Sau hơn 2 năm thực hiện quyết liệt, đến nay Đồng Nai cơ bản hoàn thành sắp xếp bộ máy tổ chức ở các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến xã theo đúng tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương (khóa XII)...
Hơn 2 năm thực hiện quyết liệt, đến nay Đồng Nai cơ bản hoàn thành tổ chức sắp xếp bộ máy tổ chức ở các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến xã theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Bác sĩ của Khoa Chăm sóc sức khỏe cán bộ thuộc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ hưu trí của tỉnh |
Sau sắp xếp, hoạt động của các đơn vị đã có sự đồng bộ, thống nhất, hiệu quả hơn trước, giảm được đáng kể biên chế, đồng nghĩa với việc tiết kiệm được hàng tỷ đồng chi phí mỗi năm.
* Hiệu quả sau sắp xếp
Cách đây hơn 1 năm, Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy được giải thể. Trước khi giải thể, bà Đỗ Thị Thiện là phó ban, sau khi giải thể bà được bổ nhiệm ở vị trí mới là Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, đồng thời 11 cán bộ, công chức, viên chức của Ban được bố trí về công tác tại Khoa Chăm sóc sức khỏe cán bộ của bệnh viện. Ngay cả những lao động thuộc diện hợp đồng của ban trước đó cũng được bệnh viện tiếp tục ký hợp đồng làm việc lâu dài theo nguyện vọng, không ai bị mất việc làm.
Năm 2019 tỉnh đã giải quyết cho 151 trường hợp nghỉ việc theo nguyện vọng tại các cơ quan, đơn vị sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ về tinh giản biên chế. |
Bà Đỗ Thị Thiện chia sẻ, trước khi giải thể Ban, người lao động không tránh khỏi lo lắng về công việc và đời sống trước mắt. Sau giải thể, đội ngũ được chuyển đến đơn vị mới, dù chỉ là một khoa của bệnh viện nhưng mọi việc tiến triển tốt, ai nấy đều phấn khởi vì tiếp tục được làm đúng chuyên môn, từ đó tạo được nhiều chuyển biến tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe cho đội ngũ cán bộ trong tỉnh.
Đứng trước khó khăn trong tuyển sinh, năm 2019, UBND tỉnh đã quyết định sáp nhập Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Đồng Nai (tại H.Nhơn Trạch) vào Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai (tại H.Long Thành). Sau sáp nhập, cơ sở vật chất và bộ máy nhân sự được cơ cấu lại phù hợp, giúp cho trường được sáp nhập vào đơn vị mới tiếp tục phát triển. Đối với những cán bộ cấp trưởng, phó phòng khoa của trường được sáp nhập với đơn vị mới bị dôi dư đều chấp hành phân công điều động sang những vị trí mới, có thể thấp hơn vị trí cũ.
Chia sẻ sau gần 1 năm sáp nhập với đơn vị mới, ông Cao Thanh Tuấn, Hiệu trưởng Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Đồng Nai nay là Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai cho rằng: “Sau sáp nhập, về vị trí, chức vụ, tôi và nhiều anh em khác từ cấp trưởng xuống làm cấp phó, lúc đầu có tâm tư nhưng ai nấy đều nhận thức được quyền lợi tập thể vẫn phải được đặt lên cao nhất. Đến nay, hoạt động của trường đã ổn định hơn và có xu hướng đi lên”.
* Quyết liệt, minh bạch trong thực hiện
Tuy không phải là đơn vị được tỉnh giao thí điểm về thực hiện sắp xếp lại bộ máy, song Sở Y tế đã thực hiện mạnh mẽ và quyết liệt công tác này. Sở đã hoàn thành việc sắp xếp lại bộ máy văn phòng Sở và 2 chi cục thuộc Sở theo phê duyệt của UBND tỉnh. Đặc biệt, Sở đã hoàn thành sáp nhập một loạt các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, trong đó có sáp nhập 7 trung tâm thành Trung tâm Phòng, chống bệnh tật (CDC) để tập hợp nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh. Cùng với đó, Sở đã tiến hành thành lập 11 trung tâm y tế tuyến huyện trên cơ sở sáp nhập trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình vào trung tâm y tế.
TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho rằng, trong quá trình sáp nhập không tránh khỏi ảnh hưởng tâm lý của nhiều người đang là cấp trưởng sẽ phải chấp nhận xuống làm cấp phó, nhưng đây là chủ trương của Đảng thì phải chấp hành. Và thực sự việc sáp nhập các đơn vị trung tâm nhỏ để thành lập các trung tâm mới có quy mô và nguồn lực tập trung về chuyên môn đã giúp ích rất nhiều cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Nội vụ tỉnh năm 2020, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, muốn kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển thì bộ máy phải thực sự nhỏ gọn, hoạt động hiệu quả. Muốn thực hiện điều này thì phải chứng minh được là ít người nhưng vẫn làm tốt nhiều việc, trong đó vai trò người được giao nhiệm vụ đầu tàu tại các đơn vị sau khi sắp xếp là rất quan trọng. Một yếu tố quan trọng không kém là phải thực hiện đúng quy trình trong quá trình sắp xếp bộ máy, công khai dân chủ, lấy ý kiến rộng rãi trong cơ quan, đơn vị khi tiến hành sắp xếp. Khi có sự công khai dân chủ thì không chỉ quá trình sắp xếp sẽ nhanh gọn mà quá trình hoạt động cũng sẽ ổn định lâu dài, đạt hiệu quả như mong muốn. |
Đến nay, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh (thuộc Sở LĐ-TBXH) đã có tròn 1 năm hoạt động sau khi được hợp nhất từ 4 đơn vị làm công tác bảo trợ xã hội gồm: Trung tâm Bảo trợ người già, người khuyết tật, người tâm thần; Trung tâm Bảo trợ huấn nghệ cô nhi Biên Hòa; Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật, Nhà Nuôi dưỡng cha mẹ liệt sĩ.
Bà Huỳnh Thị Nhật Giang, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cho biết: “Khi được bổ nhiệm làm giám đốc trung tâm tôi khá lo lắng vì phải quản lý tới 4 đơn vị nằm ở 4 vị trí khác nhau, đối tượng quản lý chăm sóc cũng có sự khác nhau về hoàn cảnh, sức khỏe, tâm lý. Hằng tuần, hằng tháng, ngoài họp giao ban với Ban giám đốc Sở LĐ-TBXH để báo cáo hoạt động chung của trung tâm, tôi còn phải họp với các lãnh đạo là cấp phó của 4 đơn vị trực thuộc trung tâm quản lý. Mỗi ngày tôi phải dành từ 3-4 tiếng cho việc di chuyển và kiểm tra thực tế ở các đơn vị. Công việc lúc đầu khá áp lực nhưng nay tôi đã quen, từng bước đưa hoạt động của trung tâm vào nền nếp, vận hành khá trơn tru”.
Theo Sở Nội vụ, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW và 19-NQ/TW đã đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, 100% các tổ chức hành chính trực thuộc UBND tỉnh hoàn thiện đề án sáp nhập, tinh gọn tổ chức bộ máy của đơn vị nên đã giảm được số đơn vị đầu mối là phòng, ban chuyên môn và đơn vị trực thuộc. Cụ thể, đã thực hiện 40/49 phương án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp theo kế hoạch của Tỉnh ủy (đạt 81,6%), giảm được 78 đơn vị sự nghiệp công lập. Dự kiến trong năm 2020, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 theo lộ trình của Tỉnh ủy về giảm đầu mối các đơn vị thuộc lĩnh vực nông nghiệp, văn hóa, tư pháp với khoảng 98 đơn vị.
Quá trình sắp xếp lại bộ máy đã giảm đáng kể số lượng vị trí cán bộ quản lý là cấp trưởng, cấp phó, góp phần tinh giảm biên chế, giảm chi cho ngân sách nhà nước. Tính đến cuối năm 2019, tỉnh đã cắt giảm được 234 biên chế, tương đương với gần 7% biên chế của năm 2015. Tuy nhiên, hiện nay biên chế của tỉnh vẫn còn cao hơn số lượng được Bộ Nội vụ giao là 111 người, dự kiến từ nay đến cuối năm, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện cắt giảm khoảng 70 biên chế và tiến đến cuối năm 2021 sẽ đạt được mục tiêu giảm 10% biên chế so với năm 2015.
Công Nghĩa