Thời gian qua, cùng với việc chỉ đạo tổ chức đại hội Đảng bộ cấp mình, các cấp ủy trực thuộc tỉnh đã chú trọng tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Thời gian qua, cùng với việc chỉ đạo tổ chức đại hội Đảng bộ cấp mình, các cấp ủy trực thuộc tỉnh đã chú trọng tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ H.Trảng Bom góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Ảnh: C.Nghĩa |
Các ý kiến đóng góp đều thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ của cán bộ, đảng viên vào dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh.
* Cần đánh giá sâu và toàn diện các lĩnh vực
Đồng chí Nguyễn Thị Nga, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Trảng Bom cho biết, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ H.Trảng Bom lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025 có 80 lượt ý kiến của các đại biểu đóng góp vào dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Trong đó, khi đóng góp về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh trong 5 năm qua (2015-2020), có ý kiến đề nghị bổ sung vào phần ưu điểm, với nội dung: “Trong nhiệm kỳ vừa qua, với nền tảng đã có từ những nhiệm kỳ trước, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đạt dấu ấn quan trọng trong nhiệm kỳ này. Đồng Nai là tỉnh đầu tiên của cả nước đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, về đích trước 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Đến nay thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt gần 60 triệu đồng/người/năm, tăng 1,3 lần so với đầu nhiệm kỳ; 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”.
Về những thành tựu đạt được và nguyên nhân; trong đó ở lĩnh vực kinh tế, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung xem xét điều chỉnh “quy hoạch tổng kho trung chuyển miền Nam”, vì đây là vấn đề rất lớn, đang được nhân dân trên địa bàn huyện đặc biệt quan tâm.
Ở phần hạn chế, yếu kém về lĩnh vực kinh tế, trong dự thảo báo cáo chính trị đã đánh giá “công nghiệp, xuất nhập khẩu ở các doanh nghiệp trong nước còn chưa tương xứng...”, vậy chưa “tương xứng” ở đây được so sánh như thế nào cho phù hợp? Mặt khác, có ý kiến nêu, khi đánh giá về tồn tại, hạn chế trên lĩnh vực kinh tế, nhất là về nông nghiệp, chưa cụ thể. Thời gian qua xảy ra nhiều loại dịch bệnh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và phải “giải cứu” một số nông sản nhưng trong dự thảo báo cáo chưa đánh giá cụ thể về thực trạng này để có giải pháp thiết thực cho nhiệm kỳ tới.
Khi đánh giá về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đô thị, có ý kiến đề nghị bổ sung giải pháp cho những dự án quy hoạch “treo”.
Về công tác xây dựng Đảng, công tác Dân vận cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ H.Trảng Bom lần thứ IV. Trong đó có ý kiến đề nghị, cần làm rõ nguyên nhân “công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ ở một số trường hợp chưa đánh giá đúng năng lực, phẩm chất, đạo đức của cán bộ, dẫn đến vi phạm”. Đồng thời bổ sung hạn chế về “công tác phát triển đảng viên ở một số nơi còn chạy theo số lượng và chưa chú trọng đến chất lượng; phát triển đảng viên ở nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Đánh giá chất lượng tổ chức Đảng và đảng viên hàng năm ở một số nơi chưa đúng thực chất”.
Phần đánh giá tổng quát và bài học kinh nghiệm, có ý kiến đề nghị bổ sung đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh. Đồng thời cần đề cập đặc thù của Đồng Nai như số dân nhập cư đông; đồng bào tôn giáo, các khu công nghiệp nhiều với số lượng công nhân lớn đã ảnh hưởng đến việc xây dựng trường, lớp cho con em công nhân, nhà ở cho người lao động, vấn đề an toàn giao thông, trật tự xã hội... như thế nào.
“Khi đánh giá được sát những vấn đề đặc thù của tỉnh thì mới xây dựng được phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tiếp theo sát thực tế” - Phó bí thư thường trực Huyện ủy Trảng Bom Nguyễn Thị Nga nhấn mạnh.
* Xem xét các chỉ tiêu phù hợp với thực tế
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ H.Xuân Lộc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025, có 139 lượt ý kiến đóng góp vào dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Trong đó, có ý kiến đề nghị thêm cụm từ “hiệu quả” vào phương châm chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 thành: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Hiệu quả”.
Một số ý kiến khác thì đề nghị đánh giá lại nội dung: “Lĩnh vực du lịch và giải trí được chú trọng; một số khu, điểm du lịch mới đi vào hoạt động hoặc chuẩn bị đưa vào khai thác đã đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân”. Đánh giá này chưa sát với kết quả thực tế hiện nay trên lĩnh vực du lịch của tỉnh.
Theo đồng chí Viên Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc, bên cạnh đóng góp các ý kiến vào dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh, tại Đại hội Đảng bộ huyện mới đây còn có một số ý kiến đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp để ổn định đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Quan tâm tổ chức nhiều hơn nữa các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ ở cơ sở trong việc sử dụng các phần mềm giải quyết thủ tục hành chính. UBND tỉnh chỉ đạo Công ty CP Cấp nước Đồng Nai có kế hoạch đầu tư mở rộng hệ thống cấp nước sạch trên các tuyến đường trục chính có tỷ lệ dân cư đông để đảm bảo tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Tỉnh xem xét, bố trí lại chức danh phó ban nhân dân ấp, nhất là đối với các ấp thực hiện mô hình Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ban nhân dân ấp.
Phó bí thư thường trực Huyện ủy Nhơn Trạch Nguyễn Hữu Nghị cho hay, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 có 74 lượt ý kiến đóng góp vào dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Trong đó, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến vào mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho 5 năm tới. Cụ thể về các chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2020-2025 ở trang 32, có 12 lượt ý kiến góp ý, đề nghị tỉnh xem xét lại các chỉ tiêu số 6, 9, 12 và 13 do các chỉ tiêu này quá cao so với tình hình thực tế của địa phương.
Tại tiểu mục 1, phát triển kinh tế năng động và bền vững trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo (trang 33), có 4 lượt ý kiến đề nghị bổ sung nhóm giải pháp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Vì đây là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong việc triển khai thực hiện các dự án, nhất là dự án trọng điểm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tại trang 35, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung: “Mở rộng quảng bá; kết hợp khai thác các giá trị văn hóa của địa phương tạo nét đặc trưng thu hút du lịch” vào sau cụm từ “tiềm năng” của đoạn “phát triển du lịch sinh thái gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp, nông thôn tại những vùng có lợi thế, tiềm năng nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững”.
Tại tiểu mục 2, đẩy mạnh phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung: “Tiếp tục thực hiện và nâng cao chất lượng mô hình hợp tác công tư, hợp tác quốc tế trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, thu hút y, bác sĩ có tay nghề cao nhằm góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân ngay ở tuyến huyện”.
Đồng chí Thái Bảo, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Tổ phó Tổ biên tập Tiểu ban Văn kiện Đại hội XI Đảng bộ tỉnh cho biết, chậm nhất là ngày 22-8, tất cả các Đảng bộ trực thuộc tỉnh phải gửi nội dung góp ý của đại biểu dự Đại hội Đảng bộ cấp huyện về tổ biên tập của tỉnh để nghiên cứu xem nội dung góp ý nào cần tiếp thu, nội dung nào giải trình để tham mưu Ban TVTU cho ý kiến, sau đó hoàn chỉnh dự thảo báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh để trình đại hội. |
Phương Hằng