Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng văn hóa trong Đảng

04:02, 24/02/2020

Nếu xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức là điều kiện cần, thì xây dựng Đảng về đạo đức và văn hóa là điều kiện đủ để làm cho Đảng trong sạch vững mạnh... 

Nếu xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức là điều kiện cần thì xây dựng Đảng về đạo đức và văn hóa là điều kiện đủ để làm cho Đảng trong sạch vững mạnh. Vì nếu không chú trọng những bảo đảm tối thiểu cần thiết về phẩm chất đạo đức, nhân cách của đảng viên, nhất là đảng viên có trọng trách lãnh đạo ở các cấp ủy thì khó có thể nói tới chất lượng, hiệu quả, tác dụng của chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Vào Ngày thành lập Đảng 3-2 hằng năm và chuẩn bị đón năm mới, Ban TVTU đều tổ chức các đoàn đi thăm đảng viên lão thành, đây là nét văn hóa được duy trì nhiều năm ở Đảng bộ Đồng Nai Trong ảnh: Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn thăm đảng viên Nguyễn Cần, 72 năm tuổi Đảng, ngụ phường An Bình, TP.Biên Hòa. Ảnh:P. Hằng
Vào Ngày thành lập Đảng 3-2 hằng năm và chuẩn bị đón năm mới, Ban TVTU đều tổ chức các đoàn đi thăm đảng viên lão thành, đây là nét văn hóa được duy trì nhiều năm ở Đảng bộ Đồng Nai. Trong ảnh: Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn thăm đảng viên Nguyễn Cần, 72 năm tuổi Đảng, ngụ phường An Bình, TP.Biên Hòa. Ảnh:P. Hằng

GS-TS.Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, thực tiễn và kinh nghiệm lịch sử đã cho thấy, nếu không chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức và văn hóa thì không ít trường hợp trong Đảng có nguy cơ thoái hóa và tha hóa, chủ nghĩa cá nhân sẽ trỗi dậy trước những cám dỗ của tiền bạc, danh vọng, địa vị, quyền lực; xa dân, quan liêu, tham nhũng, lời nói không đi đôi với việc làm, coi thường tổ chức và kỷ luật, chia rẽ, mất đoàn kết.

* Sự cần thiết phải có văn hóa trong Đảng

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay đã nêu rõ tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, kể cả ở cấp cao. Như Đảng ta đã đánh giá, tình trạng suy thoái đó là nghiêm trọng, phổ biến, làm suy giảm niềm tin của dân đối với Đảng.

GS-TS.Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đó là những chỉ dẫn sâu xa nhất mà cũng trực tiếp nhất về xây dựng Đảng từ yêu cầu đạo đức và văn hóa.

Thực trạng này không chỉ do tác động mặt trái của kinh tế thị trường, mà còn là hệ quả của việc xem nhẹ xây dựng Đảng về đạo đức, về văn hóa. Không ít những biểu hiện lệch lạc về động cơ vào Đảng, động cơ phấn đấu khi đã ở trong Đảng, xa lạ với bản chất, mục đích của Đảng, làm hoen ố thanh danh của Đảng.

Rõ ràng, những yếu kém về đạo đức và văn hóa nếu chậm được khắc phục, nếu không nhận rõ sự cần thiết và tính bức xúc của việc xây dựng Đảng về đạo đức, về văn hóa thì chẳng những không giải quyết được tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân mà còn làm cho Đảng tiếp tục suy yếu, đặt sinh mệnh của Đảng và cả sự tồn vong của chế độ trước những thách thức khó có thể vượt qua.

PGS-TS.Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định, vấn đề xây dựng văn hóa trong Đảng vốn không mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhiều lần đề cập đến vấn đề này. Bác luôn quan tâm giáo dục và rèn luyện đảng viên vừa có tri thức cách mạng, vừa có đạo đức cách mạng.

Năm 1947, tại Chiến khu Việt Bắc, giữa muôn vàn khó khăn và thiếu thốn của những ngày đầu kháng chiến, Bác Hồ đã viết 2 tác phẩm nổi tiếng: Sửa đổi lối làm việc Đời sống mới. 2 tác phẩm này rất ngắn gọn, cụ thể, cốt lõi là việc xây dựng văn hóa trong Đảng, xứng đáng trở thành cuốn sách giáo khoa nhằm cảnh tỉnh những ai trong tư tưởng và hành động đang xa dần những chuẩn mực của tư cách và đạo đức người cách mạng.

Theo PGS-TS.Nguyễn Viết Thông, để xây dựng văn hóa trong Đảng, phải tập trung chống chủ nghĩa cá nhân. Chỉ có “quét sạch” chủ nghĩa cá nhân thì mới xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân.

* Đề cao sự nêu gương trong cán bộ, đảng viên

Thực hiện văn hóa trong Đảng, những năm qua các cấp ủy trực thuộc tỉnh, các ban Đảng, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn… đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cấp ủy trực thuộc, cơ quan, đơn vị thường xuyên rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, tính chiến đấu của Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ. Quán triệt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng, nguyên tắc hoạt động của Đảng. Xác định trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực thi nhiệm vụ, đặc biệt là phải phòng ngừa và chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.

Cùng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, Ban TVTU đã quan tâm xây dựng Đảng về đạo đức, về văn hóa. Điều này thể hiện rõ khi Ban TVTU đã có Quy định 08-QĐ/TU ngày 11-10-2017 về thực hiện văn hóa trong Đảng tại Đảng bộ tỉnh Đồng Nai.

Đồng chí Thái Bảo, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, qua các cuộc điều tra dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh, đánh giá của người dân về cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã thể hiện việc nêu gương tốt trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc nêu gương tốt của cán bộ, đảng viên đã tạo đồng thuận trong nhân dân, sức mạnh đảm bảo cho việc hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ quan trọng của tỉnh thời gian qua.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đội ngũ đảng viên của Đảng bộ tỉnh cơ bản thể hiện sự gương mẫu, nghiêm túc trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng trong quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới và ngược lại. Làm việc có nguyên tắc, tính khoa học, phát huy sự sáng tạo của cá nhân cũng như huy động được trí tuệ tập thể, hỗ trợ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Luôn nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật và gương mẫu trong thực hiện nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị. Gắn bó mật thiết với nhân dân; tôn trọng đồng chí, đồng nghiệp, sống có tình, có nghĩa, thương yêu và chia sẻ với nhau.

Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Thị Kim Chung chia sẻ, thực hiện Quyết định 728-QĐ/TU của Ban TVTU về quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu các cấp ủy Đảng, người đứng đầu chính quyền các cấp với nhân dân, những năm qua người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp ở Đồng Nai đã tổ chức hàng trăm cuộc đối thoại với cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân. Từ đó nhiều vấn đề bức xúc được giải quyết, tạo sinh khí mới giữa Đảng với dân và cũng là thể hiện rõ nhất người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân.

Trong đối thoại với nhân dân đã có sự nêu gương từ người lãnh đạo cao nhất của tỉnh, đó là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Từ năm 2016 đến nay, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã có các cuộc đối thoại với người dân TP.Biên Hòa về vấn đề ngập nước; đối thoại với các hộ dân ở TP.Long Khánh để giải quyết tranh chấp đất đai giữa các gia đình; đối thoại với các tiểu thương chợ Sặt để tìm phương án sửa chữa, nâng cấp chợ; đối thoại với thanh niên nông thôn và thanh niên trí thức về nguồn vốn hỗ trợ thanh niên trong phát triển sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp, sáng tạo, học nghề, giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ, cơ chế phát hiện bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là tài năng trẻ; đối thoại với nông dân về tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn...

Ông Vũ Đức Hạnh, nguyên cán bộ thủy lợi, hiện ngụ KP.1, phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) bộc bạch, ông là 1 trong số 300 người dân tham gia buổi đối thoại trực tiếp với Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường về vấn đề ngập nước ở Biên Hòa. Trong buổi đối thoại đó, thấy Bí thư Tỉnh ủy gần gũi, người dân đã có dịp bộc bạch hết những bức xúc, suy nghĩ của mình. Bí thư Tỉnh ủy đã nghiêm túc lắng nghe ý kiến người dân, sau đó có những chỉ đạo cơ quan chức năng của tỉnh và TP.Biên Hòa tập trung giải quyết tình trạng ngập nước ở Biên Hòa. Nhờ đó, đến nay tình trạng ngập nước ở Biên Hòa đã cơ bản được khắc phục.

Phương Hằng

Tin xem nhiều