hợp do không đủ điều kiện giải quyết chế độ thương binh) Sở cũng đã có thông tin để người dân biết được kết quả. Tránh để người dân phải chờ đợi thời gian dài mà chưa nhận được câu trả lời.
Văn Truyên