Báo Đồng Nai điện tử
En

Bí thư ấp 'nói đi đôi với làm'

10:04, 23/04/2020

Năm 2017, đảng viên Phạm Văn Mai (Chi bộ thôn 8, xã Ea Ral, H.Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk) chuyển về Chi bộ ấp 6, xã Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ) sinh hoạt. Sau đó, ông được cán bộ và nhân dân trong ấp tín nhiệm bầu làm phó ấp, rồi trưởng ấp. Cuối năm 2019, tại Đại hội Chi bộ ấp 6 (nhiệm kỳ 2020 -2023), ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ ấp.

Năm 2017, đảng viên Phạm Văn Mai (Chi bộ thôn 8, xã Ea Ral, H.Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) chuyển về Chi bộ ấp 6, xã Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ) sinh hoạt. Sau đó, ông được cán bộ và nhân dân trong ấp tín nhiệm bầu làm phó ấp, rồi trưởng ấp. Cuối năm 2019, tại Đại hội Chi bộ ấp 6 (nhiệm kỳ 2020 -2023), ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ ấp.

Bí thư chi bộ, Trưởng ấp 6 Phạm Văn Mai (trái) tuyên truyền người dân trong ấp thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Đ.Phú
Bí thư chi bộ, Trưởng ấp 6 Phạm Văn Mai (trái) tuyên truyền người dân trong ấp thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Đ.Phú

“Quan điểm của tôi là lời nói phải đi đôi với hành động, việc làm. Như vậy, dân mới nhìn thấy mà tin tưởng, sẵn sàng góp sức vì việc chung của ấp” - ông Mai bộc bạch.

* Gần với dân

Ấp 6 có 240 hộ dân, 7 tổ nhân dân và 2 khu tự quản. Để nắm hoàn cảnh, điều kiện, tâm tư của người dân trong ấp, đảng viên Mai không chỉ đi nhiều, gặp nhiều mà còn thường xuyên phối hợp với cán bộ ấp, tổ, khu tự quản xuống thăm hỏi người dân, động viên, phát động phong trào. Khi đã quen địa bàn, vị trí nhà dân ở, hễ người dân, xã có việc cần là ông phóng xe máy đến gặp gỡ, trao đổi, bàn luận.

Những lần như vậy, ngoài công việc ấp như: tuyên truyền làm đường, an ninh trật tự, nghĩa vụ thuế..., ông Mai luôn nán lại để hỏi thăm người dân về chuyện học hành của con em, kế hoạch phát triển kinh tế, việc làm của từng hộ gia đình. Chính sự cởi mở đó, Trưởng ấp Mai được người dân ấp 6 xem là cầu nối khi có chuyện muốn phản ảnh, góp ý.

Chẳng hạn, đường nông thôn ấp 6 được đầu tư từ chương trình 135, 134 của Chính phủ đang dần xuống cấp, dân trong ấp ngoài việc muốn được xã, huyện sửa chữa các tuyến đường này, mặt khác bê tông hóa tuyến đường đất theo hình thức xã hội hóa để đường sá khang trang hơn. Do đó, hễ gặp Trưởng ấp Mai ở đâu là người dân đều đề đạt nguyện vọng này.

Hay như chuyện khu vực rẫy khu dân cư 2 thiếu đường vận chuyển nông sản, người dân rất muốn mở một tuyến đường nội đồng nhưng không có kinh phí hỗ trợ cho những hộ bị ảnh hưởng. Hiểu được mong muốn chính đáng của người dân, ông Mai đã vận động được 5 hộ dân hiến trên 6 sào đất mở tuyến đường ngang 5m, dài 300m. Khi ấp triển khai kế hoạch làm đường thì được một mạnh thường quân tự nguyện ủng hộ 200 triệu đồng nhằm thay người dân đối ứng vốn với xã để bê tông hóa tuyến đường.

“Tôi sinh sống ở đây gần 20 năm, đóng góp cho các phong trào địa phương khá nhiều. Tuy vậy, tính đi tính lại công sức của tôi không thể sánh bằng những việc Trưởng ấp Mai đã làm cho ấp trong vòng 3 năm qua. Đó là do Trưởng ấp Mai biết gần với dân, hiểu và đề đạt những điều dân mong muốn lên các cấp chính quyền kịp thời” - nông dân Mai Văn Hiền tâm sự.

* Có duyên hòa giải

Chuyện tranh chấp ranh đất giữa 2 gia đình ông H.V.B. và bà N.T.S. (tổ 3) nếu không được Trưởng ấp Mai kịp thời giải hòa thì đôi bên sẽ đưa nhau lên xã hay tòa án giải quyết. Nguyên nhân xuất phát từ việc ông B. vì tự ý chỉnh hàng ranh cho thẳng mà xâm lấn sang đất của bà S. Việc làm của ông B. làm thay đổi ranh giới đất mà thiếu sự bàn thảo với bà S. nên dẫn tới xung đột.

Hay như chuyện các con của bà P.T.N. (khu dân cư 2) tranh chấp nhau đất đai mà cha mẹ cho tặng. Chuyện tranh giành đất đai, tài sản giữa các con của bà N. tới tai ông Mai và được ông đưa ra phương án giải quyết thuận thảo nên ai cũng nể phục và đồng thuận.

Ông Mai cho hay, mỗi năm ấp 6 xảy ra vài vụ tranh chấp lớn, nhỏ liên quan tới hôn nhân, ranh giới đất đai, mâu thuẫn hàng xóm láng giềng… Không cần người dân có đơn thưa kiện, biết chuyện là ông tới nhà hòa giải ngay. “Khi đôi bên mâu thuẫn thì không có bên nào hoàn toàn đúng và bên kia hoàn toàn sai mà cả hai đều có cái đúng, sai nhất định. Để giải hòa, tôi phải phân tích cho đôi bên hiểu, nhận đúng cái sai, cái đúng của nhau mà thông cảm, xóa hiềm khích” - ông Mai nói.

Ông Võ Đức Thanh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy xã Sông Nhạn bày tỏ, ấp 6 có được một bí thư chi bộ, kiêm trưởng ấp nhiệt huyết, gần gũi với dân như đảng viên Mai đó là điều địa phương rất cần. Một khi tình hình dân cư yên ổn, kinh tế phát triển, đoàn kết, tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị thì khó khăn, vướng mắc gì của ấp, xã cũng có cách vượt qua và tháo gỡ kịp thời.

“Để dân tin mình, tôi không ngại khó, ngại khổ việc dân nhờ, địa phương phân công. Bên cạnh đó, là đảng viên bản thân tôi phải luôn gương mẫu, chuẩn mực, “đầu tàu” trong tất cả phong trào, trách nhiệm với công việc, giải quyết công việc phải khách quan, công tâm” - đảng viên Phạm Văn Mai bày tỏ.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều