Toàn tỉnh hiện có gần 70% dân số là đồng bào có đạo, trong đó Phật giáo và Công giáo là 2 tôn giáo lớn với rất đông tín đồ.
Toàn tỉnh hiện có gần 70% dân số là đồng bào có đạo, trong đó Phật giáo và Công giáo là 2 tôn giáo lớn với rất đông tín đồ.
Một tuyến đường giao thông sáng - xanh - sạch - đẹp từ phong trào xã hội hóa giao thông nông thôn tại xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất). Ảnh: Công Nghĩa |
Tại Đồng Nai, các tôn giáo đều hoạt động đúng pháp luật; chức sắc, tín đồ tôn giáo tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của tỉnh.
* Vì sự phát triển chung
Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Nguyễn Quốc Vũ nhận xét, có được những kết quả trên là do nhiều nguyên nhân, trong đó công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến chức sắc, tu sĩ, chức việc, tín đồ các tôn giáo được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm.
Nhiều vị chức sắc, tu sĩ, chức việc và đồng bào có đạo trong tỉnh đã chủ động nắm bắt và phản ánh kịp thời đến cấp ủy, chính quyền, MTTQ những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; tích cực tham gia đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, qua đó làm tốt vai trò cầu nối giữa chính quyền và giáo hội, giúp cho mối quan hệ giữa đạo và đời ngày càng tốt đẹp. |
Với sự quan tâm của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, hằng năm, Ban Tôn giáo tỉnh được phân công phối hợp cùng các ngành của tỉnh và UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho chức sắc, tu sĩ, chức việc các tôn giáo nhằm làm cho đồng bào có đạo trong tỉnh không chỉ hiểu, nắm vững mà còn nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, nhất là trong hoạt động tôn giáo.
Bên cạnh đó, để thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Nai đối với đồng bào có đạo, hằng năm, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã tổ chức các cuộc họp mặt mừng Đảng, mừng Xuân và gặp gỡ, đối thoại nhân các dịp lễ trọng của tôn giáo. Tỉnh ủy và UBND tỉnh cũng đã giao Ban Tôn giáo tỉnh, định kỳ 6 tháng/lần tổ chức gặp gỡ, đối thoại với tất cả các tổ chức tôn giáo thuộc phạm vi quản lý của cấp tỉnh.
Ở cấp huyện, vào các dịp Tết Nguyên đán hay lễ trọng của các tổ chức và cá nhân, các địa phương đều tổ chức họp mặt động viên chức sắc, tín đồ tôn giáo. “Thông qua gặp mặt đối thoại, lắng nghe lẫn nhau, mối quan hệ với Đảng, chính quyền và các tôn giáo đã thực sự tôn trọng, đồng thuận với nhau vì lợi ích chung của đất nước, của địa phương; trong đó có lợi ích của các tôn giáo” - Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Nguyễn Quốc Vũ khẳng định.
Giám mục chính tòa Giáo phận Xuân Lộc Đinh Đức Đạo bày tỏ: “Ở Đồng Nai, các vị lãnh đạo tỉnh đã hiểu ý nghĩa những sinh hoạt tôn giáo, xây dựng con người mới và khối đại đoàn kết toàn dân tộc nên luôn tận tình hỗ trợ những buổi cử hành phục vụ của giáo phận, giáo hạt và giáo xứ, làm cho bà con giáo dân trong toàn giáo phận rất phấn khởi, đồng thuận, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước của địa phương. Vì những điều tốt đẹp đó mà chúng tôi đã coi mảnh đất Đồng Nai như chính ngôi nhà của mình”.
* Tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua
Với sự quan tâm, hướng dẫn của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, đồng bào các tôn giáo ở Đồng Nai luôn sống tốt đời đẹp đạo, xây dựng trong giáo hội một nếp sống phù hợp với truyền thống dân tộc, tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của tỉnh.
Trong đó, hưởng ứng cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đồng bào các tôn giáo trong tỉnh luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tham gia có hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới. Đồng bào các tôn giáo trong tỉnh đã đóng góp hơn 49 tỷ đồng và 18 ngàn ngày công lao động để làm mới, sửa chữa 212km đường giao thông nông thôn; lắp đặt 2.171 đèn đường; 840 chiếc camera giám sát an ninh…
Linh mục Lê Vinh Hiến, Trưởng ban Đoàn kết Công giáo H.Thống Nhất chia sẻ, tiếp cận được thông tin tuyên truyền từ cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội của huyện về việc xây dựng nông thôn mới, đồng bào Công giáo nơi đây đã nhận thức rất rõ vai trò chủ thể của mình trong công tác này, do đó đã có đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới, nhất là việc xã hội hóa giao thông nông thôn. Từ năm 2015 đến nay, đồng bào Công giáo trong huyện đã đóng góp 15,6 tỷ đồng để làm hàng chục km đường bê tông, cứng hóa nhiều tuyến đường nội đồng và xây các cống thoát nước.
Không chỉ góp tiền, nhiều tấm gương là đồng bào Công giáo đã hiến hàng ngàn m2 đất để làm đường giao thông nông thôn; đồng thời tích cực thực hiện các chính sách an sinh xã hội, từ thiện bác ái để giúp đỡ hộ nghèo, người nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của huyện.
Đồng bào các tôn giáo trong tỉnh còn tích cực hưởng ứng phong trào Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau, do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động, bằng nhiều hình thức thiết thực. Theo đó, trong năm qua, đồng bào các tôn giáo của tỉnh đã đóng góp 280 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động: khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo; chăm sóc nuôi dưỡng người già neo đơn, trẻ em mồ côi, khuyết tật; giúp đỡ người nghèo phát triển kinh tế gia đình; tặng quà cho người nghèo… Những nghĩa cử cao đẹp này đã tác động tích cực đến xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy truyền thống “tương thân, tương ái” của dân tộc Việt Nam.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp Sở Tài nguyên - môi trường và 16 tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh ký kết phối hợp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2021. Hiện nay, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã đưa nội dung bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào chương trình hoạt động hằng năm phù hợp với giáo lý và hoạt động của tổ chức mình để vận động tín đồ thực hiện. Đồng thời tích cực phối hợp với chính quyền, MTTQ xây dựng các mô hình điểm về bảo vệ môi trường, với chủ đề Sáng - xanh - sạch - đẹp. Kết quả đã có 144 khu dân cư vùng đồng bào có đạo thành lập được Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; nhiều cơ sở tôn giáo hưởng ứng việc thả cá vào hồ Trị An (H.Vĩnh Cửu) để góp phần duy trì nguồn lợi thủy sản, cải tạo môi trường, cân bằng hệ sinh thái, giữ gìn nguồn nước sạch cho hồ.
Thượng tọa Thích Huệ Khai, Phó ban thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh cho biết, Đức Phật luôn chủ trương đời sống giản dị cho các tăng, ni, sống gần gũi với thiên nhiên. Thực hiện giáo lý của Đức Phật, chủ trương của Giáo hội và hướng dẫn của MTTQ các cấp, từ năm 1982 đến nay, các tự viện trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận khoảng hơn 1 ngàn ha đất hoang để trồng rừng, góp phần đem lại những tán rừng phủ xanh màu lá và sự sống cho các loài động vật. Bên cạnh đó, Phật giáo đã cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thả hơn 150 ngàn con cá giống (trị giá 450 triệu đồng) xuống hồ Trị An (H.Vĩnh Cửu) để bảo vệ nguồn nước và cân bằng hệ sinh thái cho hồ.
Trong năm 2019, đồng bào các tôn giáo trong tỉnh đã cung cấp hơn 1.700 nguồn tin có giá trị, giúp cơ quan chức năng triệt phá nhiều vụ vi phạm pháp luật; đồng thời, giáo dục cảm hóa nhiều đối tượng lầm lỡ trở thành người hoàn lương. Một số vùng có đông đồng bào tôn giáo đã thành lập được các mô hình bảo vệ an ninh Tổ quốc có hiệu quả, góp phần giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân ở khu dân cư như: Tổ an ninh nhân dân, Tổ hòa giải, Đội nữ dân phòng vùng đồng bào Công giáo, Xóm đạo bình yên ở xã Gia Tân 2 (H.Thống Nhất); Tiếng kẻng an ninh ở xã Quảng Tiến (H.Trảng Bom) và xã Bảo Bình (H.Cẩm Mỹ); các CLB phòng, chống tội phạm ở TP.Biên Hòa… |
Phương Hằng