Báo Đồng Nai điện tử
En

Gặp gỡ những vị tướng của các trận đánh lớn...

04:04, 29/04/2020

Cách đây 45 năm, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tạo bước ngoặt vĩ đại.

Cách đây 45 năm, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tạo bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên mới: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Trung tướng Lê Nam Phong (thứ hai từ phải sang) cùng các tướng lĩnh quân đội trong chương trình kỷ niệm, chiến thắng Tàu Ô - Xóm Ruộng năm 2019. Ảnh:N. Trinh
Trung tướng Lê Nam Phong (thứ hai từ phải sang) cùng các tướng lĩnh quân đội trong chương trình kỷ niệm, chiến thắng Tàu Ô - Xóm Ruộng năm 2019. Ảnh:N. Trinh

Nói về chiến thắng vang dội đó có nhiều câu chuyện kể xúc động của các vị tướng, các anh hùng quân đội đã làm nên bản hùng ca bất diệt, góp phần vào thắng lợi to lớn trong lịch sử dân tộc...

* Từ đồi Độc Lập đến dinh Độc Lập

Chúng tôi gặp trung tướng Lê Nam Phong tại nhà riêng ở Q.Thủ Đức (TP.HCM). Vị tướng 92 tuổi, nổi tiếng với các biệt danh “Nam lửa”, “Nam bình toong” hay “Đại đội trưởng đầu trọc”... vẫn nhớ rất rõ các trận đánh lớn trong cuộc đời mình. “Trải qua nhiều trận đánh, nhưng trận đánh mà tôi nhớ mãi là chiến dịch Nguyễn Huệ do tôi chỉ huy đã lập nên “bức tường thép” Tàu Ô - Xóm Ruộng, khiến địch phải khiếp sợ, tạo đà mở cánh cửa thép Xuân Lộc trong đại thắng mùa Xuân 1975” - trung tướng Lê Nam Phong nói.

Sau khi đất nước hòa bình, cả hai vị tướng đều trở thành những vị lãnh đạo chủ chốt của Quân đoàn 4 (một trong những quân đoàn chủ lực tiến vào giải phóng Sài Gòn). Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan lục quân 2 (Trường đại học Nguyễn Huệ); Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh từng là Phó tư lệnh về chính trị và Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan lục quân 2.

Nhắc đến chiến dịch Xuân Lộc - nơi được chính quyền Sài Gòn xem là “cánh cửa thép” và “nếu mất Xuân Lộc sẽ mất Sài Gòn”, ông chậm rãi kể: 12 ngày đêm ròng rã mở cánh cửa thép Xuân Lộc, cả hai bên đều chịu tổn thất nặng nề. Đến ngày 21-4, “cánh cửa thép” Xuân Lộc bị đập tan.

Nhắc đến đây, đôi mắt vị tướng già chùng xuống ưu tư, ông nói: “Chiến thắng Xuân Lộc đã làm nên bàn đạp để quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, nhưng ta đã phải đánh đổi bằng sự đổ máu quá lớn!”.

Có một chi tiết thú vị là lần trung tướng Lê Nam Phong đụng độ với tướng Lê Minh Đảo (Sư trưởng Sư đoàn 18 Quân lực Việt Nam cộng hòa - án ngữ trực tiếp “cánh cửa thép” Xuân Lộc) qua làn sóng vô tuyến điện. Tướng Đảo hét toáng lên: “Việt Nam cộng hòa sẽ đánh một trận oai hùng cho thế giới biết!”. Tướng Nam Phong nổi giận đùng đùng: “Chúng tao sẽ diệt bọn mày chết tại đây!”. Chỉ vì phút nóng giận này mà suýt chút nữa tướng Lê Nam Phong bị cấp trên kỷ luật.

Sau giải phóng Xuân Lộc, trung tướng Lê Nam Phong tiếp tục cầm quân giải phóng Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa rồi nhanh chóng hòa cùng các cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn. Đơn vị của ông - Sư đoàn 7 được giao cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập. Tuy nhiên, trên đường tiến vào Sài Gòn đã gặp phải sự phản công điên cuồng của địch, khiến mũi tấn công phải chậm lại, nhất là tại cửa ngõ Long Khánh, nên không thực hiện được nhiệm vụ lịch sử lớn lao đó.

Ông xúc động chia sẻ: “Cảm xúc vào dinh Độc Lập giống y cái ngày tôi đứng trước đồi Độc Lập khi chiến dịch Điện Biên phủ toàn thắng. Khi vừa đặt chân đến dinh Độc Lập thấy cánh cổng bị phá sập, tôi chỉ muốn hét thật to cho thỏa lòng bao năm chờ đợi. Nhưng rồi tôi chỉ biết đứng lặng nhìn mọi người đang hân hoan vui mừng mà nước mắt cứ trào ra. Tôi đã đi từ đồi Độc Lập đến dinh Độc Lập, cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ cao cả mà đất nước đã giao phó là giành lại độc lập cho Tổ quốc”...

* Để thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử

Ở căn nhà cùng vợ con tại phường 5, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh năm nay đã bước sang tuổi 82. Hiện ông vẫn tham gia hoạt động trong các ban liên lạc, thường xuyên đi nói chuyện truyền thống với cán bộ, giáo viên, sinh viên các trường đại học ở TP.HCM và các tỉnh lân cận để “chạy đua với thời gian nhằm giúp cho thế hệ trẻ hiểu về lịch sử, có trách nhiệm hơn với đất nước”.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh giới thiệu tấm hình Bộ Tư lệnh chiến dịch trao cờ cho đơn vị trước khi vào chiến dịch Hồ Chí Minh
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh giới thiệu tấm hình Bộ Tư lệnh chiến dịch trao cờ cho đơn vị trước khi vào chiến dịch Hồ Chí Minh

Ông kể, đơn vị ông là Trung đoàn 141 thuộc Sư đoàn 7 cùng tướng Nam Phong đánh hướng Đông Bắc vào giải phóng Sài Gòn. Trung đoàn 141 được nhận lá cờ từ tay chỉ huy mặt trận Hoàng Cầm để vào cắm trên nóc dinh Độc Lập vì đã từng chiến thắng và cắm cờ trên tòa tỉnh trưởng Phước Long trong trận giải phóng đường 14 - Phước Long vào ngày 6-1-1975.

Đêm 29 rạng sáng 30-4, đơn vị ông được lệnh tiến quân thọc sâu vào Sài Gòn nhưng khi vừa đến cầu Suối Máu (Biên Hòa) thì gặp địch đánh chặn. Lúc đó, đồng chí Ba Vũ và Vương Thế Hiệp chỉ huy đơn vị buộc phải triển khai đội hình chiến đấu chiếm Tháp Chuông (Biên Hòa) trong suốt đêm
29-4. Vào đến cầu Mới (cầu Hóa An hiện nay) bị đánh sập 2 nhịp, đơn vị lại phải quay ra quốc lộ 1 tiến quân vào ngã ba Vũng Tàu nên đã chậm bước tiến, vào sau Quân đoàn 2 khoảng 30 phút nên không thực hiện được nhiệm vụ cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập.

Một nhiệm vụ không kém phần khó khăn là Trung đoàn 141 trực tiếp được giao làm nhiệm vụ quân quản tại quận 1, khu vực dinh Độc Lập. Lúc này, toàn bộ nội các Việt Nam cộng hòa gồm 120 người (cả tướng Dương Văn Minh) vẫn ở dinh Độc Lập bày tỏ nguyện vọng được gặp quân giải phóng.

Sau khi xin ý kiến được cấp trên đồng ý cho gặp nội các Việt Nam cộng hòa, chúng ta vẫn phải cử người gác dinh chặt chẽ. “Tôi còn nhớ lúc đó, tổng thống Dương Văn Minh hỏi một lính gác của ta thấy dinh Độc Lập có đẹp không? Anh Hoàng Cao Đại đang gác cổng lúc đó trả lời “dinh rất đẹp nhưng bên trong thối nát”. Dương Văn Minh bực mình đi vào và cử Bộ trưởng Tài chính ra hỏi tiếp. Lúc đó, quân giải phóng đã cử người thay gác là thượng sĩ Bùi Văn Hanh. Tên Bộ trưởng Tài chính Việt Nam cộng hòa hỏi: “Chiến sĩ giải phóng các ông thì có gì mà cao hơn đại tá chúng tôi?”, thượng sĩ Hanh trả lời: “Chiến sĩ chúng tôi chiến đấu có mục đích, còn các ông thì không”. Tên này tức quá quay vào và từ đó, chúng không cử người ra hạch sách, nhiệm vụ quân quản từng bước vượt khó và thành công theo đúng nhiệm vụ được giao” - thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh kể lại.

Ở các đơn vị còn lại của quân giải phóng, khi tiếp cận nhiệm vụ quân quản gặp không ít khó khăn mà theo tướng Nguyễn Ngọc Doanh phải dùng trí để đấu, dùng công tác tư tưởng để làm và từng bước đào tạo, huấn luyện cán bộ, chiến sĩ vững về tư tưởng, như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi mới thành lập quân đội ta “chính trị trọng hơn quân sự”.

45 năm trôi qua, những vị tướng từng kinh qua trận mạc đều bùi ngùi nhớ về đồng đội đã hy sinh không kịp chứng kiến ngày đất nước thống nhất. Dù tuổi cao, trung tướng Lê Nam Phong, thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh vẫn bận rộn như để “chạy đua” với thời gian, để giúp thế hệ trẻ hiểu rõ cái giá của hòa bình đã phải đổi bằng máu và nước mắt...

Nguyệt Trinh

Tin xem nhiều