Cụm từ chính phủ điện tử, chính quyền điện tử ngày càng trở nên phổ biến hơn bởi các cơ quan hành chính từ cấp xã, huyện, tỉnh đến các bộ, ngành Trung ương đang được kết nối, liên thông với nhau.
Cụm từ chính phủ điện tử, chính quyền điện tử ngày càng trở nên phổ biến hơn bởi các cơ quan hành chính từ cấp xã, huyện, tỉnh cho đến các bộ, ngành Trung ương đang được kết nối, liên thông với nhau bằng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại. Người dân cũng có thể tương tác với chính quyền ở bất cứ nơi đâu và thời điểm nào họ muốn.
Một buổi họp trực tuyến của UBND tỉnh với Chính phủ. Ảnh: C.Nghĩa |
[links()]Tại Đồng Nai, việc triển khai mô hình chính quyền điện tử đang được tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt với việc đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng công tác chỉ đạo điều hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
* Tiện ích từ chính quyền điện tử
PGS-TS.Nguyên Hồng Sơn, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương: Công nghệ thông tin sẽ tạo cho Đồng Nai một vị thế mới Đồng Nai hiện đã là tỉnh công nghiệp có nhiều điểm nhấn nổi bật so với cả nước, như số lượng khu công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài, giá trị xuất nhập khẩu, đặc biệt là đóng góp cho ngân sách. Nhưng Đồng Nai vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển lớn nếu biết ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số nền kinh tế. Việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ tạo ra những giá trị lớn hơn cho cả người dân và doanh nghiệp, tạo uy tín cho chính quyền nhờ tính công khai, minh bạch, hạn chế tối đa những phiền hà, nhũng nhiễu. |
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Sở GD-ĐT liên tục ban hành các văn bản liên quan đến công tác chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19. Nếu như ban hành các văn bản giấy theo hình thức truyền thống với nhiều bước, từ soạn thảo, trình ký, đóng dấu, chuyển ra bưu điện để chuyển đến các đơn vị… có khi mất đến 1-2 ngày, thậm chí lâu hơn. Tuy nhiên, với việc ứng dụng chữ ký số và gửi văn bản điện tử trên hệ thống của tỉnh, thời gian hoàn thành gửi một văn bản đến các cơ sở giáo dục chỉ tính bằng giây.
Theo đó, văn bản được chuẩn bị sẵn trình lãnh đạo ký trực tiếp, hoặc trong trường hợp lãnh đạo đi vắng có thể trình ký qua mạng bằng chữ ký điện tử. Khi văn bản hoàn chỉnh, cán bộ văn thư sẽ đưa vào hệ thống mạng để chuyển đến các cơ sở giáo dục. Chị Lê Thị Thu Uyên, chuyên viên Văn phòng Sở GD-ĐT cho biết: “Gửi văn bản trên hệ thống mạng sẽ tiết kiệm được rất lớn chi phí in ấn, phí vận chuyển qua đường bưu điện. Trong một số tình huống điều hành khẩn cấp thì việc chuyển văn bản qua hệ thống mạng càng trở nên hữu ích”.
Còn tại Sở Tài nguyên - môi trường, nhờ số hóa việc quản lý đất đai được triển khai sớm từ nhiều năm nay nên việc tiếp cận thông tin về đất đai của người dân trở nên dễ dàng hơn. Thay vì phải tốn thời gian và chi phí đến cơ quan nhà nước mới tra cứu được thông tin về số tờ, số thửa đất, hiện trạng quy hoạch…, người dân có thể vào internet tra cứu thông tin qua phần mềm Dnai.Lis của Sở vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu. Ông Giang Văn Bài, ngụ phường Trảng Dài
(TP.Biên Hòa) cho biết: “Tôi làm nghề môi giới bất động sản, mỗi ngày phải kiểm tra thông tin của nhiều lô đất trong quá trình giao dịch. Nếu không có phần mềm Dnai.Lis thì rất dễ mua phải đất quy hoạch…”.
Phó giám đốc Sở Nội vụ Tạ Quang Trường (đứng thứ 2 từ phải qua) giới thiệu với đoàn công tác của Bộ Nội vụ về hoạt động của Trung tâm hành chính công tỉnh |
Hiện nay, đã có nhiều sở, ngành của tỉnh nâng dần việc cung cấp các dịch vụ công từ mức độ 1 lên mức độ 4, đây là mức cao nhất, được thực hiện trên môi trường internet và có thể nhận kết quả tại nhà. Ông Nguyễn Việt Thắng, Phó giám đốc Sở Ngoại vụ cho biết: “Với các đoàn có yếu tố liên quan đến nước ngoài vào Đồng Nai, thay vì phải đến xin giấy phép trực tiếp tại Sở thì có thể nộp hồ sơ qua internet và nhận kết quả bằng văn bản điện tử qua e-mail hoặc đường bưu điện. Điều này tạo được rất nhiều thuận lợi về thời gian cho đơn vị, tổ chức”.
* “Tiếp thị” chính quyền điện tử
Ông Tạ Quang Trường, Phó giám đốc Sở Nội vụ cho biết, chính quyền điện tử sẽ tạo ra rất nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, làm thay đổi thói quen giao dịch của người dân và doanh nghiệp với chính quyền so với trước đây. Cụ thể, thay vì phải đến cơ quan nhà nước, thậm chí phải đến nhiều lần mới giải quyết xong một thủ tục hành chính thì hiện nay người dân không cần đến vẫn giải quyết được nhờ dịch vụ công trực tuyến. Người dân và doanh nghiệp còn có thể dùng điện thoại thông minh tra cứu mã QR để biết được hồ sơ của mình đang được giải quyết đến đâu.
Ông Trường cũng cho hay, hiện đã có rất nhiều thủ tục được đưa lên dịch vụ công trực tuyến, có nghĩa là giải quyết các dịch vụ trên mạng một phần hoặc toàn phần, tùy vào mức độ. Chẳng hạn như việc cấp đổi giấy phép lái xe, thay vì phải đến Sở Giao thông - vận tải thì có thể nộp hồ sơ trên trang Cổng dịch vụ công trực tuyến và nhận kết quả qua bưu điện; hay nộp các loại phí, thay vì phải đến ngân hàng, kho bạc nhà nước thì có thể nộp qua dịch vụ ngân hàng trực tuyến trên điện thoại tại nhà…
Cán bộ Trung tâm công nghệ thông tin điều hành hệ thống phòng họp trực tuyến của UBND tỉnh với Chính phủ. Ảnh: CÔNG NGHĨA |
Chị Nguyễn Thị Thu Trang, nhân viên Công ty cổ phần Teakwang Vina industrial (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) cho biết, nhiều năm nay, việc kê khai và nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho hơn 30 ngàn lao động trong công ty được tiến hành qua internet thay vì hằng tháng phải đến cơ quan bảo hiểm xã hội. Việc giao dịch với các cơ quan nhà nước qua mạng đã tiết kiệm cho công ty được nhiều chi phí nhân công, đi lại. Chị Trang bày tỏ mong muốn: “Nếu phần lớn các thủ tục của cơ quan nhà nước đều được giao dịch trực tuyến sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, cảm nhận của doanh nghiệp về tính chuyên nghiệp của chính quyền sẽ được nâng cao hơn”.
Trong khi đó, ông Phạm Quốc Hiển, Tổng giám đốc Tập đoàn Phong Thái (huyện Trảng Bom) cho biết: “Ngay cả việc nộp thuế hiện cũng được thực hiện qua mạng. Chỉ những khâu nào phức tạp thì cán bộ của công ty mới phải đến liên hệ với cơ quan chức năng. Rõ ràng việc doanh nghiệp và chính quyền giao dịch trực tuyến qua mạng không những tiện lợi mà còn nhanh chóng và minh bạch”.
* Tăng cường kết nối
Theo Văn phòng UBND tỉnh, nhờ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin nên đến nay tỉnh đã triển khai cơ chế một cửa liên thông các thủ tục hành chính, dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết giữa nhiều đơn vị. Cụ thể như liên thông giữa Sở Tài nguyên - môi trường với UBND cấp huyện và cấp xã trong lĩnh vực đất đai; giữa Sở Kế hoạch - đầu tư với Cục Thuế tỉnh trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh và cấp mã số thuế…
Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Huỳnh Văn Tịnh cho biết, Đồng Nai là tỉnh có số lao động nước ngoài hằng năm đến đăng ký làm việc khá đông. Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Sở đã chủ động hoàn thiện hệ thống đăng ký, nâng dần các dịch vụ công từ mức độ 1 lên mức độ cao hơn, “Khi điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin tốt hơn, chúng tôi có thể triển khai tới mức độ 4, nghĩa là hoàn toàn trên mạng và trả kết quả qua mạng hoặc qua đường bưu điện. Bên cạnh đó, nhờ việc liên thông với các sở, ngành liên quan trong giải quyết thủ tục hành chính đã làm cho quá trình xử lý hồ sơ được nhanh chóng hơn, tiết kiệm hơn” - ông Tịnh khẳng định.
Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho hay, hiện nay thành phố coi việc ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những mũi nhọn có thể tạo ra đột phá trong công tác lãnh đạo, điều hành, kết nối với người dân. Thành phố đã tập trung phát triển hệ thống kết nối giữa UBND thành phố với các phòng, ban và xã, phường phục vụ trong công tác lãnh đạo điều hành. Đặc biệt, thành phố đang ưu tiên để phát triển mô hình thành phố thông minh để tạo những bước phát triển nhanh và bền vững hơn. Dự kiến đầu năm 2021, TP.Biên Hòa sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng Trung tâm hành chính công kết hợp với Trung tâm điều hành thành phố thông minh để cung cấp cho người dân nhiều dịch vụ công trực tuyến ngày một hoàn thiện hơn.
Công Nghĩa