Người dân cần thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của ngành Y tế: hạn chế đi ra ngoài; khi ra ngoài phải giữ khoảng cách và đeo khẩu trang; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn… như những ngày đầu phòng, chống dịch Covid-19.
Người dân cần thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của ngành Y tế: hạn chế đi ra ngoài; khi ra ngoài phải giữ khoảng cách và đeo khẩu trang; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn… như những ngày đầu phòng, chống dịch Covid-19. Các địa phương tích cực vào cuộc, tăng cường kiểm tra, nhất là việc đeo khẩu trang của người dân; đồng thời xử lý nghiêm khắc nếu phát hiện vi phạm. Đây là khuyến cáo của các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trong cuộc họp sáng 18-8. Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp.
Cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 vào sáng 18-8. Ảnh: TTXVN |
Đánh giá về tình hình dịch bệnh hiện nay, Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ổ dịch tại Đà Nẵng, Quảng Nam từng bước được khống chế, hạn chế lây lan rộng ra cộng đồng. Số trường hợp mắc Covid-19 mới đã giảm trong những ngày gần đây. Dự kiến đến cuối tháng 8-2020 có thể kiểm soát ổ dịch này. Trên tinh thần cảnh giác tuyệt đối, các lực lượng tiếp tục tăng cường truy vết; mở rộng xét nghiệm cho đối tượng.
Cảnh báo cả nước có thể xuất hiện thêm ổ dịch mới, rải rác trong cộng đồng, Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị: “Các địa phương luôn tăng cường và nâng cao ý thức cảnh giác nhằm phát hiện kịp thời ca nhiễm mới. Phát hiện càng sớm, việc khoanh vùng, dập dịch càng thuận lợi”. Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, trước đó các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo ở mức độ cao trong cộng đồng nhưng người dân thực hiện chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng chủ quan. Trong khi lây nhiễm trong cộng đồng đã xuất hiện, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị cần có giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ nhằm làm chậm và hạn chế nguồn lây.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo đánh giá phương án nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và quốc tế. Theo chuyên gia Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế cộng đồng Việt Nam, hiện nay nhiều quốc gia đã tiến hành thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 trên động vật trước khi thử nghiệm trên người. “Vaccine được sử dụng ở nước ngoài, khi nhập về, Việt Nam không thử nghiệm trên động vật nhưng chắc chắn vẫn phải thử nghiệm trên người để đảm bảo hiệu lực an toàn. Thông thường, quy trình kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm, thậm chí một vài năm trước khi được tiêm chủng rộng rãi” - chuyên gia Trần Đắc Phu cho biết.
Trước khi có vaccine hữu hiệu hoặc thuốc đặc trị, các chuyên gia nhấn mạnh tiếp tục nâng cao tinh thần cảnh giác trong thời gian dài, trên tinh thần “chung sống an toàn với dịch bệnh”.
Các chuyên gia đề nghị, Bộ Y tế tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm; hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng quy định của pháp luật nhằm đảm bảo xét nghiệm hiệu quả, tiết kiệm. Trên tinh thần đó, Bộ Y tế và các thành viên Ban chỉ đạo thống nhất không cho phép xét nghiệm Covid-19 dịch vụ theo yêu cầu trong giai đoạn hiện nay. Các phòng xét nghiệm thực hiện xét nghiệm sàng lọc và khẳng định theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo. Cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm dịch vụ sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Biểu dương sự chỉ đạo cần thiết, kịp thời, hiệu quả của một số địa phương như Hà Nội, Hải Dương, các thành viên Ban chỉ đạo nhấn mạnh, sự vào cuộc của người dân, chính quyền là một trong những yếu tố quyết định thành công của công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhiều trường hợp trở về từ vùng dịch có ý thức cách ly, khai báo y tế; đây không chỉ là nghĩa vụ của bản thân mà còn thể hiện trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và đất nước.
TTXVN